Bắc Giang: Nỗ lực cải thiện, nâng hạng chỉ số xanh

Bắc Giang: Nỗ lực cải thiện, nâng hạng chỉ số xanh

Với mục tiêu duy trì và nâng hạng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) một cách bền vững, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần.

Tích cực thực hiện nhiều giải pháp

PGI là bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường. Chỉ số này được đánh giá theo các tiêu chí như mức độ quan tâm, đầu tư về bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương và những vấn đề môi trường khác; mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của các doanh nghiệp (DN) tại địa phương… Chỉ số PGI lần đầu tiên được công bố vào năm 2022.

tm-img-alt
Tổ công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hệ thống xử lý khí thải của một DN trong Khu công nghiệp Đình Trám

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2022, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 8/63 tỉnh, TP cả nước với tổng số điểm 16,43. Phát huy kết quả đạt được, ngày 28/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải thiện nâng hạng chỉ số PGI giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu cụ thể là duy trì thứ hạng của tỉnh trong tốp 10 tỉnh, TP trực thuộc trung ương có chỉ số PGI dẫn đầu cả nước; phấn đấu cải thiện số điểm của các chỉ số thành phần về giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH); bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền trong thúc đẩy thực hành xanh và các chính sách, dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: “Để cải thiện, duy trì chỉ số PGI của tỉnh, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành nhiều văn bản hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm môi trường, BĐKH, ứng phó với BĐKH, thực hiện lối sống xanh…

Đặc biệt, đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp ở một số lĩnh vực như: Quản lý chất thải, chất lượng không khí, quản lý tài nguyên nước, đất đai và đa dạng sinh học; tham mưu thành lập các tổ công tác liên ngành tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về môi trường; tích cực tuyên truyền vận động DN, người dân, cơ quan, đơn vị tăng cường tiêu dùng, mua sắm xanh. Chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng các phương án chủ động phòng ngừa sự cố môi trường…”.

Thực hiện kế hoạch trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động, phong trào về bảo vệ môi trường như: Ngày thứ Sáu xanh, Chủ nhật xanh; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; trồng và chăm sóc cây xanh, các con đường hoa, đường “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; thực hiện thu gom rác thải tái chế gây quỹ tặng quà, phương tiện sinh kế cho phụ nữ, trẻ em nghèo; thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”…

Theo đại diện lãnh đạo UBND TP, bên cạnh thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, địa phương đặc biệt quan tâm bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu trên địa bàn. Tính từ năm 2023 đến nay, TP đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 4 DN vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn với tổng số tiền xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, TP đã đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải với công suất 20 nghìn m3/ngày đêm, thu gom, xử lý nước thải đạt tỷ lệ 72,9%. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP tiếp tục đầu tư xây dựng mới 2 trạm xử lý nước thải tại phường Đa Mai và xã Đồng Sơn.

Chuyển biến rõ nét

Góp phần cải thiện, nâng hạng chỉ số PGI, các DN trên địa bàn tỉnh đã tăng cường áp dụng công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải các-bon thấp trong sản xuất. Qua rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy cơ bản các DN áp dụng công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải các-bon thấp trong sản xuất.

Theo kế hoạch tỉnh đề ra, đến năm 2030, 100% các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến nay, 100% khu công nghiệp và khoảng 63% cụm công nghiệp của tỉnh đi vào hoạt động đã có hệ thống này. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 28 DN, cơ sở phát sinh nguồn thải lớn cũng đã lắp đặt được trạm quan trắc tự động và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường với tổng số 65 trạm quan trắc khí thải, nước thải tự động.

Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh ở các địa phương. Trong đó, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung lớn là Nhà máy Xử lý triệt để rác thải sinh hoạt bằng công nghệ TTD-01 tại xã Kiên Thành (Lục Ngạn) đã đi vào hoạt động, vận hành ổn định, mỗi ngày xử lý từ 50-60 tấn rác, góp phần tăng tỷ lệ thu gom xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư vào triển khai thực hiện dự án Nhà máy Xử lý rác và phát điện Bắc Giang với công suất xử lý 750 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, công suất phát điện khoảng 12 MW; dự án xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải rắn, địa điểm thực hiện dự án tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) công suất thiết kế xử lý chất thải rắn 650 tấn/ngày… Theo đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt gần 86%; trong đó tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt gần 98% và được xử lý bảo đảm quy chuẩn đạt hơn 99% (mục tiêu tỉnh đề ra đạt 95% vào năm 2030).

Được biết, để đạt mục tiêu đề ra về chỉ số PGI đến năm 2025, bên cạnh thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, thực hiện lối sống xanh… hiện tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành sản xuất xanh mới, hạn chế phát triển các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái gắn với thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp; ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững. Hiện tỉnh đang định hướng thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, công nghiệp sinh thái để hình thành “Hệ sinh thái công nghiệp”.

Quan tâm huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư xanh như thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu tốn ít hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tăng cường ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ sạch hay các chuỗi cung ứng xanh… Cùng đó, tỉnh cũng quan tâm tăng kinh phí hoạt động cho các cơ quan quản lý môi trường, cải thiện trang thiết bị, tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường và đối phó với BĐKH.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích