Không có cơ chế cho việc mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu

Không có cơ chế cho việc mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu

“Dứt khoát không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà” ở thời điểm này.

Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Chiều 4/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học, năng lượng, pháp luật,…

Triển khai Quy hoạch điện VIII, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và đăng tải công khai lấy ý kiến rộng rãi vào ngày 15/4/2024. Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo.

3 nhóm cơ chế khuyến khích

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Bộ Công Thương, Ban soạn thảo, Tổ biên tập rất mong nhận được các ý kiến đóng góp cho Dự thảo và sẽ tiếp thu với tinh thần cầu thị, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo để phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ xem xét, phê duyệt ban hành Nghị định “càng sớm càng tốt”, trong bối cảnh áp lực về an ninh năng lượng nói chung và đảm bảo cung ứng điện nói riêng trong năm 2024 và những năm tiếp theo là rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội thảo
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội thảo

Theo đó, Nghị định quy định về phát triển điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Đối tượng áp dụng của Nghị định là các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; Mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu gồm: nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Các trường hợp không thuộc đối tượng của Nghị định này gồm Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Về chính sách, đối với điện mặt trời mái nhà nếu đấu nối với hệ thống điện quốc gia, Dự thảo Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng. Nội dung này thực hiện theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII.

Đối với điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, Dự thảo quy định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Nội dung này thực hiện theo yêu cầu tại Quy hoạch điện VIII.

Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo báo cáo tóm tắt về nội dung Dự thảo Nghị định
Ông Tô Xuân Bảo – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo báo cáo tóm tắt về nội dung Dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định đề xuất 3 nhóm cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, bao gồm:

Cơ chế khuyến khích về kỹ thuật:

– Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia (nhằm bảo đảm chất lượng điện năng, hoạt động ổn định của thiết bị điện mặt trời mái nhà và được mua điện từ lưới điện khi điện mặt trời mái nhà không đáp ứng nhu cầu sử dụng lúc bức xã mặt trời yếu hoặc ban đêm), tổng công suất tăng thêm đến năm 2030 là khoảng 2.600 MW.

– Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện.

Cơ chế khuyến khích về pháp lý:

– Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

– Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất thuộc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với Luật Điện lực.

– Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật về điện lực, đất đai, xây dựng.

Cơ chế khuyến khích về hành chính:

– Để đơn giản hoá các thủ tục hành chính khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà, đề xuất giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Dự thảo Nghị định này.

– Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.

Tại Dự thảo cũng quy định các mẫu đăng ký đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và trình tự thủ tục đăng ký.

“Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu để dự thảo các quy định về trình tự, thủ tục đơn giản nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện và đảm bảo được sự quản lý của các cơ quan liên quan trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu”, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Tô Xuân Bảo cho biết.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trong đó nhiều ý kiến thống nhất rằng cần làm rõ khái niệm điện mặt trời tự sản, tự tiêu; quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có nối lưới;…

Vì sao không cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà?

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ ổn định, an toàn hệ thống điện quốc gia khi phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng các đối tượng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được đề xuất hưởng nhiều chính sách ưu tiên, như không cần tuân thủ các quy hoạch điện lực, đất đai, không cần có giấy phép hoạt động điện lực; được áp dụng cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính; được nối lưới hoặc không nối lưới điện quốc gia.

Do đó, Bộ trưởng khẳng định không cần đề cập đến câu chuyện giá 0 đồng, mà “dứt khoát không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà” ở thời điểm này. Ngay từ tên gọi “điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu” đã xác định rõ mục đích của các dự án này là tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện, chứ không nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh, mua bán điện. Đây là chủ trương nhất quán ngay từ đầu khi xây dựng Dự thảo Nghị định.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải vì sao không cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải vì sao không cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Đặt ngược lại vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích sẽ có nhiều vướng mắc xảy ra nếu cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà với các chính sách, cơ chế khuyến khích như trên và có cho phép thực hiện mua bán điện.

Thứ nhất, việc này dẫn đến tình trạng phát triển một cách ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt là sẽ dẫn tới mất cân đối cơ cấu các nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhất là khi hệ thống phải tiếp nhận “thêm một lượng nguồn rất lớn chưa xác định được là bao nhiêu, phát triển ở nhà dân, trong công sở, trong các doanh nghiệp”. Lợi ích nhìn thấy nhưng rủi ro cũng rất lớn. Đồng thời, điều này vô hình chung tạo nên sự thiếu công bằng và xung đột lợi ích trong vận hành các nguồn điện, đặc biệt đối với các nguồn điện nền.

Thứ hai, việc cho phép mua bán điện đối với nguồn điện mặt trời mái nhà nếu vượt nhu cầu sử dụng có thể dẫn đến cổ súy cho việc trục lợi chính sách, khi các đối tượng này không phải tuân thủ các quy định của pháp luật mà lại được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, không phải chịu các rủi ro như chủ đầu tư các dự án điện khác.

Thứ ba, việc này cũng làm nảy sinh những vấn đề mới trong quản lý, nhất là quản lý về xây dựng, môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ,…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải vì sao không cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Chính phủ sớm ban hành

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhằm: (i) Khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên của tài nguyên quốc gia, bổ sung nguồn điện đáp ứng nhu cầu phụ tải được dự báo tăng cao thời gian tới; (ii) Giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển nguồn điện, góp phần giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện; (iii) Hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra, việc xây dựng, ban hành chính sách này vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, khi chưa có đủ các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan. Dù vậy, Dự thảo Nghị định vẫn cần được khẩn trương hoàn thiện, trong đó đảm bảo 3 yếu tố là tính phổ quát, tính phù hợp và tính công bằng.

“Để các nguồn điện linh hoạt này được khai thác thì cũng phải quan tâm đến lợi ích của chủ đầu tư các nguồn điện khác và sự ổn định, an toàn, thông suốt của toàn hệ thống điện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải vì sao không cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Bộ trưởng cũng nhất trí với ý kiến của các đại biểu là cần thống nhất tên gọi của Nghị định để qua đó xác định đối tượng áp dụng một cách xác đáng, với 3 nhóm cơ chế khuyến khích như Dự thảo Nghị định đã đề ra.

Đặc biệt, trong giai đoạn được áp dụng chính sách, cơ chế khuyến khích này, việc phát triển điện mặt trời mái nhà của nhà ở, cơ quan công sở nhằm khuyến khích “tự sản, tự tiêu”, do đó sẽ không có hoạt động mua bán. Và đi cùng với các cơ chế khuyến khích, cần quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của đối tượng tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, liên quan đến giới hạn công suất, xử lý vấn đề môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy,… Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển hệ thống lưu trữ điện, phát triển lưới điện thông minh,…

Riêng đối với phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu để xem xét, tham mưu Chính phủ có quy định phù hợp. Bộ cũng sẽ nghiên cứu để đề xuất các chính sách phù hợp về giá điện khi bắt đầu triển khai hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các tổ chức quốc tế để tiếp thu, sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, với mục tiêu thiết lập cơ sở, hành lang pháp lý khuyến khích hiệu quả các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích