Bài 3: Cẩm Phả “đụn vàng” chưa khai thác đến
(Xây dựng) – Thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) nổi danh trong nước và thế giới đã hàng trăm năm nay với vựa than Antraxit, theo đó là cảng biển giao thương quốc tế sản phẩm than đá; Cẩm Phả còn ẩn chứa “đụn vàng” ngành kinh tế du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, đặc biệt là nguồn lợi du lịch vịnh Bái Tử Long còn ít người biết.
Cẩm Phả diện tích mặt biển vịnh Bái Tử Long 150,68km2 với trên 50 hòn đảo, tiềm năng du lịch lớn chưa được khai thác tốt. |
Thành phố Cẩm Phả diện tích đất tự nhiên 486,45km2; trong đó có 150,68km2 diện tích mặt biển thuộc vịnh Bái Tử Long, với quần thể trên 50 hòn đảo. Nhiều đảo đá cấu trúc như công trình mỹ thuật mà thiên nhiên ban tặng; nhiều đảo đất thấp, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây rừng và muông thú sinh sống; tiêu biểu là đảo Rều, đảo duy nhất toàn quốc nuôi được giống khỉ vàng, loài hoang thú để nghiên cứu khoa học chế xuất vacxin trong y học. Các hòn đảo Đá Bàn, Cây Giang, Cửa Vọng, Ông Cụ, Ba Hòn, Bốn Hòn, hòn Bọ Cắn… hòn thì như tác phẩm điêu khắc, hòn đảo thì cây cối xanh tươi, chim chóc bầy đàn làm tổ… cảnh quan – môi trường phù hợp cho hoạt động du lịch sinh thái.
Ngày 30/5/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 1858/QĐ-UBND công nhận bãi tắm Lương Ngọc, phường Quang Hanh đạt tiêu chuẩn bãi tắm du lịch. |
Bờ vịnh Bái Tử Long dài 73km với nhiều bãi cát dài rộng, nước trong phù hợp với thú thư giãn tắm biển như: Bãi tắm Lương Ngọc, ở phường Quang Hanh; bãi tắm Quảng Hồng, ở phường Cẩm Sơn; bãi tắm công cộng Bái Tự Long, ở phường Cẩm Trung, Cẩm Thành và Cẩm Bình. Cẩm Phả có nguồn nước nóng mặn duy nhất ở Việt Nam đó là nguồn nước nóng km13 – Quang Hanh; nước đầu nguồn nóng tới 45 độ C, chứa chất lưu huỳnh, chỉ cần 15 phút trẫm mình trong nước là cơ thể khoan khoái, có cảm giác nâng nâng. Nguồn nước nóng ở lỗ khoan địa chất tại km4 – phường Cẩm Thạch nước theo lỗ khoan dưới lòng đất tự đùn lên, nước đầu nguồn nóng tới 55 độ C, chứa chất Crom, theo y học rất kỵ với các căn bệnh ngoài da, trẫm mình trong nước còn tốt cho xương khớp.
Nhũ đá óng ánh, còn nguyên sơ trong hang Vũng Đục. |
Cẩm Phả có nhiều thạch động đẹp và thạch động lớn còn sơ khai, nhũ đá lung linh, huyền ảo; tiêu biểu là hang Vũng Đục, nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục, ở phường Cẩm Đông. Một hệ thống hang liên thông trong dãy núi đá Bàn Cờ Tiên, gồm 5 khoảng rỗng lớn trong lòng núi, năm 1999, Công ty CP Đông Hà đầu tư tôn tạo, khai thác du lịch tự đặt tên theo địa mạo của mỗi hang là hang: Thiên Đăng, Long Vân, Ngỡ Ngàng, Kim Quy, Cung Đình. Hang Cung Đình rộng nhất có thể chứa được hàng trăm chiếc ôtô vận tải; và đã từng làm Hội trường để tổ chức đám cưới lớn cho cặp vợ chồng người nước ngoài.
Hòn Cặp Gà trên Vịnh Bái Tử Long còn ít người biết (Ảnh: Vũ Phong Cầm). |
Vịnh Bái Tử Long có nét khác biệt so với vịnh Hạ Long. Vịnh Bái Tử Long có nhiều núi đất và hệ thống núi đá vôi nhỏ và thấp, nhiều hòn núi như công trình mỹ thuật do người khổng lồ tiên giới khéo tay để lại trần gian như: Hòn Đũa, hòn Thiên Nga, hòn Rồng, hòn Xếp, hòn Ông Cụ. Và hòn Cặp Gà hình dáng tương tự như hòn Gà Chọi ở vịnh Hạ Long. Cảnh quan lãng mạn ưa mắt các nhiếp ảnh gia, các nhà thám hiểm thời kỳ địa chất thứ II.
Đảo Rều – đảo duy nhất toàn quốc nuôi được giống khỉ vàng, loài hoang thú để nghiên cứu khoa học chiết xuất vacxin chống bệnh bại liệt. |
Một nghịch lý, vịnh Hạ Long như đang bị “bội thực” du khách tới 15 triệu lượt khách/năm, thì vịnh Bái Tử Long cùng thủy diện lại vắng vẻ. Vịnh Hạ Long hiện có 503 tàu vận chuyển khách du lịch, trong đó có 177 tàu lưu trú nghỉ đêm. Du thuyền Essence Grand HaLong Bay chiều dài 109m, chiều rộng 18,68m bao gồm 55 phòng ngủ đêm, sức chứa lên đến hơn 300 khách; trên mặt nước vịnh Hạ Long có 2.290 phòng nghỉ lớn nhất cả nước. Các tàu phải giãn vùng neo đậu sang vịnh Lan Hạ (Hải Phòng); nhường nguồn thu cho thành phố Cảng khi mà 150,68km2 diện tích mặt biển thuộc vịnh Bái Tử Long còn như bị “ngăn sông cấm chợ” vắng bóng tàu du lịch.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng thực tế nội dung này. Một lãnh đạo thành phố Cẩm Phả cho biết, hiện đang vướng mắc về luồng tàu thủy, có những cơ chế quản lý hàng hải – hàng giang còn bất cập, ngoài thẩm quyền địa phương. Việc mở luồng tàu du lịch, vùng neo tàu du lịch chưa được thông thoáng, nên chưa thu hút được nhà đầu tư. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thì cho biết, có địa điểm du lịch thì mới cấp luồng tàu ra vào địa điểm du lịch. Như vậy người này bảo có nhà thì mới làm đường ra vào, người kia bảo mở đường rồi mới làm nhà… Sự luẩn quẩn như ngày có trước hay đêm có trước!
Thành phố Cẩm Phả nguồn lợi du lịch vịnh Bái Tử Long là rất lớn, trong 5 ngày nghỉ lễ từ 26/4 đến 1/5/2024 đón trên 63.100 lượt khách. Du khách tập trung đông nhất tại các các bãi tắm biển và thăm hải đảo ven bờ mà chủ yếu là người địa phương theo nhu cầu thư giãn, nghỉ dưỡng; khách du lịch nước ngoài còn ít do thiếu cơ sở hạ tầng du lịch, quảng bá du lịch, cấp phép hoạt động du lịch vịnh Bái Tử Long trên vùng thủy diện mà địa phương quản lý.
Ngày 25/4/2024, UBND thành phố Cẩm Phả lại có Văn bản số 1460/UBND-VHTT gửi Sở Du lịch và Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh đề xuất các sản phẩm du lịch, tuyến hành trình du lịch từ các bến tại thành phố Cẩm Phả và đi vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long mà trước đó đã trình chưa được giải quyết. Cụ thể, tuyến du lịch trên vịnh Bái Tử Long đã được công nhận, theo Quyết định số 1361/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh gồm tuyến: Vũng Đục – Công viên Hòn Xếp. Cẩm Phả đề nghị, tiếp tục cho hoạt động theo hành trình xuất phát từ các bến thuộc thành phố Cẩm Phả đi Công viên Hòn Xếp, kết hợp với tuyến 4 hành trình vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long đã được Sở Du lịch tham mưu xây dựng sản phẩm.
UBND thành phố Cẩm Phả đề xuất 3 tuyến du lịch mới tham quan ban ngày gồm: Tuyến 1, Cảng, bến tàu Cẩm Phả – đảo Ông Cụ, bãi tắm lương Ngọc – Vũng Đục – đảo Ông Cụ – đảo Rều – Cửa Ông. Hành trình đi theo luồng Móng Cái – Vân Đồn – Cẩm Phả, luồng Cẩm Phả – Hạ Long và luồng hàng hải thăm các đảo thuộc thành phố Cẩm Phả. Tổng hành trình: 30km/1 lượt; thời gian: 3h30’ (cả đi và về, không tính thời gian tham quan).
Tuyến 2, Cảng, bến tàu Cẩm Phả – Bản Sen (Vân Đồn), bãi tắm lương Ngọc – Vũng Đục – đảo Ông Cụ- đảo Rều – Cửa Ông – đảo Tây Hoi (kết nối tuyến 2 huyện Vân Đồn đã đề xuất). Hành trình đi theo luồng Móng Cái – Vân Đồn – Cẩm Phả, luồng Cẩm Phả – Hạ Long. Tổng hành trình, theo bến xuất phát từ 35 đến 45km/1 lượt; thời gian từ 4h00’ đến 5h00’ (cả đi và về, không tính thời gian tham quan).
Tuyến 3, Cảng, bến tàu Cẩm Phả – đảo Quan Lạn, Minh Châu. Cửa Ông – đảo Rều – đảo Ông Cụ – Vũng Đục – Bãi tắm lương Ngọc – Ngọc Vừng – Thắng Lợi – Quan Lạn, Minh Châu (kết nối tuyến 1 huyện Vân Đồn đã đề xuất). Hành trình đi theo luồng Móng Cái – Vân Đồn – Cẩm Phả, luồng Cẩm Phả – Hạ Long, Luồng Hòn Đũa – Cửa Đối và luồng hàng hải; tổng hành trình: Theo bến xuất phát, từ 40 đến 45km/1 lượt; thời gian: từ 4h00’ đến 5h00’ (cả đi và về, không tính thời gian tham quan).
Các điểm neo đậu tàu ngủ đêm trên vịnh Bái Tử Long, đề nghị nghiên cứu các điểm neo đậu tàu ngủ đêm lưu trú trên vịnh Bái Tử Long thuộc địa bàn thành phố Cẩm Phả đã được Sở Giao thông vận tải cập nhật vào quy hoạch của tỉnh có quy hoạch tọa độ. Vị trí 1, cách chân núi vũng Cây Cau khoảng 250m về phía Nam, diện tích khoảng 15ha; Vị trí 2, Cách chân Hòn Buồm 40m về phía Nam, diện tích khoảng 16ha; Vị trí 3: Cách chân Hòn Cửa Vọng 180m về phía Nam, diện tích khoảng 14ha.
Tàu ngủ đêm trên vịnh Bái Tử Long, điểm xuất phát từ các Cảng tàu tại thành phố Hạ Long đến nghỉ đêm tại vùng biển hòn Cửa Vọng, phường Cẩm Thạch; vụng Cây Cau phường Quang Hanh. Các tuyến tàu tham quan du lịch từ Cẩm Phả, xuất phát từ Cảng bến 324 ở phường Quang Hanh; và bến thủy nội địa Hoàng Gia (hiện đang là các tuyến tàu khách thủy nội địa) ở phường Cẩm Đông.
Theo đó là các điểm tham quan trải nghiệm hòa mình với thực tế lao động sản xuất của ngư dân, tại khu nuôi trồng thủy sản (nằm trong quy hoạch khu vực dự án nôi trồng thủy sản của thành phố, gồm 2 khu vực: Khu vực hòn Tổng Mười, diện tích khoảng 189ha; khu vực hòn Ông Cụ, diện tích khoảng 378ha.
Cây Phong Ba được nhân giống từ đảo Trường Sa do bộ đội đảo Trường Sa tặng Hội Cựu chiến binh Quảng Ninh, trồng trên đảo vịnh Bái Tử Long. |
Thành phố Cẩm Phả hy vọng khai thác nguồn tài nguyên du lịch vịnh Bái Tử Long, chuyển dịch cơ cấu nguồn thu, tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ du lịch, thiết thực đưa nền kinh tế “từ nâu sang xanh” vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Một số hình ảnh cảnh quan du lịch vịnh Bái Tử Long:
Bãi tắm công cộng Bái Tự Long ở trục đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, thuộc phường Cẩm Trung, Cẩm Thành và Cẩm Bình.
Từ ngày 27/4 đến 1/5/2024, bãi tắm Lương Ngọc đón 9.000 lượt khách.
Bãi tắm Quảng Hồng, ở phường Cẩm Sơn, diện tích 27,9ha.
Hang Vũng Đục lòng hang cao, rộng có thể chứa được 100 ôtô. Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hang Vũng Đục đón trên 1.000 du khách.
Hòn Soi Dâu.
Hòn Thiên Nga.
Hòn Đũa còn gọi là hòn Ông Cụ, bởi hình thù nhìn từ hướng khác nhau hoặc còn gọi là hòn Quay vì hải lưu ở đây rất xiết, nhìn mặt nước có ảo giác như quả núi quay trên mặt biển.
Lễ cưới chú rể là Văn Quý, Việt Kiều ở Mỹ, nguyên quán Thành phố Hồ Chí Minh; cô dâu là Alexa người Mỹ tổ chức ngày mùng 3 tết Giáp Thìn trong hang Vũng Đục.
Đám cưới trong thạch động lạ mắt, vui vầy.
Cây Đàn Hương một trong số cây quý của nước bạn Ấn Độ, trồng trên đảo vịnh Bái Tử Long hợp khí hậu, thổ nhưỡng… phát triển tốt.
Nguồn: Báo xây dựng