Bài 1: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Bắc Ninh sẽ gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ
(Xây dựng) – Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Trong đó, 3 cụm động lực phát triển kinh tế là Hà Nội – Vĩnh Phúc – Bắc Ninh sẽ gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
Tập trung phát triển và khai thác hiệu quả mạng lưới giao thông kết nối Thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng. |
Phấn đấu đến 2030, tốc độ GRDP bình quân 9,0 – 9,5%/năm
Theo Quy hoạch, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo và không gian biển của 11 tỉnh, thành phố: Thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
Quy hoạch cũng nêu rõ, phấn đấu trong kỳ quy hoạch đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân khoảng 9,0 – 9,5%/năm, trong đó tiểu vùng Bắc sông Hồng tăng trưởng bình quân khoảng 8,8 – 9,0%/năm, tiểu vùng Nam sông Hồng tăng trưởng bình quân khoảng 10,0 – 10,5%/năm; quy mô GRDP vùng năm 2030 tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 11.000 – 12.000 USD/người.
Tỉ trọng trong GRDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 41%; công nghiệp – xây dựng khoảng 47% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GRDP); nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,5% GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5% GRDP; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP.
Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1 – 1,5%/năm (theo tiêu chí chuẩn nghèo của từng thời kỳ); 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cũng theo Quy hoạch, tỉ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%.
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá
Theo Quy hoạch được phê duyệt, sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Tập trung phát triển và khai thác hiệu quả mạng lưới giao thông kết nối Thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng.
Trong đó, phát triển hạ tầng đô thị của Hà Nội bao gồm đường sắt đô thị, không gian ngầm sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng tắc nghẽn giao thông, úng ngập. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị.
Tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Hình thành các cụm liên kết ngành về đổi mới sáng tạo, liên kết các tổ chức khoa học công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm với các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu thương mại tự do với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực.
Thu hút đầu tư các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao như điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, logistics.
Bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của nền văn minh sông Hồng, nhất là các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn liền với các triều đại trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc như nhà Đinh, Lý, Trần…; hình thành các trung tâm, trục di sản Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình; trục văn hóa sông Hồng trong tổng thể không gian văn hóa của vùng Bắc Bộ; phát triển các dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch; phát triển mạnh công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi đô thị. 3 cụm động lực phát triển kinh tế là Hà Nội – Vĩnh Phúc – Bắc Ninh sẽ gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Chuỗi đô thị Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình, Nam Định – Ninh Bình gắn với phát triển kinh tế biển, liên kết chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối một số lĩnh vực như: Phát triển hạ tầng, các cụm liên kết ngành, xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an ninh nguồn nước.
Nguồn: Báo xây dựng