Chiếu sáng xanh vì sức khỏe cộng đồng
(Xây dựng) – Khái niệm chiếu sáng xanh thường được hiểu có liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và tác động môi trường. Chủ đề của hội thảo là về chiếu sáng xanh (green lighting) sẽ có nhiều nội dung đề cập đến việc sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng, các thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, vấn đề phát thải khí nhà kính của hệ thống chiếu sáng, vấn đề tái sử dụng nguyên vật liệu và các thành phần của thiết bị chiếu sáng như một phần của kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng khác cần quan tâm đến đối tượng sử dụng chiếu sáng chính là con người nên cần biết tác động của ánh sáng đối với con người như thế nào để tạo được môi trường ánh sáng tốt nhất cho sức khỏe con người. Ở đây chúng tôi đề cập chủ yếu đến tác động của ánh sáng đối với sức khỏe con người và giải pháp chiếu sáng xanh vì sức khỏe cộng đồng.
Ánh sáng có những tác động đến sức khỏe con người, gọi chung là những hiệu ứng phi – thị giác của ánh sáng. |
Tác động của ánh sáng đối với hoạt động thị giác và sức khỏe thị giác
Khoa học về thị giác từ lâu đã giải thích cơ chế tác động của ánh sáng đối với sự nhìn do kích thích các tế bào cảm quang trong võng mạc là tế bào hình nón (cone) cho hoạt động thị giác ban ngày (photopic) và hình que (rod) cho hoạt động thị giác ban đêm (scotopic). Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp chiếu sáng đúng bảo đảm cho hoạt động thị giác mà không gây cảm giác khó chịu hoặc gây hại cho võng mạc và các bệnh khúc xạ ở mắt người.
Những nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng tỏ ánh sáng còn có những tác động đến sức khỏe con người, thường được gọi chung là những hiệu ứng phi – thị giác của ánh sáng. Tác động này của ánh sáng thông qua việc kích thích một loại tế bào cảm quang mới trong võng mạc đã được các nhà khoa học phát hiện và công bố năm 2001 là tế bào hạch võng mạc nhạy cảm ánh sáng, tên tiếng anh là intrisical photosensitive rentinal ganglion cells (ipRGCs). Tế bào cảm quang hạch võng mạc chứa sắc tố melanopsin nhạy cảm cực đại với ánh sáng trong vùng phổ có dải bước 460nm – 490nm với đỉnh ở bước sóng 480nm như thể hiện trong hình 1.
Phổ nhạy cảm của tế bào hình nón (Photopic), tế bào hình que (Scotopic) và tế bào hạch võng mạc (Melanopic) (Nguồn Wulff and Foster). |
Trước hết về tác động của ánh sáng đến hoạt động thị giác là tạo điều kiện nhìn rõ và nhận biết màu sắc. Tuy nhiên, ánh sáng cũng có thể là tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên một số vấn đề về sức khỏe thị giác. Các tín hiệu ánh sáng tác động lên tế bào cảm quang chuyển thành tín hiệu điện truyền đi trong hệ thống thần kinh thị giác đến vùng trung tâm thị giác trên vỏ não và được tổng hợp phân tích thành các tín hiệu hình ảnh để cho ta cảm nhận được các vật thể, phân biệt và nhìn rõ chúng. Để có thể nhận thấy và phân biệt được thì ánh sáng phải đủ lớn để vượt qua ngưỡng nhận biết của cơ quan thị giác.
Các tế bào ipRGC cũng có vai trò quan trọng trong quá trình điều khiển phản xạ của đồng tử với ánh sáng kích thích sự co giãn mở to hoặc thu nhỏ diện tích điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào võng mạc. Hơn nữa để có thể nhận biết và phân biệt được các màu sắc của các vật thể nhìn thấy thì ánh sáng chiếu tới phải có thành phần quang phổ đầy đủ các màu trong vùng nhìn thấy của mắt từ 380nm đến 780nm. Lý tưởng nhất là ánh sáng mặt trời.
Việc phân bố của ánh sáng trong không gian và hướng ánh sáng chiếu tới cũng giúp cơ quan thị giác có cảm nhận về không gian và khung cảnh xung quanh. Phân bố ánh sáng cũng giúp ta cảm nhận về mức độ tiện nghi của môi trường ánh sáng mà ta sống trong đó. Do vậy chiếu sáng nhân tạo cho hoạt động thị giác cần bảo đảm 3 đặc trưng tối thiểu là cường độ, phổ ánh sáng và phân bố không gian.
Về tác động của ánh sáng đến sức khỏe thị giác, vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay là tình trạng tật khúc xạ mà chủ yếu là bệnh cận thị học đường đang gia tăng mạnh trong những năm gần đây đặc biệt ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo năm 2016 của Tổ chức Phòng ngừa mù lòa quốc tế IAPB, vào năm 2010 đã có khoảng 28% dân số thế giới bị cận thị, với tốc độ tiến triển như hiện nay con số này sẽ đạt khoảng 50% vào năm 2050. Trong đó ở Đông Á, với 80 – 90% sinh viên đại học bị cận thị vào năm 2010, tỷ lệ cận thị gia tăng ở khu vực này của thế giới có liên quan đến sự gia tăng áp lực giáo dục và thay đổi lối sống, bao gồm ít thời gian ở ngoài trời hơn.
Cận thị xảy ra khi nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc và thủy tinh thể quá cong. Điều này có nghĩa là ánh sáng đi vào mắt sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì trên đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh cận thị trong đó có nguyên nhân do ánh sáng, trước hết là độ sáng. Nếu độ rọi không đủ (thấp hơn mức tối thiểu là mức ngưỡng nhận biết) buộc mắt phải điều tiết bằng cách giãn rộng đồng tử cho lượng ánh sáng đi vào võng mạc nhiều để nhìn rõ hoặc phải nhìn gần hơn.
Khi nhìn quá gần so với khoảng cách nhìn bình thường là ~0,3m, mắt phải điều tiết dưới tác động của cơ mắt làm tăng độ cong của thủy tinh thể cho ánh sáng hội tụ đúng lên võng mạc nếu không hình ảnh sẽ nhòe mờ. Nếu thường xuyên nhìn gần trong điều kiện ánh sáng yếu sẽ mỏi cơ mắt, lâu dài khả năng điều tiết suy giảm và thủy tinh thể khó giảm độ cong về trạng thái bình thường, hình ảnh luôn hội tụ trước võng mạc có thể dẫn đến tật khúc xạ khó hồi phục và phát triển thành bệnh cận thị như minh họa trong hình 2 dưới đây.
Cận thị do độ cong quá mức của giác mạc và thủy tinh thể. |
Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện ra chức năng mới của một loại tế bào Amacrine trong võng mạc được biết đến từ trước nhưng chưa hiểu hết về nó. Các nhà khoa học tại Đại học Northwestern, Chicago, Mỹ phát hiện thấy tế bào ipRGC còn kích thích tế bào Amacrine điều khiển quá trình phát triển bình thường của nhãn cầu để mắt không bị tật khúc xạ (emmetropia). Cơ chế của quá trình này được giải thích do tế bào Amacrine kết nối thông tin trực tiếp với tế bào hạch cảm quang, khi tiếp xúc với ánh sáng xanh 480nm tế bào ipRGC truyền tín hiệu kích thích Amacrine tiết ra dopamine võng mạc có vai trò điều khiển sự phát triển cân bằng của nhãn cầu mà không bị dài ra.
Khi mắt thường xuyên được tiếp xúc với ánh sáng có đủ thành phần ánh sáng xanh vùng phổ có bước sóng 480nm, tế bào Amacrine sẽ kiểm soát sự phát triển dài ra của nhãn cầu, giữ nguyên hình dạng cầu nên ánh sáng đi vào mắt khúc xạ bình thường và hội tụ đúng trên võng mạc. Tuy nhiên, nếu ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mà thường xuyên ở trong điều kiện ánh sáng nhân tạo yếu thiếu thành phần ánh sáng xanh lục lam 480nm, tế bào này không khống chế sự phát triển của nhãn cầu kéo dài theo trục dọc nên hình ảnh hội tụ ở phía trước võng mạc dẫn đến bệnh cận thị (hình 3).
Ngoài ra, ánh sáng tím bước sóng 380 – 400nm có nhiều trong ánh sáng tự nhiên ngoài trời không chỉ giúp tăng vitamin D cho cơ thể mà cũng góp phần khống chế quá trình dài ra của trục nhãn cầu do sự kiểm soát gen chống cận thị EGR1. Ánh sáng tím này hầu như không có ở trong nhà (do kính cửa sổ ngăn lại) hoặc trong chiếu sáng nhân tạo (các nguồn sáng sợi đốt, huỳnh quang, LED… đều thiếu vùng phổ này) do chính sách bảo vệ khỏi ánh sáng tử ngoại UV, mặc dù ánh sáng tím nằm trong vùng nhìn thấy.
Với phát hiện mới này có thể nói bệnh cận thị không chỉ do tác động của ánh sáng về mặt cơ quang của thị giác mà còn có tác động quan trọng về mặt sinh học gây nên.
Mắt bình thường (Normal) và mắt bị cận thị (Myopia) do nhãn cầu dài ra. |
Vì những lý do trên, các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo học sinh ở tuổi học đường cần phải hoạt động ngoài trời ít nhất 1-2 giờ mỗi ngày, tốt nhất là buổi sáng để hạn chế sự gia tăng cận thị. Người trưởng thành cũng cần tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ít nhất nửa giờ mỗi ngày. Hệ thống chiếu sáng nhân tạo trong nhà cần có phổ ánh sáng đầy đủ đặc biệt là vùng phổ ánh sáng xanh lục lam bước sóng 460-500nm. Tất nhiên còn có những nguyên nhân khác cũng dẫn đến cận thị mà không phải do ánh sáng như gen di truyền, chế độ dinh dưỡng…
Một tác động khác của ánh sáng đến sức khỏe cũng rất được quan tâm là tác động của vùng phổ ánh sáng bước sóng ngắn, năng lượng cao bao gồm ánh sáng tử ngoại bước sóng 100 – 400nm và ánh sáng xanh lam (blue) bước sóng 400-450 nm. Tiêu chuẩn quốc tế IEC 62471:2006/CIE 009:2002 về an toàn quang sinh học còn yêu cầu không có ánh sáng tử ngoại và hạn chế ánh sáng xanh lam.
Cơ chế tác động của các vùng ánh sáng tử ngoại đến sức khỏe được giải thích như sau. Ánh sáng tử ngoại gần UVA bước sóng 400 – 315nm có tác dụng gây nám da và có khả năng xâm nhập sâu vào tầng hạ bì của da, kích hoạt sắc tố melanin đã có trong các tế bào da trên làm sạm da. Hơn nữa, UVA thâm nhập vào các lớp da sâu hơn, nơi mô liên kết và mạch máu bị ảnh hưởng, làm da dần mất đi tính đàn hồi và bắt đầu nhăn gây lão hóa sớm. Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây cho thấy có thể tăng cường sự phát triển của bệnh ung thư da. Các cơ chế gây tổn hại UVA này chưa được hiểu đầy đủ, nhưng một giả thuyết phổ biến cho rằng UVA làm tăng oxy hóa trong tế bào.
Ánh sáng tử ngoại trung UVB bước sóng 315 – 280nm có tác dụng giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể con người. Tuy nhiên tác hại của nó là nguyên nhân chính gây nên bỏng nắng, kích ứng da và ung thư da. Tử ngoại gần kích thích sản xuất melanin mới, dẫn đến sự gia tăng sắc tố sẫm màu trong vài ngày, nó cũng kích thích các tế bào tạo ra lớp biểu bì dày hơn. Do đó, UVB có tác động gây sẫm màu da và dày các lớp tế bào thượng bì – những phản ứng này là sự bảo vệ của cơ thể chống lại tác hại của tia tử ngoại. Ánh sáng tử ngoại xa UVC bước sóng 280 – 100nm có tác dụng khử trùng.
Tuy nhiên cũng diệt cả các tế bào sống khác, đối với người sẽ gây hại cho da và mắt. Đối với mắt, hầu hết ánh sáng tử ngoại bị hấp thụ bởi giác mạc và một phần ở thủy tinh thể, lượng ánh sáng tử ngoại đi tới võng mạc hầu như không đáng kể để gây hại võng mạc (hình 4). Tuy nhiên, tia tử ngoại có cường độ mạnh gây bỏng giác mạc và đục thủy tinh thể dẫn đến mù lòa. Do vậy, tuyệt đối tránh tiếp xúc với UVC trong mọi tình huống.
Ánh sáng xanh trong dải từ 400 – 450nm được cho là có hại cho mắt, do ánh sáng xanh có thể đi qua giác mạc, thủy tinh thể mà chỉ bị hấp thụ một phần nhỏ, lượng còn lại một phần bị tán xạ trong thủy tinh dịch phần lớn đi tới võng mạc kích thích các tế bào cảm quang. Nếu ánh sáng ở dải bước sóng này với cường độ lớn sẽ gây hại cho võng mạc nên được gọi là “Ánh sáng xanh nguy hại” (blue light hazard). Ánh sáng xanh lam bước sóng ngắn gây hiệu ứng quang hóa có hại cho các tế bào võng mạc mắt do nhìn trực tiếp vào các nguồn chủ yếu phát ánh sáng xanh lam hoặc các nguồn sáng có độ chói cực cao như mặt trời hoặc ánh sáng hồ quang. Nếu nhìn thẳng vào nguồn sáng này với cường độ cao của các nguồn điểm sẽ gây hại cho võng mạc, nhìn lâu có thể gây hủy hoại tế bào gây nhược thị và bệnh thoái hóa hoàng điểm (AMD), nặng hơn có thể làm tổn hại cho mắt như bong võng mạc (hình 4).
Tia tử ngoại và ánh sáng xanh đi vào trong mắt người. |
Ngoài ra, một số yếu tố khác của ánh sáng có tác động tiêu cực như độ sáng quá lớn, nguồn sáng có cường độ sáng cao trong trường nhìn gây lóa khó chịu, mệt mỏi hoặc lóa mờ làm giảm độ nhìn rõ và giảm hiệu suất lao động, song không gây tổn thương cho sức khỏe thị giác. Ánh sáng nhấp nháy cũng gây mệt mỏi khó chịu cho người tiếp xúc và có thể là nguyên nhân gián tiếp gây tai nạn lao động.
Tác động của chiếu sáng đến sức khỏe con người
Ánh sáng đi tới mắt, qua hệ thống quang học của mắt tới võng mạc được các tế bào thị giác là tế bào nón và tế bào gậy tiếp nhận và truyền tín hiệu đến các tế bào phi thị giác là tế bào hạch võng mạc tự nhậy cảm ánh sáng ipRGCs. Thông qua các tế bào ipRGC ánh sáng có tác động đến lượng hoóc-môn sản sinh hàng ngày. Trải qua nhiều triệu năm tiến hóa, các loài sinh vật và con người đã thích nghi với sự thay đổi cường độ sáng, nhiệt độ màu và màu sắc của ánh sáng tự nhiên, chi phối lượng hoóc-môn sản sinh bởi các tuyến nội tiết, hình thành “đồng hồ sinh học”.
Các nghiên cứu khoa học đã nhận thấy rằng nhịp sinh học được điều khiển bằng các loại hormon rất quan trọng, trong đó quan trọng nhất phải nói đến là melatonin – hormon gây ngủ và cortisol – hormon kích sự thích tỉnh táo. Cặp hormon này hoạt động đối ngược nhau cả về thời gian và tác động đến nhịp sinh học do ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời. Ban ngày đặc biệt vào buổi sáng phổ ánh sáng mặt trời có nhiều thành phần màu xanh lam, tế bào hạch cảm quang trong võng mạc ipRGC nhận tín hiệu ánh sáng mặt trời và truyền tín hiệu thần kinh tới vùng não trung tâm ức chế melatonin đồng thời kích thích sản xuất cortisol giúp cơ thể tỉnh táo, tập trung cho các hoạt động hiệu quả.
Về cuối ngày lượng cortisol giảm dần khi thành phần phổ màu xanh lam của ánh sáng giảm dần và tăng thành phần màu đỏ cho đến khi mặt trời lặn không còn ánh sáng mặt trời và đạt mức thấp nhất vào lúc nửa đêm. Ngược lại khi trời tối và chuyển về đêm melatonin bắt đầu được tiết ra với lượng tăng dần gây cho cơ thể cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ, lượng hormon đạt cao nhất vào khoảng sau nửa đêm và khi đó ta chìm vào giấc ngủ sâu nhất (hình 5).
Ánh sáng có vai trò đồng bộ hóa đồng hồ sinh học theo chu kỳ quay sáng – tối 24 giờ của trái đất. Sự mất đồng bộ này sẽ dẫn đến sự sai nhịp về thời gian của sự tỉnh táo và buồn ngủ.
Nhịp thay đổi lượng hormon melatonin, cortisol sự tỉnh táo và thân nhiệt ở người theo chu kỳ ngày đêm (nguồn Bommel and Beld). |
Có thể nói nhịp sinh học là tác nhân của đồng hồ sinh học ở con người, có vai trò tác động rất quan trọng của ánh sáng, quyết định nhịp thức – ngủ và những quá trình sinh học khác của con người như sự chuyển hóa, thân nhiệt, huyết áp…
Với sự phát minh ra nguồn sáng điện và ứng dụng chiếu sáng, ngày nay trong thời đại công nghiệp con người sống và làm việc chủ yếu trong môi trường khép kín trong nhà chiếm tới 90% thời gian ban ngày. Những nghiên cứu của các nhà khoa học về tác động sinh học của ánh sáng nhân tạo tới con người đã chỉ ra rằng khi môi trường hoạt động chủ yếu trong điều kiện chiếu sáng không thay đổi với các nguồn sáng nhân tạo mà ít được tiếp xúc với ánh sáng ban ngày thay đổi cả về cường độ và phổ ánh sáng.
Việc sử dụng ánh sáng nhân tạo về đêm để kéo dài thời gian hoạt động trong ngày cùng với việc sử dụng thường xuyên các thiết bị điện tử phát ánh sáng có nhiều thành phần phổ màu xanh lam như TV, máy tính, điện thoại thông minh ban đêm đã làm phá vỡ nhịp sinh học và gây hậu quả không tốt cho sức khỏe như: Giấc ngủ kém và tăng stress, lo lắng và trầm cảm. Những nghiên cứu dịch tễ học cũng phát hiện tỷ lệ tăng một số bệnh như béo phì, tiểu đường, nguy cơ tim mạch và một số loại bệnh ung thư….
Về ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo đến sức khỏe được các nhà Sinh học lý giải như sau: Chiếu sáng cường độ cao với nhiều thành phần màu xanh lam về ban ngày giống như ánh sáng tự nhiên ức chế sản xuất melatonin và kích thích sản xuất cortisol giúp tỉnh táo tập trung cho công việc hiệu quả đồng thời cũng hỗ trợ giấc ngủ tốt về ban đêm. Khi tiếp xúc với ánh sáng cường độ mạnh có nhiều thành phần màu xanh lam vào ban đêm, bộ não nhận được thông điệp để giảm bài tiết melatonin, đó là tín hiệu kích thích sự tỉnh táo khi chúng ta chuẩn bị đi ngủ. Do vậy, mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ, thời gian ngủ sâu ít hơn. Sau một giấc ngủ kéo dài 8 tiếng ta vẫn buồn ngủ và mất nhiều thời gian để thức dậy trong trạng thái ngái ngủ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh hơn vào ban đêm sẽ giảm lượng melatonin gây cảm giác đói vì melatonin giúp tránh khỏi cơn đói, lượng insulin sản xuất ra cũng ít hơn. Khi đó cơ thể sẽ đốt cháy ít calo, thay vào đó lại lưu trữ chúng dưới dạng chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và mắc bệnh tiểu đường. Melatonin cũng là một chất chống ung thư, các tế bào ung thư thường tăng sinh về ban đêm, lượng melatonin nhiều ban đêm có vai trò ức chế sự phát triển này.
Vì vậy, khi chu kỳ sản sinh melatonin bị phá vỡ, nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn. Một nghiên cứu của David Blask khi cấy tế bào ung thư vú ở người trên chuột cho thấy trong điều kiện bình thường, các tế bào khối u phát triển nhanh hơn vào ban ngày và chậm hơn vào ban đêm khi có melatonin. Chiếu sáng vào ban đêm dẫn tới sự phát triển khối u tăng nhanh theo mức chiếu sáng (hình 6). Moore-Ede cũng cho biết, các khối u ung thư phát triển nhanh hơn 2-3 lần khi melatonin bị ức chế. Như vậy, melatonin vừa là tín hiệu nhịp sinh học vừa là hóc môn chống ung thư.
Tăng mức chiếu sáng vào ban đêm dẫn tới sự phát triển khối u nhanh hơn. |
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy làm việc ca đêm trong thời gian dài có thể dẫn đến tỷ lệ ung thư vú, ruột kết và tuyến tiền liệt cao hơn liên quan đến những người làm việc vào ban đêm. Điều này cũng được chứng minh qua kết quả nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Nhịp sinh học Đại học Tulane cho thấy những nữ công nhân làm việc ca đêm có khả năng mắc ung thư vú cao hơn 50% đến 70%, ở nam giới làm việc ca đêm cũng có tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt tăng cao so với những người không làm việc ca đêm. Làm việc theo ca có thể làm gián đoạn giấc ngủ và do đó dẫn đến các ảnh hưởng thứ cấp đến sức khỏe. Gián đoạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống miễn dịch. Thay đổi chu kỳ thức – ngủ ảnh hưởng đến số lượng tế bào lympho lưu hành, hàm lượng kháng thể và mức độ cytokine làm chức năng miễn dịch bị suy giảm dẫn tới giảm sức đề kháng của cơ thể.
Như vậy, cơ thể luôn có xu hướng bảo vệ đồng hồ sinh học của mình. Mọi hoạt động gây rối loạn đồng hồ sinh học mà trong đó chiếu sáng là yếu tố rất quan trọng sẽ dẫn tới các phản ứng sinh lý, sinh hóa bất thường, sau đó gây ra nhiều ảnh hưởng xấu lên sức khỏe. Để bảo đảm sức khỏe tốt, điều quan trọng là những nhịp điệu này không bị gián đoạn. Khi đó chiếu sáng nhân tạo cần tăng cường ánh sáng có nhiều thành phần phổ màu xanh lam vào buổi sáng và tăng thành phần phổ màu đỏ vào buổi chiều giúp ổn định nhịp sinh học.
Các nghiên cứu về chiếu sáng theo thời gian cho thấy chu trình ánh sáng nhân tạo giống như ánh sáng tự nhiên ban ngày thường hiệu quả nhất. Nó cho đồng hồ sinh học của chúng ta biết rằng bắt đầu một ngày và các chức năng của cơ thể cần được kích hoạt. Liều lượng cao của ánh sáng xanh lục lam có thể chấp nhận được và thậm chí được ưu tiên trong ngày làm việc bình thường như một cách để tăng cường sự tỉnh táo và năng suất lao động.
Ngược lại, tiếp xúc ánh sáng này vào buổi tối sẽ ức chế sản xuất melatonin làm cho chúng ta khó ngủ hơn. Sức khỏe, tinh thần của chúng ta gặp vấn đề khi có một sự “lệch pha” giữa môi trường bên ngoài và đồng hồ sinh học bên trong cơ thể. Chiếu sáng không đúng cũng như mọi hoạt đông gây rối loạn đồng hồ sinh học sẽ dẫn tới các phản ứng sinh lý, sinh hóa bất thường, sau đó gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như phát sinh bệnh tật. Chiếu sáng hợp lý sẽ góp phần hạn chế một số loại bệnh tật cũng như mang lại sức khỏe tinh thần cho con người.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học về chiếu sáng cùng với các nhà sinh học đã đưa ra các giải pháp Chiếu sáng vì sức khỏe và cảm xúc con người hay là Chiếu sáng lấy con người làm trung tâm – Humancentric lighing (HCL). Giải pháp này kết hợp cả chiếu sáng vì sự nhìn và đồng bộ nhịp sinh học để bảo đảm cho hoạt động thị giác, sự tiện nghi, thoải mái dễ chịu, sức khỏe và sự thỏa mãn.
Để đạt được mục đích trên, hệ thống chiếu sáng nhân tạo trong nhà cần bảo đảm 5 đặc tính bao gồm: Độ sáng, Phổ ánh sáng, Phân bố ánh sáng, Thời điểm chiếu sáng và Thời lượng chiếu sáng.
Về cường độ chiếu sáng cho hoạt động thị giác hiệu quả, ít nhất cần đạt mức độ rọi tối thiểu trên mặt phẳng ngang cho các loại công việc và hoạt động được quy định trong các tiêu chuẩn hiện hành. Tuy nhiên để đạt hiệu quả về mặt sinh học thì cường độ chiếu sáng cần thay đổi trong ngày theo hướng tăng cao về buổi sáng và giảm dần về cuối ngày tới mức độ rọi yêu cầu trong tiêu chuẩn. Hiện tại chưa có tiêu chuẩn quy định mức độ rọi hiệu quả cho tác động sinh học, tuy nhiên các tài liệu về chiếu sáng HCL khuyến nghị giá trị độ rọi cần đạt từ trên 500 đến 1000 lx trên mặt đứng tại độ cao ngang tầm mắt. Buổi tối, ngoại trừ công việc làm ca, đối với các công việc hoạt động thị giác cần bảo đảm độ rọi tiêu chuẩn, các hoạt động bình thường khác độ rọi không quá 200 lx trên mặt phẳng ngang, trước giờ đi ngủ khoảng 1,5 đến 2 giờ độ rọi cần giảm đến mức thấp dưới 50 lx, đủ cho việc đi lại.
Về phổ ánh sáng đối với hoạt động thị giác cần bảo đảm các giá trị quy định trong tiêu chuẩn về chỉ số hoàn màu và giá trị khuyến nghị về nhiệt độ màu tương quan tùy theo mỗi loại hoạt động và công việc cụ thể. Để đạt hiệu quả sinh học phổ ánh sáng cần thay đổi trong ngày, mô phỏng theo phổ ánh sáng ban ngày. Hiện tại các chỉ tiêu định lượng có liên quan đến màu ánh sáng (phổ ánh sáng) tạm thời sử dụng nhiệt độ màu tương quan Tc, phổ có nhiều thành phần bước sóng ngắn (màu xanh lam) cho nhiệt độ màu cao, ngược lại có nhiều thành phần bước sóng dài (màu đỏ) cho nhiệt độ màu thấp. Các giá trị nhiệt độ màu tương quan được khuyến nghị thay đổi trong ngày như sau, khi thức dậy nhiệt độ màu 3.000K, nửa đầu buổi sáng tăng dần lên 6.500K, sau giảm dần về buổi trưa 5.000K, buổi chiều tiếp tục giảm dần đến cuối ngày về 3.000K hoặc thấp hơn đến 2.700K.
Về phân bố ánh sáng đối với hoạt động thị giác, cần quan tâm bảo đảm mức độ đồng đều độ rọi trên mặt ngang và phân bố hài hòa độ chói trên các bề mặt trong không gian chiếu sáng. Đặc biệt cần hạn chế chói lóa của các hệ thống chiếu sáng cả trong nhà và ngoài nhà. Để đạt hiệu quả sinh học, các nguồn sáng được khuyến nghị có bề mặt phát sáng phẳng và rộng, độ chói thấp, phân bố cường độ sáng rộng, hướng chiếu sáng từ phía trước và trên xuống để tăng độ rọi mặt đứng và ánh sáng đi vào vùng võng mạc tập trung nhiều tế bào hạch cảm quang ipRGC, (hình 7).
Hướng chiếu sáng hiệu quả về mặt sinh học. |
Các chú dẫn trên hình cho thấy tế bào hạch cảm quang trong võng mạc nhạy cảm với ánh sáng xanh lục lam tập trung chủ yếu ở vùng dưới nhãn cầu nên ánh sáng chiếu từ phía trên và phía trước có hiệu quả tác động sinh học tốt hơn. Ánh sáng chiếu đến trong vùng góc tới 45 độ có hiệu quả tốt nhất (light has good effect), từ 45 – 60 độ ít hiệu quả (light has little effect), vùng góc trên 60 độ không có hiệu quả (light has no effect). Không nên chiếu sáng từ dưới lên do có nguy cơ gây chói lóa (light undesirable because of risk of glare).
Về thời điểm và thời lượng chiếu sáng không có đề nghị áp dụng giống nhau cho mọi trường hợp mà tùy lĩnh vực và hoạt động cụ thể như văn phòng, bệnh viện, trường học, nhà ở… mà áp dụng cho hiệu quả tốt nhất. Tuy vậy vẫn có nguyên tắc chung chiếu sáng hiệu quả kích thích sinh học giúp tỉnh táo vào ban ngày và hạn chế tối đa sử dụng ánh sáng có nhiều thành phần phổ màu xanh lam cường độ mạnh vào buổi tối tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ và các vấn đề về sức khỏe khác. Ví dụ, một khuyến nghị đối với khu vực văn phòng như sau: Trong khoảng 2 giờ vào đầu buổi sáng ngày làm việc chiếu sáng với cường độ mạnh và nhiệt độ màu cao để kích thích sự tỉnh táo, sau đó giảm dần về độ sáng cần thiết cho các hoạt động thị giác. Buổi trưa tùy theo chế độ làm việc có giờ nghỉ hay làm thông tầm mà điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp với tình huống cụ thể.
Đối với chiếu sáng ngoài nhà và đường phố về ban đêm, ngoài việc bảo đảm các yêu cầu về độ sáng cho hoạt động thị giác, không gây chói lóa, cần quan tâm đến phổ ánh sáng của các đèn. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, chiếu sáng ngoài nhà không nên sử dụng các đèn có nhiều thành phần ánh sáng xanh lam về ban đêm, chỉ nên sử dụng các đèn có nhiệt độ màu trong khoảng 3.000K đến 4.000K.
Kết luận
Chiếu sáng xanh ngoài việc quan tâm việc tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguyên vật liệu và tái sử dụng các thành phần của thiết bị chiếu sáng, còn cần quan tâm đến tác động của ánh sáng đối với sức khỏe người sử dụng. Ánh sáng nhân tạo không chỉ phục vụ cho hoạt động thị giác và tác động đến sức khỏe thị giác mà còn có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung.
Để bảo đảm ánh sáng tốt cho hoạt động thị giác, nâng cao hiệu quả lao động và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hệ thống chiếu sáng nhân tạo cần có khả năng điều chỉnh được về độ sáng và phổ ánh sáng theo thời gian trong ngày. Chiếu sáng nhân tạo càng gần với ánh sáng tự nhiên càng tốt.
Ngô Văn Quyền
Hội Chiếu sáng Việt Nam
Nguồn: Báo xây dựng