Giới trẻ Hà Thành săn lùng ‘Sứa đỏ’: Trào lưu ẩm thực 2024?

Đi dọc các con phố Hàng Chiếu, Ngõ Thanh Hà, Lò Đúc, Lê Văn Hưu,.. sẽ bắt gặp các hàng “sashimi đỏ” đông đúc người ăn ở vỉa hè. Vì sứa đỏ là món ăn giới hạn theo mùa, chỉ xuất hiện từ tháng 2 cho đến tháng 5 âm lịch, nếu không trải nghiệm nhanh thì phải chờ đợi tới sang năm sau mới được thưởng thức. Chính vì vậy, người dân Hà thành đua nhau đi thưởng thức sứa đỏ vào khoảng thời gian này.

Bà Thu Tuyết – chủ quán ăn tại ngõ 1 Hà thành cho hay: “Ngày tôi bán được khoảng 1 yến sứa, khách yêu quý và đến chỗ tôi ăn khá nhiều. Bởi sứa đỏ là món ăn ngon, thanh mát nhưng không phải cứ muốn ăn là có, vì nó còn theo mùa sứa lên. Thường khách đến quán tôi ăn, tôi sẽ hỏi là đã bao giờ ăn chưa để tôi áng chừng mực ăn cho khách. Nếu họ đi hai người tôi sẽ hỏi và lấy cho họ suất 50.000 đồng, chỉ nhỉnh hơn suất bình thường 1 người ăn là 10.000 đồng”.

Được biết khâu làm sạch sứa rất cầu kì, người bán phải ngâm và rửa nhiều lần với muối và nước đun từ cây sú vẹt. Đồng thời người chế biến sử dụng vỏ chanh, vỏ quất để khử mùi tanh, làm món ăn dậy mùi thơm và đẹp mắt hơn. Chân sứa thì giòn sần sật, còn thân sứa thì mềm như thạch, chẳng cần ướp lạnh với đá mà vẫn có cảm giác thanh mát lạ thường.

Số lượng khách ăn ở quán và mang về mỗi ngày được tính bằng một thau sứa được áng chừng khoảng 1 yến sứa.

Cách ăn cũng rất đơn giản và dân dã, thực khách gói sứa trong lá tía tô, kinh giới, ăn kèm với cùi dừa bùi bùi ngọt ngọt, đậu nướng ngậy vị beo béo, chấm kèm mắm tôm đánh bọt. Điểm đặc biệt của món ăn khi mua mang về là người bán sẽ để sứa theo tảng, ngâm với nước của nó để giữ độ giòn, thanh mát. Người mua khi mang về để ăn hoặc làm quà, chỉ cần sử dụng con dao inox cắt sứa giống cắt chả là có ngay món ăn ngon như ngoài hàng.

Trung bình một suất ăn của 1 người tại quán là 40.000 đồng/ 1 suất, 

Tùy vào sở thích cá nhân, mỗi người sẽ chọn từng bộ phận khác nhau của sứa để ăn. Phần thân sứa mềm, mọng nước, phần chân thì giòn và dai hơn. Tuy nhiên dù là món ăn độc lạ, thơm ngon nhưng Sứa đỏ không phải ai cũng biết và thích ăn món này. Thưởng thức tại quán, bạn Thanh Mai (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đi ăn Sứa đỏ, vì đây là món ăn đang được mọi người săn đón. Ban đầu tôi thấy món ăn khá bắt mắt bởi màu đỏ, màu vàng. Nhưng khi ăn xong, tôi cảm thấy không ấn tượng nhiều và cũng khá thắc mắc tại sao món ăn lại thu hút nhiều người đến vậy”.

Bên cạnh hương vị thơm ngon cùng với cách bày trí bắt mắt thì người kinh doanh cũng nên đặt các tiêu chí an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Trong Điều 31, Điều 32 của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố cũng đã quy định rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm: phải bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán và các nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố.

Bạn Dương Huy, sinh viên năm ba trường Đại học Thuỷ Lợi bày tỏ: “Tôi yêu thích món ăn này, vì sự hòa quyện của những món ăn đi kèm với sứa. Nhưng đôi khi ăn, tôi chỉ lo ngại việc người bán không đeo bao tay có mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ vì thỏa mãn đam mê ăn uống nên tôi cũng nhắm mắt cho qua để thưởng thức món ăn. Và tôi cũng thay đổi các quán khác nhau chỉ để tìm được quán ăn sạch sẽ để tôi không ăn trong lo sợ”.

Vì vậy, người kinh doanh thực phẩm cần hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tiêu dùng. Bởi đây cũng là uy tín giữa người buôn bán và khách hàng, đồng thời là điểm nhấn cho thương hiệu của mình. Khi người kinh doanh nhận thức đúng và chú trọng trong việc bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thức ăn đường phố thì sự hưởng ứng, quan tâm của toàn xã hội trong các giải pháp, kiến nghị, nghị định của Chính Phủ ban hành mang lại hiệu quả cao. 

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích