Vấn nạn sầu riêng non xuất khẩu lặp lại: Cần có quy chuẩn về độ chín của sầu riêng
Vấn nạn sầu riêng non xuất khẩu, gây mất uy tín giá trị của quả sầu riêng Việt
Theo Bà L.T.K, Giám đốc Công ty LLC, tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, đầu tháng 3 năm nay, doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua 6 tấn sầu riêng đông lạnh bóc múi của một doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Khi hàng xuất qua, doanh nghiệp này phải bán thanh lý, tiêu hủy gần 2,5 tấn do các đối tác bán lẻ Nhật Bản phản ánh, sầu riêng nhạt toẹt, có vị chua, một số hộp còn nổi màu đen như nấm mốc…
“Lô hàng này khiến chúng tôi lỗ hơn 300 triệu đồng nhưng thiệt hại, mất mát lớn hơn là uy tín của doanh nghiệp đối với các nhà bán lẻ Nhật Bản khi sản phẩm không đạt chất lượng, phải thu hồi toàn bộ”, bà K. nói.
Một trong những phát hiện được nhóm nghiên cứu tại Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) chỉ ra, thị trường sầu riêng có sự tham gia của đội quân “cò” sầu riêng, là các thương lái, chủ đại lý thu mua. Khi giá sầu lên cao, họ yêu cầu nhà vườn thu hoạch hết vườn, nguy cơ cao lẫn cả trái non.
Đối với các doanh nghiệp lớn, quy trình kiểm soát, xác định độ chín của sầu riêng dựa vào đội “thợ gõ”, là những người có nhiều kinh nghiệm tuyển chọn sầu riêng. Khi vào chính vụ, sản lượng thu hoạch quá lớn, “thợ gõ” làm việc quá tải, rất dễ lọt sầu riêng non.
Góc nhìn từ doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu sầu riêng, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, nhu cầu từ thị trường với trái cây này rất lớn. Vấn đề là làm sao để có một quy trình chuẩn để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng. Những lô hàng xuất khẩu sầu riêng trái non, thối hỏng bị phát hiện vừa qua dù chiếm tỷ lệ không lớn nhưng tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, chất lượng sầu riêng Việt Nam.
Cần có quy chuẩn riêng về độ chín quả sầu riêng
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiểu – Trưởng bộ môn Công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm (VIAEP), độ chín quyết định chất lượng sầu riêng nhưng vấn đề lớn nhất của ngành trái cây tỉ đô này là đang thiếu quy chuẩn về độ chín cũng như phương pháp xác định độ chín của trái sầu riêng để quyết định thời điểm thu hoạch. Nếu thu hoạch theo kiểu “cắt 1, 2 dao” đồng loạt như hiện nay thì sẽ còn lẫn quả già, quả non.
“Khi không có quy chuẩn xác định độ chín cho trái sầu riêng để làm trọng tài về chất lượng thì rất khó xác định được chủ vườn có cố tình cắt bán trái non hay không. Như vậy thì không có căn cứ để xử phạt, quy trách nhiệm. Trong khi đó, Thái Lan có riêng bộ quy tắc, quy định để kiểm soát, xử lý hành vi này”, ông Hiểu chia sẻ.
Về phía ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, sầu riêng Thái đẳng cấp hơn và Việt Nam cần học hỏi cách làm của họ. Ngay khi nước ta được xuất khẩu sầu chính ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan đã chủ động nâng tiêu chuẩn chất lượng sầu xuất khẩu của mình để giữ vững thị trường.
“Họ có bộ tiêu chuẩn chất lượng về độ khô, quy định thời gian thu hoạch của từng vùng trồng. Có biện pháp kiểm tra hàng trước khi xuất khẩu. Không chỉ kiểm tra sâu bệnh, cơ quan chức năng còn kiểm tra cả độ chín của trái sầu”, ông Nguyên cho biết. Sầu riêng phải đạt các tiêu chuẩn này mới được phép xuất khẩu. Nếu phát hiện sầu riêng cắt non, ngoài việc tiêu huỷ lô hàng, doanh nghiệp còn bị phạt tiền.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã có chỉ thị cho Ủy ban Trái cây gặp nông dân trồng sầu riêng, những người phân loại và cắt sầu riêng, các doanh nhân, người điều hành nhà máy phân loại và đóng gói… để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu GAP của Trung Quốc.
Thậm chí, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp nước này đề xuất các quy định nhằm thiết lập tiêu chuẩn cho sầu riêng. Mục đích để duy trì chất lượng trái sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan và ngăn chặn việc bán trái non.
Ngoài ra, Thái Lan còn có lực lượng đặc nhiệm xử lý vấn đề buôn lậu sầu riêng từ các nước để xuất khẩu trá hình sầu riêng Thái. Đây cũng là hành động nhằm bảo vệ thương hiệu sầu riêng của quốc gia này.
Trong khi, chúng ta mới chỉ kiểm soát được sâu bệnh dịch hại trên trái sầu theo nghị định thư, “bỏ ngỏ” vấn đề về chất lượng như độ chín, độ khô, trái ngon hay dở, già hay non. Chất lượng sầu phụ thuộc hoàn toàn vào nhà vườn và thương lái.
Thế nên, tại các vùng trồng ở nước ta vẫn xảy ra tình trạng “ép” cắt sầu riêng non bán cho phía Trung Quốc lúc giá tăng cao, nguồn cung thiếu hụt, dẫn đến hệ lụy sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh kém, nhất là về giá bán. Đồng thời, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sầu Việt tại thị trường Trung Quốc.
Vấn nạn về chất lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà còn là vấn đề của toàn bộ ngành nông nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà nông và cơ quan quản lý, đồng thời học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan, để nâng cao chất lượng và uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đối với quả sầu riêng tươi, Việt Nam đã có ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10739:2015. Sau nhiều vụ sầu riêng non xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, tháng 10 năm 2023, Cục Trồng trọt ban hành Quyết định số 362/QĐ-TT ngày 09 tháng 10 năm 2023 hướng dẫn quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng. Nhưng các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, những quy định này chưa thể giải quyết được vấn nạn sầu riêng non.
Ông Nguyễn Mạnh Hiểu cho rằng, TCVN 10739:2015 chỉ quy định chung về kích thước, phân loại trái nói chung, không chia ra các giống cụ thể. Trong khi sầu riêng gồm rất nhiều giống khác nhau, thời gian chín cũng khác nhau.
Duy Trinh