Số bài báo công bố quốc tế của Việt Nam tiếp tục tăng

Công bố thống kê số bài báo quốc tế năm 2023 được SCImago, tổ chức chuyên cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, trụ sở tại Tây Ban Nha, đưa ra đầu tháng 5.

Trong khu vực, Việt Nam xếp sau Indonesia (thứ 19), Malaysia (thứ 23), Singapore (thứ 35) và Thái Lan (thứ 36). Ba quốc gia dẫn đầu gồm Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc có hơn 1 triệu công bố, gấp 1,4 lần so với Mỹ và 3,4 lần so với Ấn Độ. Trong đó Indonesia có cải thiện vượt bậc, tăng từ thứ hạng 25 (năm 2022) lên thứ 19 (năm 2023).

Nhìn tổng quan, công bố khoa học của Việt Nam tăng liên tục qua các năm, riêng 2022-2023 số lượng bài báo tăng nhẹ từ 18.551 lên 19.196 bài báo, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của cộng đồng khoa học Việt Nam trong việc đóng góp cho khoa học toàn cầu.

 Ảnh minh hoạ.

Theo chuyên gia, việc công bố khoa học của Việt Nam tăng trong giai đoạn vừa qua là do xu thế phát triển chung thị trường giáo dục ngày càng cạnh tranh, hiện rất nhiều đại học, trường đại học đã có KPI về nghiên cứu rõ ràng cho giảng viên. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) cùng nhiều cơ sở giáo dục đại học như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM… gần đây đều có chính sách hỗ trợ công bố quốc tế đều đặn qua các năm.

Trong tương lai, để duy trì và cải thiện khả năng công bố quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, như tập trung vào chất lượng công trình và ứng dụng thực tiễn. Bên cạnh đó cần đổi mới cơ chế quản lý, thủ tục hành chính, tạo môi trường nghiên cứu cạnh tranh và thuận lợi, phát triển thị trường công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Những bước tiến này sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong cộng đồng khoa học quốc tế, góp phần vào sự phát triển của ngành khoa học toàn cầu.

Bảo Bình

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích