Điện Biên Phủ: Chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng
Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc Việt Nam đã trải qua 8 năm kháng chiến, từ “lột sắt đường tàu rèn thêm dao kiếm”, “Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước”, vừa đánh giặc vừa xây dựng lực lượng, giành thắng lợi từng bước.
Toàn dân kiên trì thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc” với niềm tin “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra trong những ngày đầu kháng chiến.
Đến nay, sự kiện lịch sử “chấn động địa cầu” đã lùi xa 70 năm, có nhiều cuộc hội thảo, các học giả trong ngoài nước, các chính trị gia… phân tích tìm nguyên nhân nào để một dân tộc nhỏ bé lại làm nên điều kỳ diệu, chiến thắng kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội.
Bài viết nhỏ này chỉ đề cập đến vấn đề “chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng” một nhân tố làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ.
Nói về chủ nghĩa yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Chủ nghĩa yêu nước là điểm cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam. Là sợi dây bền chặt gắn bó cố kết con người Việt Nam để tạo thành sức mạnh chống chọi thiên nhiên, giữ gìn bảo vệ non sông bờ cõi, đó chính là hạt nhân của văn hóa Việt. Chính nhờ sức mạnh của nền văn hóa ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, dân tộc ta đã không bị đồng hóa mà liên tiếp dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược bạo tàn.
Chủ nghĩa yêu nước từ chỗ chủ yếu là một yếu tố trong tâm lý xã hội, đã trở thành hệ tư tưởng, trở thành lực lượng tinh thần vô cùng mạnh mẽ, động viên mọi người đứng lên bảo vệ tổ quốc chống lại mọi kẻ thù xâm lăng. Bước vào thời kỳ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa yêu nước được bồi đắp phát triển lên tầm cao mới, là sức mạnh chính trị – tinh thần của toàn dân tộc.
Trải qua 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ta bước vào cuộc quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ trong bối cảnh tương quan lực lượng không nghiêng về phía Việt Nam. Quân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm lớn, được bao bọc bởi những dãy núi cao, đó chính là bức tường thành thiên nhiên vững chắc, được bố trí phòng thủ chặt chẽ trong các công sự hầm ngầm kiên cố.
Trước giờ nổ súng, lực lượng địch có 10.871 tên, gồm 12 tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn lựu pháo 105 ly (24 khẩu), hai tiểu đoàn súng cối 120 ly (20 khẩu) và một đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc). Ngoài ra còn có 2 trung đội súng máy 12,7 ly, có 7 máy bay khu trục, 5 trinh sát, 4 vận tải và 1 máy bay thường trực, đó là chưa kể địch có ưu thế về vận tải đường không, nên suốt quá trình diễn ra chiến dịch chúng đã đưa số quân lên đến 16.200.
Với lực lượng như vậy, Heri Nava tác giả của tập đoàn cứ điểm này cho rằng đó là “pháo đài bất khả xâm phạm” là nơi “nghiền nát chủ lực Việt Minh”.
Ông ta cho rằng đối phương phải có gấp năm lần quân số thì mới dám nghĩ đến chuyện tấn công, bởi “các công trình phòng ngự của Pháp được tổ chức theo nguyên tắc hiện đại nhất, đặc biệt có sự giúp đỡ của người Mỹ là bất khả xâm phạm. Pháo binh Việt Nam dù sao đi nữa cũng thua kém pháo binh ta, không thể nào leo lên đến các đỉnh núi cao quanh lòng chảo. Các lực lượng của tướng Giáp không thể nào được tiếp tế vũ khí, đạn dược và lương thực. Vận chuyển hàng vạn tấn qua rừng rậm là việc làm kỳ dị, chúng ta làm chủ trên không và bắn phá các con đường giao thông của Việt Minh, họ không thể nào tránh được”.
Về phía ta, quân số tham gia chiến dịch là 51.445 người, được biên chế trong 9 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn sơn pháo 75mm (15 khẩu), 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly (24 khẩu), 4 đại đội súng cối 120 ly (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ 37 ly (24 khẩu), 2 tiểu đoàn công binh. Hoàn toàn không có sự yểm hộ của xe tăng và máy bay, phương tiện tác chiến cực kỳ cần thiết trong thực hành tiến công.
Harrison, nhà bình luận quân sự nổi tiếng cho rằng: “Nếu một tướng phương Tây ở vào vị trí của Tướng Giáp thì còn cần thêm 100 xe tăng và một đội máy bay yểm hộ nữa. Ngoài ra để chắc chắn cần phải có thêm một lực lượng hậu bị”.
Nhưng trên toàn cục chiến trường Đông Dương, lực lượng ta chỉ bằng 2/3 quân số địch (304.376/445.000), địch lại chiếm hoàn toàn ưu thế về phương tiện chiến tranh (xe tăng, máy bay, tàu thuyền). Với tương quan như vậy, dưới con mắt của các nhà quân sự phương Tây việc tấn công của Việt Minh là không thể, nếu phát động tiến công chỉ là hành động tự sát. Thế nên, Nava tác giả của tập đoàn cứ điểm đã có lúc lo sợ Việt Minh sẽ không dám tấn công vào Điện Biên Phủ, khiến việc lập nên tập đoàn này thành vô ích.
Bên cạnh so sánh về tương quan lực lượng trên chiến trường, các nhà chiến lược quân sự của cả Pháp và Mỹ cũng nhận định để đánh Điện Biên Phủ, Việt Minh cần ít nhất 75.000 quân, nhưng hậu phương của họ ở xa, lại không có phương tiện vận chuyển nên việc cung cấp hậu cần cho mặt trận là việc cực kỳ khó khăn, nên Việt Minh không thể tiến hành một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày.
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh các tướng lĩnh của quân đội thực dân đã không tính đến yếu tố quan trọng nhất, làm nên sức mạnh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đó chính là nhân tố con người. Khi cả dân tộc cùng dốc sức ra trận, trên dưới đồng lòng, chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng phát huy cao độ đã làm nên sức mạnh vô địch, chiến thắng được sức mạnh binh khí kỹ thuật, chiến thắng được kẻ thù lớn hơn mình gấp bội.
Thực tế chiến trường Điện Biên Phủ đã chứng minh:
1. Người Pháp cho rằng với địa hình đồi dốc, đường sá xa xôi, không có xe kéo, Việt Minh khó có thể triển khai được pháo hạng nặng, nên họ đã bất ngờ khi pháo ta nã đạn vào Điện Biên Phủ, khiến viên chỉ huy pháo binh phải tự sát.
Vấn đề chính người Pháp không thể tưởng tượng là chỉ bằng sức người, kết hợp tời quay, chiến sĩ pháo binh Việt Nam đã đưa pháo vượt qua những quãng đường lầy lội, đầy đèo dốc, có nơi dốc 60 độ. Nhưng họ sẽ ngạc nhiên hơn việc kéo pháo không chỉ diễn ra một lần mà đưa được pháo vào lại kéo pháo ra, bố trí lại trận địa.
Chỉ bằng đôi vai trần, những cuộn dây thừng, các chiến sĩ pháo binh đã đưa được những khẩu pháo nặng hàng tấn nhích dần từng mét, nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong khi kéo pháo. Chỉ có lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí chiến đấu vì độc lập tự do mới tạo nên sức mạnh “kinh khủng”, mới tạo nên những người lính pháo binh “chân đồng vai sắt” để hoàn thành nhiệm vụ trên.
2. Về vấn đề bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, kẻ địch không thể ngờ rằng chúng ta đã huy động tổng lực của hậu cần chiến tranh nhân dân. Cùng với các đơn vị tiến quân lên Điện Biên Phủ là hàng vạn thanh niên xung phong, phối hợp với công binh mở hàng trăm km đường. Huy động 261.461 dân công với gần 20 triệu ngày công phục vụ chiến dịch, vận chuyển hơn 27 nghìn tấn gạo.
Trong cuộc ra quân tiếp vận cho chiến trường Điện Biên đã nổi bật nên những tấm gương cao đẹp như anh hùng phá thác Phan Tư, kỷ lục xe thồ Ma Văn Thắng với 352 kg, gấp 7 lần trọng lượng của cơ thể. Sức mạnh tập thể được nhân lên từ những nghị lực phi thường được hình thành nên từ động cơ yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
3. Bộ chỉ huy quân Pháp cho rằng họ hoàn toàn nắm giữ ưu thế chiến dịch, làm chủ hoàn toàn trên không, ưu thế tuyệt đối về xe tăng, vượt trội về pháo binh, có công sự hầm ngầm vững chắc và một thế bố trí liên hoàn chặt chẽ và như vậy họ hoàn toàn làm chủ mặt đất. Nhưng họ lại không thể ngờ rằng với cách đánh thông minh và chỉ bằng công cụ thô sơ, bộ đội Việt Nam lại tiến sâu, đánh họ từ trong lòng đất.
Hệ thống giao thông hào dài trăm km, dần tiến dần vào lòng chảo, trở thành “thòng lọng” thít chặt tập đoàn cứ điểm đã hạn chế được ưu thế về mặt quân sự của đối phương, bảo đảm cho cách đánh lâu dài, tiến chắc, đánh chắc.
Rõ ràng chỉ có những con người với lòng yêu nước, chí anh hùng “gan không núng, chí không mòn” mới làm nên những điều kỳ diệu như vậy, những điều không hề có trong sách giáo khoa của các học viện quân sự lừng danh trên thế giới.
Tinh thần yêu nước nồng nàn, khí phách của một dân tộc với đức tính cần cù thông minh, sáng tạo là mảnh đất nuôi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã tạo nên sức mạnh phi thường, làm nên những điều mà kẻ thù không tưởng tượng nổi, là nhân tố tạo nên chiến thắng. Tên tuổi của những anh hùng như Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… là những điển hình cho tinh thần và sức mạnh đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch khẳng định: “Chúng ta, những người trong cuộc, đều biết rõ dân tộc ta đã thắng, trước hết là do sức sống mãnh liệt của nền văn hóa lâu đời, của truyền thống yêu nước hàng nghìn năm, của tinh thần đấu tranh bất khuất thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ, tư tưởng mà Bác Hồ đã nêu rõ: Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Bài học phát huy chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng làm động lực để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần kế tục, bổ sung và phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên tầm cao mới, đáp ứng sự phát triển của tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đó cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho đất nước ta luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống, ổn định và phát triển bền vững.
Đại tá. TS Lê Thanh Bài – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự
(Theo Dân trí)