AstraZeneca thừa nhận vắc xin Covid-19 gây tác dụng phụ nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong
Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca có thể gây đông máu, dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Ảnh: BBC
Theo tờ nhật báo của Anh – Telegraph, gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca đang đứng trước vụ kiện tập thể do vắc xin của công ty này, phát triển cùng với Đại học Oxford, đã gây ra tử vong và thương tích nghiêm trọng đối với nhiều trường hợp.
Theo đó, 51 vụ án đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao, trong đó các nạn nhân và người thân đòi bồi thường thiệt hại ước tính lên tới 100 triệu bảng Anh.
Trường hợp đầu tiên được đệ trình vào năm ngoái bởi ông Jamie Scott – người bị chấn thương sọ não vĩnh viễn sau khi phát triển cục máu đông và chảy máu não khiến bệnh nhân không thể làm việc sau khi tiêm vắc xin vào tháng 4 năm 2021.
Về phía AstraZeneca, công ty phản đối các cáo buộc nhưng đã thừa nhận, trong một tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án Tối cao vào tháng 2 rằng vắc xin Covid của họ “trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra TTS”. (TTS – viết tắt của Huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu, khiến con người bị đông máu và số lượng tiểu cầu trong máu thấp).
Lời thừa nhận của AstraZeneca đi ngược lại với khẳng định đưa ra vào năm 2023, rằng hãng “không chấp nhận tình trạng đông máu ở người dùng là do vaccine gây ra”.
Trước đó, trong thư phản hồi được gửi vào tháng 5 năm 2023, AstraZeneca nói với các luật sư của ông Scott rằng “chúng tôi không chấp nhận rằng TTS là do vắc xin ở cấp độ chung gây ra”.
Các nhà khoa học lần đầu tiên xác định được mối liên hệ giữa vắc xin và một căn bệnh mới gọi là giảm tiểu cầu và huyết khối miễn dịch do vắc xin (VITT) gây ra vào đầu tháng 3 năm 2021, ngay sau khi quá trình triển khai vắc xin Covid-19 bắt đầu.
Luật sư của các nguyên đơn cho rằng VITT là một tập hợp con của TTS, mặc dù AstraZeneca dường như không công nhận thuật ngữ này.
Bà Kate Scott, vợ của ông Scott cho biết: “Phải mất ba năm mới có được sự thừa nhận này. Đó là sự tiến bộ, nhưng chúng tôi muốn thấy nhiều hơn nữa từ họ và Chính phủ. Đã đến lúc mọi thứ phải chuyển động nhanh hơn”.
Trong một tuyên bố, AstraZeneca cho biết: “Sự cảm thông của chúng tôi hướng tới bất kỳ ai đã mất người thân hoặc báo cáo các vấn đề về sức khỏe. An toàn của bệnh nhân là ưu tiên cao nhất của chúng tôi và các cơ quan quản lý có các tiêu chuẩn rõ ràng và nghiêm ngặt để đảm bảo sử dụng an toàn tất cả các loại thuốc, bao gồm cả vắc xin”.
Về phía các nghiên cứu độc lập nhận định, vắc xin AstraZeneca cực kỳ hiệu quả trong việc giải quyết đại dịch, cứu sống hơn sáu triệu người trên toàn cầu trong năm đầu tiên triển khai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, loại vắc xin này “an toàn và hiệu quả cho tất cả các cá nhân từ 18 tuổi trở lên” và tác dụng phụ dẫn đến hành động pháp lý là “rất hiếm”.
Tại Việt Nam, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca cũng đã được cảnh báo.
Do đó, mọi người dân trước tiêm chủng đều được kiểm tra huyết áp, theo dõi sau tiêm chủng, đặc biệt với nhóm đối tượng nguy cơ cao việc chỉ định tiêm, theo dõi sau tiêm càng thận trọng hơn. Sau này, trong quá trình theo dõi, cho thấy nguy cơ tai biến ít nên quy trình tiêm được điều chỉnh, có những bệnh nhân huyết áp cao vẫn được tiêm chủng.
Theo các chuyên gia, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 vài năm nay, do đó cũng không cần phải quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.
Duy Trinh