Về với Điện Biên
(Xây dựng) – Những ngày này, cả nước đang cùng hoà chung không khí nô nức Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu” của quân – dân ta (7/5/1954 – 7/5/2024). Nhạc sĩ – nhà báo Tào Khánh Hưng, Phó tổng biên tập Báo Xây dựng đã sáng tác ca khúc “Về với Điện Biên”. Đây là bài hát hưởng ứng cuộc vận động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên” (lễ phát động ngày 14/5/2023); cùng “Tháng âm nhạc Bài ca Điện Biên – Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên phát động (19/3/2024).
Ông Hoàng Công Thủy – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra tiến độ làm nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. |
Trong lịch sử chống ngoại xâm của cha ông, những trận đánh, những chiến công oanh liệt từ ngàn xưa như Hai Bà Trưng (Trưng Trắc cùng Trưng Nhị) dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi Thái thú Giao Chỉ Tô Định – nhà Đông Hán, tháng 2 năm 40 sau CN; Cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tại vùng đất Cửu Chân chống ách đô hộ của Nhà Ngô vào nǎm 248 (cách nay 1.775 năm), khiến Sử nhà Ngô phải thú nhận “toàn thể Châu Giao đều chấn động”; Trận sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang chi Chiến) năm 938 của quân dân Tĩnh Hải quân (vào thời Việt Nam chưa có quốc hiệu) do Ngô Quyền đứng đầu chống quân Nam Hán; Trận Phòng tuyến Như Nguyệt của quân – dân Nhà Lý (3/1077), đánh bại quân xâm lược Nhà Tống; Trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 1288 của các vua Trần và Trần Quốc Tuấn đánh bại quân Nguyên – Mông; Trận Tốt Động – Chúc Động (hay Trận Tụy Động) là trận đánh diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7/11/1426 giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân đội nhà Minh. Tại đây, lực lượng Lam Sơn dưới sự chỉ huy của các tướng Lý Triện, Đinh Lễ, Nguyễn Xí đã đánh bại quân đội nhà Minh đông gấp nhiều lần do Vương Thông chỉ huy. Cho đến thời cận đại như trận Rạch Gầm – Xoài Mút (đêm 19 rạng sáng ngày 20/1/1785) của quân – dân Nhà Tây Sơn đánh tan liên quân Xiêm – Nguyễn Ánh; Trận Đại phá quân Thanh ở Ngọc Hồi – Đống Đa giải phóng Đông Đô (1789) cũng của quân – dân Nhà Tây Sơn… Tất cả đều được lịch sử chép lại, nhân dân đời đời tôn vinh. Trong các sáng tạo văn học – nghệ thuật (thơ văn, hội hoạ, điêu khắc, nghệ thuật sân khấu…) đã có nhiều tác phẩm phản ánh đậm nét về các chiến tích cùng những người anh hùng làm nên các mốc son lịch sử đó.
Riêng về âm nhạc, thì thi thoảng một số nhạc sĩ có sử dụng sử liệu chống ngoại xâm để đưa vào tác phẩm nhằm làm giàu thêm nội dung sử thi cho ca khúc của mình. Nhưng cho đến nay, tuyệt nhiên chưa có một tác phẩm âm nhạc trọn vẹn nào dành cho các chiến tích cùng những người anh hùng dựng nước – giữ nước vừa kể. Còn Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chỉ riêng về âm nhạc đã có hàng trăm tác phẩm từ ca khúc đến nhạc không lời, hợp xướng…Tiêu biểu như “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân; “Quê tôi giải phóng” của Văn Chung; “Mừng chiến thắng Tây Bắc” nhạc Đặng Đình Hưng, lời Đào Vũ và Thái Ly; “Hát mừng Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận; “Mùa lúa chín” của Hoàng Việt… Rất nhiều ca khúc nữa đã đi cùng năm tháng và nằm lòng công chúng suốt 70 năm nay.
Du khách thăm quan Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. |
Nhạc sĩ – nhà báo Tào Khánh Hưng chắc chắn đã suy nghĩ và nghiền ngẫm rất nhiều điều tôi vừa viết. Do đó anh đã tìm một “phân khúc”, tìm một nguồn cảm hứng riêng về Điện Biên để cho ra đời tác phẩm âm nhạc “Về với Điện Biên” khác biệt, độc đáo. Ở bài hát này, nhạc sĩ chỉ “điểm xuyết” mấy địa danh đã thuộc về lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu” đủ để mang tính “gợi nhớ”, chứ không “kể lể” đầy đủ các chiến tích hoặc các địa danh từng diễn ra các cuộc chiến đấu đẫm máu để đưa vào bài hát như là nguồn sử liệu cần phải có:
Nhà báo Lê Quang Vinh (bên trái) và Nhà báo Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng tác giả ca khúc “Về với Điện Biên”. |
“Về Điện Biên đường rộng thênh thang
Sương giăng giăng hoa ban hồng trắng
Thấp thoáng khăn piêu em xuống chợ
Lảnh lót chim rừng theo chân em”.
Một khung cảnh thanh bình, an yên rất đẹp từ cảnh sắc “Sương giăng giăng hoa ban hồng trắng”, đến niềm vui và hạnh phúc của con người “Thấp thoáng khăn piêu em xuống chợ”. Rõ ràng là xa rồi những bom rơi đạn mổ, máy bay gầm rú, quân reo ầm ầm. Thay vào đó là âm thanh nghe rất thích tai “Lảnh lót chim rừng theo chân em” khiến lòng dạ ta đẹp thêm…
Tuy nhiên, hiện thực vẫn là hiện thực, không thể nói khác. Điện Biên Phủ sau bảy thập niên đã an yên, im tiếng súng, đổi thay một trời một vực rồi (“Bản em bốn mùa rì rào suối hát/ Xốn xang lúa vàng, nương chè xanh ngát”), nhưng vẫn còn đó bao cảnh đời “Khói lam chiều, bếp nhà ai chưa đỏ lửa/ Mái dột, nhà xiêu thương những phận người”:
“Bản em bốn mùa rì rào suối hát
Xốn xang lúa vàng, nương chè xanh ngát
Khói lam chiều, bếp nhà ai chưa đỏ lửa
Mái dột, nhà xiêu thương những phận người”.
Khúc ca cất lên là vui rồi đấy, nhưng cũng gợi nên một nỗi buồn, khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với thế hệ cha anh từng đánh đổi xương máu để giành lấy Điện Biên cho hôm nay:
“Nào, ta cùng lên Tây Bắc với em
Về Điện Biên – những tấm lòng thơm thảo
Ấm áp tình người, yêu thương đoàn kết
Ta chung tay xây mái ấm tình thương”.
Cách đây hơn 70 năm, đã có 53.800 bộ đội chân dép lốp (gồm 10 trung đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công binh và pháo binh; sau tăng viện thêm khoảng 8.000 chiến sĩ); cùng 261.451 dân công vận tải hậu cần – chủ yếu là xe đạp thồ, đã ùn ùn tiến lên Điện Biên phủ với khí thế ngút trời để “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thì nay, “Nào, ta cùng lên Tây Bắc với em/Về Điện Biên – những tấm lòng thơm thảo”. Cũng là “cùng lên Tây Bắc”, “về Điện Biên” – nhưng là “về” với một chốn thân thương của chính mình, như quê hương chôn rau cắt rốn của mình (“Ấm áp tình người, yêu thương đoàn kết”) để góp sức “Ta chung tay xây mái ấm tình thương”.
Đoạn điệp khúc (cả lời 1 lẫn lời 2) réo rắt như khúc tình ca đằm thắm. Nét nhạc vang ngân nghe nao nức, cuộn trào cùng tiết tấu vui nhộn, dạt dào lòng dạ.
Rồi đây hàng ngàn, hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa “Đại đoàn kết” được mọc lên, trao tay cho những gia đình bà con hộ nghèo Điện Biên. Chắc chắn quê hương Điện Biên sẽ thêm đổi sắc, thay da:
“Mùa Xuân về hoa ban trắng rừng
Bên mái nhà xinh, vòng xoè em rộng mở
Inh lả ơi, sao noọng ời…
Điện Biên trong tim cả nước yêu thương
Điện Biên trong tim cả nước yêu thương”.
Một lần nữa, tác giả đã khéo không nhắc gì đến các chiến công của 70 năm trước, mà dồn tài trí, tâm huyết biểu đạt những vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên, con người các dân tộc Điện Biên. Nào là “hoa ban trắng rừng”, nào là “Bên mái nhà xinh, vòng xoè em rộng mở/ Inh lả ơi, sao noọng ời…”.
Câu kết – đúng 100% không khí của Điện Biên trong ngày chiến thắng của 70 năm trước, nay như đang được nhân lên bát ngát biết bao tình: “Điện Biên trong tim cả nước yêu thương/ Điện Biên trong tim cả nước yêu thương”…
Lời bài hát Về với Điện Biên của nhạc sĩ – nhà báo Tào Khánh Hưng. |
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai khẳng định, Chương trình làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên đã thành công tốt đẹp. “Trong vòng chưa đầy 9 tháng, Điện Biên đã tập trung chỉ đạo, huy động công sức hoàn thành 5.000 căn nhà cho hộ nghèo. Đây là nỗ lực rất lớn, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm cao của Điện Biên và từng gia đình được hỗ trợ làm nhà”. Về với Điện Biên Về Điện Biên đường rộng thênh thang Sương giăng giăng hoa ban hồng trắng Thấp thoáng khăn piêu em xuống chợ Lảnh lót chim rừng theo chân em Bản em bốn mùa rì rào suối hát Xốn xang lúa vàng, nương chè xanh ngát Khói lam chiều, bếp nhà ai chưa đỏ lửa Mái dột, nhà xiêu thương những phận người Nào, ta cùng lên Tây Bắc với em Về Điện Biên – những tấm lòng thơm thảo Ấm áp tình người, yêu thương đoàn kết Ta chung tay xây mái ấm tình thương. Nào, ta cùng lên Tây Bắc với em Về vùng xa những tấm lòng thơm thảo Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc Cuộc sống đẹp tươi, thắm đượm tình người Mùa Xuân về hoa ban trắng rừng Bên mái nhà xinh, vòng xoè em rộng mở Inh lả ơi, sao noọng ời … Điện Biên trong tim cả nước yêu thương. |
Nguồn: Báo xây dựng