Bảo tồn di sản để phục vụ du lịch: Bài học kinh nghiệm quốc tế
Bảo tồn di sản để phục vụ du lịch: Bài học kinh nghiệm quốc tế
Cầu Long Biên với các giá trị đã được xác định và thừa nhận từ rất nhiều nguồn dẫn khác nhau.
Cầu Long Biên có giá trị Lịch sử, phản ánh công nghệ đương thời (được áp dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại nhất của Thế giới) và đặc biệt có giá trị thẩm mỹ rất cao. Cây cầu được thiết kế riêng cho Hà Nội, kiến trúc lãng mạn và hình dáng đặc biệt duy nhất trên thế giới. Trên thế giới có nhiều bài học kinh nghiệm về bảo tồn, tôn tạo và phục hồi, bổ sung các hoạt động để di sản được hồi sinh, đóng góp cho bức tranh kinh tế của đô thị đương đại.
Bài viết nêu bài học kinh nghiệm về bảo tồn di sản để phục vụ du lịch: Bài học về bảo tồn nhà máy nhiệt điện bên sông Thames, London, Vương Quốc Anh. Bài học này có nhiều điểm tương đồng và phù hợp để áp dụng cho công tác bảo tồn Cầu Long Biên.
Vừa qua, ngày 15/12/2023, nước Cộng hòa Pháp (cụ thể là Tổng cục Kho bạc Pháp) chuyển cho UBND TP Hà Nội khoản tài trợ không hoàn lại hơn 700.000 euro (khoảng 18,5 tỷ đồng) để phục vụ công tác cải tạo (nên được hiểu là công tác bảo tồn, trùng tu) cầu Long Biên, một cây cầu 120 năm tuổi và là biểu tượng của mối quan hệ Việt – Pháp.
Trước đó, ngày 25/10/2023, Tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Công ty CP Bảo tàng Cầu Long Biên tổ chức cuộc Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong công tác Quy hoạch, Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Cầu Long Biên”. Hội thảo thu hút sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và KTS có uy tín, những người có mối liên hệ mật thiết với Hà Nội và cầu Long Biên. Tuy nhiên, phương án “cải tạo” được đưa ra xin ý kiến trong Hội thảo vẫn còn nhiều vấn đề chưa thỏa mong muốn: “giữ gì nguyên vẹn hình ảnh cây cầu trong lịch sử” mà nhiều người kỳ vọng. Hội thảo khép lại với tiếp tục một câu hỏi mở: “hướng đi nào cho cây cầu 120 tuổi này?”.
Theo Công ước quốc tế về “Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới” năm 1972, mà Việt Nam là một thành viên, di sản đang phải đối mặt với những thách thức lớn không chỉ từ quá trình xuống cấp tự nhiên mà còn từ những biến đổi do sự phát triển của xã hội và kinh tế. Các hiện tượng này không những gây hư hại, phá hoại nặng nề mà còn làm suy giảm giá trị di sản của toàn nhân loại. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đặc biệt tại Hà Nội – một TP với 1000 năm văn hiến, việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các công trình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật không chỉ ghi lại quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô mà còn là di sản quý giá mà cha ông để lại cho các thế hệ tương lai. Do đó, việc bảo tồn chúng một cách đúng mức là nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội.
Giá trị của cây cầu trong lịch sử
Cầu Long Biên (Pont Paul Doumer) cần được xem xét trong bối cảnh lịch sử và quá trình xây dựng cũng như phát triển đô thị Hà Nội. Theo điều 28 luật di sản văn hóa 2001 và luật sửa đổi bổ sung những điều luật di sản năm 2009 quy định để công trình trở thành di tích lịch sử – văn hóa cần phải là: “Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước; Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến”. Vậy, liệu cầu Long Biên có đủ tiêu chuẩn để được xem là di sản đô thị hay không? Câu trả lời nằm ở việc chúng ta cần xem xét và đánh giá cây cầu này trong toàn bộ chiều dài lịch sử của nó.
Trước khi có cầu Long Biên, việc đi lại giữa Hà Nội và các vùng phía Nam phải đi bằng tàu thuyền rất khó khăn, nhất là mùa lũ lụt việc đi lại khó khăn và tạm hoãn do nước sông tăng cao và dòng chảy rất siết.
Cầu Long Biên (Pont Paul Doumer) được Toàn quyền đặt ra trong nhiệm kỳ của ông ở Đông Dương xây dựng cây cầu kết nối với các đô thị ở Việt Nam và các nước trong khu vực, giúp việc đi lại giữa Hà Nội (thủ đô Đông Dương) và các vùng miền được thuận lợi, đặt biệt giúp các nơi tiếp nhận văn hóa văn minh giữa các vùng xa xôi hẻo lánh với thủ đô được xích lại gần hơn. Giúp việc vận chuyển hàng hóa giao thương giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, vì thế mà Hà Nội nhiều công trình mới được mọc lên, đô thị hóa ở Hà Nội cũng diễn ra nhanh chóng, phố xá Hà Nội cũng ngày càng văn minh, vệ sinh môi trường cũng được củng cố.
Báo cáo toàn thể của Paul Doumer đề ngày 22/3/1897 về chương trình hoạt động của tân Toàn quyền Đông Dương nhấn mạnh đến việc xây dựng một hệ thống đường sắt: “Cần mang lại cho Đông Dương một công cụ lớn về kinh tế, đường sắt, cầu đường, cảng phục vụ cho việc khai khẩn thuộc địa”. Paul Doumer đích thân chỉ đạo quy hoạch, thiết kế, đôn đốc xây các tuyến đường sắt để khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người ở thuộc địa. Ông dự kiến sẽ tạo ra “một mạng lưới đường sắt để vượt qua toàn bộ Đông Dương từ Sài Gòn đến Bắc Bộ, nối các cảng của bờ biển với các thung lũng, những cánh rừng giàu có tài nguyên khoáng sản của Annam, nối biển với các khu vực của sông Mekong và thâm nhập vào Trung Quốc qua Vân Nam. Chiều dài quy hoạch của mạng lưới này dài khoảng 3.200km. Trong chiều dài đó hàng trăm cây cầu thép được hình thành trong đó, đặc biệt phải kể đến cây cầu sắt nối liền thủ đô Hà Nội với các khu vực còn lại của đất nước là cầu Long Biên (Cầu Paul Doumer).
Cầu được lựa chọn thiết kế và thi công một cách kỹ lưỡng do nhà thầu Dayde” et Pille” thiết kế và thi công (một trong 6 nhà thầu lớn của Pháp tham gia dự thầu). Điều đặc biệt là phương án thiết kế cây cầu mới hoàn toàn và chưa có tiền lệ ở Pháp và trên thế giới, công tác thi công bởi các công nhân Việt Nam dưới sự hướng dẫn và đôn đốc của các kỹ sư người Pháp. Việc thi công diễn ra nhanh chóng vượt thời gian dự kiến (thi công trong 3 năm 7 tháng thay vì dự kiến 5 năm) dưới sự kinh ngạc của người dân thủ đô và ngay cả người Pháp bởi cây cầu vắt ngang sông Hồng quanh năm lũ lụt thất thường, lòng sông sâu và rộng biến đổi không ngừng. Cây cầu có 19 nhịp với 20 trụ được xây dựng ở độ sâu 30m dưới mực nước thấp nhất. Cây cầu là thành tựu công nghệ xây dựng cầu trên thế giới thời kỳ đó.
Năm 1922 – 1924 sửa chữa mở rộng cầu (mở rộng làn đường dành cho ô tô). Năm 1945 cầu Paul Doumer đổi tên thành cầu Long Biên. Năm 1954 cây cầu là chứng nhân lịch sử cho cuộc rút lui của quân đội Pháp bằng chiến thắng của trận Điện Biên Phủ.
Cây cầu là chứng nhân qua các cuộc chiến tranh dân tộc giai đoạn cận đại với Pháp và Mỹ. Cây cầu nhiều lần bị bom đánh sập và được người Việt sữa chữa.
Cùng với chùa Một Cột, Tháp Rùa, Văn miếu Quốc tử giám, Đại học Tổng hợp, Phủ Chủ tịch,… tạo ra một Hà Nội rất riêng. chính những công trình đó đã khắc ghi quá trình hình thành và phát triển thủ đô 1.000 năm văn hiến của nước ta. Những công trình kiến trúc nghệ thuật và hạ tầng kỹ thuật đã đánh dấu những mốc phát triển của đô thị Hà Nội. TP Hà Nội – TP “ở trong dòng sông” được kết nối bởi những cây cầu, trong đó cây cầu Long Biên mà ở đó mỗi sớm mai hay hoàng hôn nhìn ngắm cây cầu góc nào cũng đẹp cũng nhận ra một Hà Nội quyến rũ và thơ mộng. Cầu Long Biên đã vượt qua một chức năng là cầu đường sắt, đường bộ mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với kết cấu thép khác lạ với những cây cầu khác trong nước và trên thế giới, cây cầu đã gắn bó hơn 120 năm với thủ đô thị, cầu Long Biên đã trở thành biểu trưng của Hà Nội, là một phần máu thịt, linh hồn của người Hà Nội khi ra đi cũng như trở về.
Cầu Long Biên cần được ứng xử tốt trong thời gian tới như việc công nhận là công trình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vì tính lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc biệt của nó. Đồng thời, đặc biệt cấp bách phải bảo tồn và khai thác nó một cách hiệu quả. Việc quan trọng là bảo tồn phục dựng lại nguyên trạng của nó, song song đó lựa chọn cho nó một chức năng phù hợp theo tình hình mới đáp ứng khai thác phát huy hiệu quả di sản cầu Long Biên. Đồng thời xem xét việc xây dựng cầu mới có khoảng cách đảm bảo tầm nhìn không phá vỡ cảnh quan của cầu cũ, đảm bảo khoảng cách phát triển đô thị và cảnh quan giữa cầu cũ và cầu mới.
Tiềm năng/ khả năng phát huy giá trị:
– Nhân chứng Lịch sử: Di sản 120 tuổi, chứng kiến những đổi thay, thăng trầm lịch sử đô thị HN, nơi trao trả tù binh Pháp, nơi đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô;
– Phản ánh công nghệ đương thời: Kỹ thuật xây dựng hiện đại nhất của Thế giới kết hợp với ý chí con người Việt Nam (từ cây cầu này, các cây cầu sắt khác: Cầu Bình Lợi, cầu Trường Tiền, Cầu quay Tam Bạc, cầu Đà Rằng được xây)
– Giá trị thẩm mỹ: Cây cầu được thiết kế riêng cho Hà Nội, kiến trúc lãng mạn và hình dáng đặc biệt duy nhất trên thế giới, đây có thể trở thành tính biểu tượng mới cho Hà Nội “TP Sáng tạo”.
Nhờ có 3 giá trị này, tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cầu Long Biên sẽ rất tốt. Trong tương lai, nếu được đầu tư đúng mức đây có thể trở thành biểu tượng mới cho Hà Nội “TP Sáng tạo”.
Bài học kinh nghiệm: Phục hồi di sản Battersea, London, Vương quốc Anh
Battersea- Hành trình của Nhà máy nhiệt điện từ một công trình công nghiệp cũ đến một biểu tượng văn hóa và một khu phát triển đầy sức sống. Nó là một minh chứng cho giá trị, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản kiến trúc trong quá trình phát triển đô thị tương lai.
Lịch sử:
Nhà máy nhiệt điện Battersea (Battersea Power Station), với hơn 90 năm lịch sử, là một biểu tượng kiến trúc và văn hóa đầy phong phú. Tòa nhà này không chỉ là một nhà máy nhiệt điện mà còn là một biểu tượng văn hóa độc đáo, phản ánh sự biến đổi và phát triển của London. Dưới đây là các giai đoạn phát triển của tòa nhà, từ thời kỳ hoạt động như một nhà máy nhiệt điện đến khi trở thành một biểu tượng văn hóa và cuối cùng là sự phục hồi thành một khu phố sôi động và mới mẻ.
- Thiết kế và Xây dựng: Battersea Power Station được thiết kế bởi KTS Sir Giles Gilbert Scott và xây dựng theo hai giai đoạn (1932-1935 và 1937-1941). Thiết kế cổ điển với kiến trúc bằng gạch và phong cách Art Deco khiến nó trở nên nổi bật như một tòa nhà công nghiệp đặc biệt; Nhà máy Nhiệt Điện hoạt động: Trong hầu hết thời gian hoạt động ban đầu, Battersea Power Station là một nhà máy nhiệt điện hoạt động bằng than đá. Nó đã tạo ra điện, đáp ứng nhu cầu năng lượng của London, trở thành một phần thiết yếu của cơ sở hạ tầng của TP;
- Trở thành biểu tượng độc đáo: Thiết kế đặc biệt và vị trí nổi bật bên bờ sông Thames đã biến Battersea Power Station thành biểu tượng của London. Nó xuất hiện trong phim ảnh, video âm nhạc và nhiều phương tiện truyền thông khác, trở thành biểu tượng của TP;
- Ngừng hoạt động: Battersea Power Station ngừng sản xuất điện vào năm 1983. Sau khi ngừng hoạt động, nó phải đối mặt với thách thức bị bỏ hoang và hư hỏng.
- Các đề xuất phát triển: Trong những năm qua, đã có nhiều kế hoạch phát triển được đề xuất cho Battersea Power Station. Mục tiêu của những dự án này là chuyển đổi tòa nhà thành một trung tâm đa chức năng, kết hợp giữa việc sử dụng mới và bảo tồn giá trị lịch sử, kiến trúc;
- Nỗ lực bảo tồn: Với tư cách là một tòa nhà được phân loại Grade II, Battersea Power Station giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử kiến trúc của Anh. Các nhà bảo tồn và người yêu di sản đã không ngừng nỗ lực để bảo vệ tòa nhà này, ngăn chặn các thay đổi có thể làm mất đi giá trị lịch sử và kiến trúc của nó;
- Phục hồi và tái khám phá: Dự án phục hồi quy mô lớn đã được triển khai, nhằm biến Battersea Power Station thành một khu phố mới năng động. Điểm nhấn của dự án là việc chuyển đổi Nhà máy điện cũ thành một không gian đa chức năng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của cư dân và du khách;
- Mở cửa cho công chúng: Vào tháng 10/2022, Battersea Power Station chính thức mở cửa cho công chúng. Hiện tại, đây là trụ sở của Apple tại London, cùng với nhiều cửa hàng, rạp chiếu phim hiện đại, hội chợ thực phẩm rộng lớn, thang máy thủy tinh và hàng trăm ngôi nhà mới. Dự án phát triển này tập trung vào việc tạo dựng một cộng đồng đa dạng, kết hợp giữa khu ở, văn phòng, cửa hàng bán lẻ và các tiện ích văn hóa, tạo nên một không gian sống động và hấp dẫn.
Quá trình phục hồi và phát triển Battersea Power Station không chỉ là một dự án kiến trúc và đô thị mà còn là một biểu hiện của sự hòa nhập giữa quá khứ và tương lai, giữa bảo tồn và đổi mới. Điều này phản ánh xu hướng phát triển đô thị hiện đại, trong đó các công trình lịch sử được tôn vinh và tái sử dụng một cách sáng tạo.
Dự án tổng thể được chia thành tám giai đoạn, với mỗi giai đoạn được thiết kế bởi một loạt các KTS chuyên nghiệp. Điều này bao gồm SimpsonHaugh và Partners và De Rijke Marsh Morgan (dRMM) ở Khu làng Circus West (Giai đoạn 1), WilkinsonEyre ở Nhà máy điện Battersea (Giai đoạn 2), và Foster + Partners và Gehry Partners ở Đại lộ Electric, Khu vườn trên mái Battersea và Prospect Place (Giai đoạn 3).
Giai đoạn 1 của dự án- khu làng Circus West, đã hoàn thành vào năm 2017 và hiện đã trở thành khu ở của hơn 1.800 cư dân, cũng như một sự pha trộn đa dạng của các quán bar, nhà hàng và cơ sở giải trí, bao gồm một rạp chiếu phim và một nhà hát. Nhà máy điện Battersea là giai đoạn thứ hai mở cửa cho công chúng vào ngày 14/10/2022. Tòa nhà thực sự phức hợp này là nhà của Trung tâm London của Apple, hàng trăm cửa hàng mới được đặt trong những hành lang máy phát điện lịch sử, một rạp chiếu phim hiện đại đạt chuẩn Dolby, một quầy thực phẩm rộng 24.000 sq ft, một thang máy kính và hàng trăm căn hộ mới.
Hiện công trình vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện những không gian ở cuối cùng. Khi dự án hoàn thành, sẽ có 25.000 người sống và làm việc tại đây, tạo nên một trong những khu văn phòng, bán lẻ, giải trí và văn hóa lớn nhất của London. Trên diện tích 42 mẫu Anh, một cộng đồng 24/7 mới sẽ được hình thành với hơn 250 cửa hàng, quán cà phê và nhà hàng, nhà hát, khách sạn, trung tâm y tế và 19 mẫu Anh diện tích công cộng bao gồm 450 mét ven sông và một công viên công cộng rộng 6 mẫu Anh. Nhà máy điện Battersea sẽ trở thành một khu vực phức hợp mới gồm diện tích văn phòng, thương mại và các căn hộ dành cho người dân đô thị…
Khu vực Nhà máy điện Battersea thuộc sở hữu của một liên minh các nhà đầu tư Malaysia bao gồm PNB, Sime Darby Property, S P Setia và Quỹ Bảo hiểm Xã hội của Nhân viên. Việc quản lý dự án đang được thực hiện bởi Công ty Phát triển Nhà máy điện Battersea có trụ sở tại Anh Quốc.
Bài học áp dụng cho công tác bảo tồn di sản Cầu Long Biên:
Kết luận
Di sản văn hóa của Battersea Power Station được bảo tồn và tôn vinh. Nó tiếp tục là biểu tượng của quá khứ công nghiệp và lịch sử của London trong khi tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai của TP. Hành trình của Battersea Power Station từ một công cụ công nghiệp đến một biểu tượng văn hóa và một khu phố phát triển đầy sức sống thể hiện lịch sử đa dạng của tòa nhà được yêu thích này. Nó là một minh chứng cho sự quan trọng của việc bảo tồn di sản kiến trúc trong khi chào đón sự tiến bộ và biến đổi.
Di sản cầu Long Biên có xuất phát điểm và vai trò trong quá khứ có thể còn lớn hơn Battersea với thủ đô London. Với những kinh nghiệm từ quá trình trùng tu di sản, đưa di sản đến với cộng đồng tại di sản nhà máy điện Battersea, London, cầu Long Biên có thể có tương lai thật sự sang một trang mới. Nếu được cộng đồng chung tay cùng sự hỗ trợ và tầm nhìn của TP Hà Nội, của các ban ngành, hy vọng một kịch bản thành công cho Dự án có nhiều giá trị này.
Các bước hành động cho cây cầu Long Biên nên gồm: 1. Nhanh chóng đưa Cầu Long Biên vào danh sách Di sản (Di sản Công nghiệp) để cây cầu được bảo vệ. Hiện nay vì chưa được là di sản, với hành lang pháp lý yếu ớt, cầu Long Biên có nguy cơ bị phá dỡ, bị biến dạng, bị huỷ hoại… với lý do phục vụ mục đích giao thông. 2. Xây dựng hồ sơ về cây cầu để phục vụ công tác bảo tồn. 3. Tổ chức cuộc thi “Đề xuất ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cầu Long Biên” mở rộng phạm vi cho các KTS trong và ngoài nước tham gia. Đề bài phải nêu rõ mục đích “bảo tồn”, không phải mục đích “giao thông” hay “kinh tế”. 4. Tranh thủ tài trợ của cộng đồng Pháp Ngữ.
PGS. TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên – ĐH. Nguyễn Tất Thành
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị