Nắng nóng gay gắt làm đảo lộn kế hoạch của nhiều gia đình trong dịp lễ 30/4-1/5
Thời tiết nắng nóng kéo dài trong đợt nghỉ lễ khiến kế hoạch giải trí của nhiều gia đình trong dịp lễ 30/4-1/5 bị đảo lộn, họ quyết định trú chân tại Hà Nội thay vì đi chơi xa.
Các em nhỏ vui chơi ở phố đi bộ Hồ Gươm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Những ngày qua, nhiều khu vực trên cả nước có nắng nóng đặc biệt gay gắt, có nơi lên đến trên 42 độ C. Đợt nắng nóng diễn ra đúng vào dịp lễ 30/4-1/5 khiến các hoạt động vui chơi của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tại “chảo lửa” miền Trung, nhiệt độ cập nhật lúc 13 giờ ngày 29/4 ở các khu vực hầu hết đều trên 41 độ C. Cụ thể, Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có nền nhiệt phổ biến 40-42 độ C, có nơi trên 42 độ C như: Tương Dương (Nghệ An) 42,1 độ C, Đông Hà (Quảng Trị) 42,4 độ C…
Trong khi đó, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Thanh Hóa, từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Nam Bộ cũng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C như: Yên Châu (Sơn La) 41,3 độ C, Tam Kỳ (Quảng Nam) 39,7 độ C, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 40,4 độ C, Sơn Hòa (Phú Yên) 39,8 độ C…
Các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực từ Khánh Hòa đến Phú Yên và Tây Nguyên có nắng nóng, nền nhiệt phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C như, Ayunpa (Gia Lai) 38,2 độ C…, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-55%.
Trong cái nóng hầm hập, nhiều người vẫn phải mưu sinh ngoài đường.
Ông Đoàn Văn Hưng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chạy xe máy dịch vụ cho biết thời tiết càng nắng nóng, ông càng nhận được nhiều đơn đặt chuyển hàng.
Để tránh ảnh hưởng từ nắng nóng, ông hạn chế nhận đơn di chuyển vào giờ cao điểm nắng nóng (từ 11-15 giờ). Ông cũng chủ động mang theo một bình nước lớn khi đi làm, tuy nhiên, vẫn không đủ cấp cho cơ thể.
“Đi ngoài đường trong cái nóng từ đường nhựa bốc lên làm đôi lúc tôi thấy hoa mắt, chóng mặt, mồ hôi tuôn ra ướt hết cả áo. Đợt nắng nóng này dữ dội nhất từ đầu mùa Hè đến giờ. Có lẽ Hè năm nay sẽ rất khắc nghiệt,” ông Hưng dự đoán.
Người lao động mưu sinh dưới nắng nóng gay gắt. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Nắng nóng kéo dài trong đợt nghỉ lễ cũng khiến kế hoạch giải trí của nhiều gia đình đảo lộn.
Chị Vũ Thị Thu Thủy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) dự định cùng gia đình lái xe tham quan một số điểm vui chơi tại các tỉnh lân cận Hà Nội. Tuy nhiên, khi thấy nắng nóng gay gắt xuất hiện đúng đợt nghỉ lễ, gia đình chị quyết định không di chuyển đến nơi xa mà trú chân tại Hà Nội, tranh thủ đi một số nhà sách, siêu thị, rạp chiếu phim.
“Gia đình tôi có hai cháu nhỏ cấp tiểu học. Di chuyển xa trong không khí nắng nóng ngột ngạt sẽ dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt, hạ đường huyết, suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc một số bệnh về đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa. Do đó, gia đình tôi quyết định ở lại Thủ đô Hà Nội trong mấy ngày nghỉ lễ,” chị Thủy nói.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn dự báo nắng nóng trong ngày 30/4 và 1/5 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; cục bộ, nắng nóng tại một số khu vực có khả năng suy giảm.
Cụ thể, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ C, có nơi trên 42 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-40%; riêng Thanh Hóa, Nghệ An ngày 1/5 nắng nóng suy giảm.
Bắc Bộ từ ngày 30/4 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C; riêng khu vực Tây Bắc có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ C, có nơi trên 42 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%; ngày 1/5 nắng nóng suy giảm.
Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-50%. Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 50-55%.
Người dân vất vả mưu sinh dưới nắng nóng. (Ảnh: Quỳnh Anh/TTXVN phát) |
Các chuyên gia cảnh báo nắng nóng ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ còn có khả năng kéo dài.
Từ ngày 3/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Tây Nguyên và Nam Bộ từ khoảng ngày 4-5/5 nắng nóng giảm dần. Độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1; riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên cấp 2.
Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Nguồn: Báo xây dựng