Du lịch Hà Nội sôi động dịp 30/4, 1/5
Sở Du lịch Hà Nội vừa ra mắt tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hoà – Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội – Điểm về nguồn cội”. Theo đó, tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức sẽ tập trung khai thác các điểm đến di tích lịch sử và làng nghề, trong đó có Đình Nội thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh (huyện Thanh Oai); làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa); Làng nghề dệt Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức).
Điểm đến đầu tiên trong hành trình là Đình Nội thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1985. Ngôi đình này có bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang. Bức phù điêu đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2015.
Du khách tham quan tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hoà – Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội – Điểm về nguồn cội”. |
Trong hành trình khám phá con đường di sản Nam Thăng Long còn có những làng nghề truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm tuổi như làng nghề tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa với 6/6 thôn đều được công nhận là làng nghề. Cuối cùng, tại làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, du khách sẽ được trải nghiệm các công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen và trải nghiệm làm ra các sản phẩm tơ sen độc đáo.
Đây là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, khu vực phía Nam của Thủ đô Hà Nội với đậm đặc các làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử,… gắn với sự phát triển nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, lịch sử đất nước và đặc biệt là lịch sử của Thăng Long – Hà Nội. Kết nối trung tâm Hà Nội với ba huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức thông qua trục quốc lộ 21B sẽ tạo ra những nét đầu tiên của bức tranh du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”; kết hợp với nhiều tuyến du lịch đường bộ, đường thủy, thậm chí là đường sắt trong khu vực phía Nam Hà Nội, từ đó, chúng ta sẽ có đầy đủ chi tiết và sắc màu cho bức tranh phát triển du lịch phía Nam của Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết.
Cùng với ra mắt tuyến du lịch mới, thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới, tập trung thu hút khách du lịch nội địa. Điển hình như: Giới thiệu 15 sản phẩm tour đêm tiêu biểu và đặc sắc, tổ chức tại các địa điểm di tích như Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, Bảo tàng Văn học, các không gian phố đi bộ, chương trình nghệ thuật thực cảnh hoành tráng Tinh hoa Bắc Bộ.
Bên cạnh đó là các sản phẩm khám phá Hà Nội bằng xe đạp “VGreen bike tour” do Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) xây dựng; chương trình du lịch Hà Nội 36 phố phường, Thăng Long tứ trấn do các doanh nghiệp hội viên Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội liên kết xây dựng; Tour xe bus 2 tầng – Hanoi City Tour khám phá phố phường Hà Nội; tour về với làng nghề “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”…
Đáng chú ý, trước thềm 30/4, 1/5, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” sẽ được tổ chức tại Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch lớn nhất được tổ chức thường niên của thành phố Hà Nội.
Hà Nội – trái tim của cả nước, luôn mang trong mình sức hấp dẫn lạ kỳ đối với du khách nhờ nguồn lực nội tại được tạo nên từ bề dày truyền thống văn hóa – lịch sử, thiên nhiên phong phú, con người thân thiện và nền ẩm thực đa dạng. Những nguồn lực ấy đã định hình một Hà Nội – điểm đến hàng đầu châu Á vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa thâm trầm cổ kính vừa sôi động và phát triển…
Phương Bùi
Nguồn: Báo lao động thủ đô