Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật KH&CN 2013
Theo Bộ KH&CN, Luật KH&CN năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất; là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN; phát triển thị trường KH&CN; đổi mới cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; chuyển các đơn vị sự nghiệp KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phương thức khoán sản phẩm KH&CN.
Đồng thời, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển doanh nghiệp KH&CN, các quỹ trong lĩnh vực KH&CN; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài KH&CN; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước; tăng cường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đến nay các quy định của Luật KH&CN năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại.
Thứ nhất, sau 10 năm triển khai thi hành Luật KH&CN năm 2013, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Luật được ban hành từ năm 2013 nên không thể tránh khỏi việc chưa cập nhật được những vấn đề mới khi KH&CN trong nước và thế giới phát triển quá nhanh, nhất là trong khoảng 05 năm gần đây.
Ảnh minh hoạ.
Thứ hai, một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn hoạt động KH&CN, đặc biệt là hoạt động ĐMST, cũng như các quan hệ kinh tế – xã hội liên quan tới phát triển lĩnh vực này chưa được cập nhật để điều chỉnh một cách kịp thời, đồng bộ.
Thứ ba, một số nội dung trong Luật KH&CN năm 2013 chưa được xác định một cách cụ thể, dẫn đến khó hoặc chậm đi vào cuộc sống.
Thứ tư, trong thời gian từ năm 2013 đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có nhiều nội dung về thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST cần được thể chế hóa đầy đủ vào Luật KH&CN năm 2013 (sửa đổi).
Thứ năm, khi xây dựng Luật KH&CN năm 2013, các chủ thể tham gia hoạt động KH&CN chủ yếu đến từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN, nhất là trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh tuy đã được quan tâm nhưng chưa trở thành xu thế phổ biến. Hiện nay, các chủ thể tham gia phát triển và ứng dụng KH&CN có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ NSNN, ngày càng xuất hiện nhiều nguồn lực đầu tư từ xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
Các vấn đề mới phát sinh nêu trên cùng với các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật KH&CN năm 2013 và các quy định của pháp luật có liên quan đòi hỏi phải tiến rà soát, nghiên cứu và sửa đổi các quy định của Luật KH&CN năm 2013 cho phù hợp.
Phong Lâm