Bản tin Hòa Nhập ngày 11/10/2021: Từ 13/10, xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại
Thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh
Từ ngày 13/10, xe khách liên tỉnh được chạy thí điểm với tối thiểu 5% và tối đa 30% số chuyến trong ngày, hành khách ngồi giãn cách.
Vài giờ sau khi Thủ tướng yêu cầu chậm nhất ba ngày ban hành quy định mở lại vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc, tối 10/10 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể quyết định thí điểm khôi phục xe khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 20/10.
Hành khách phải đeo khẩu trang suốt hành trình (Ảnh minh họa).
Theo đó, với hành khách từ địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương có nguy cơ tương đương, hoạt động vận tải được tổ chức bình thường.
Hành khách đi từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, liều cuối được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong 6 tháng; có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong 72 giờ.
Trường hợp người không đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định thì phải có xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm nhanh âm tính.
Nếu đi từ địa phương có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương có nguy cơ cao hơn, hành khách phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong 72h trước khi lên ôtô; thực hiện biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế; không lên xe khi ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ.
Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải tiêm vaccine phòng Covid-19 và xét nghiệm tương tự hành khách. Khi chuẩn bị hết thời hạn của giấy xét nghiệm, lái xe, nhân viên phục vụ đến cơ sở y tế hoặc bến xe, trạm dừng nghỉ, chốt kiểm soát dịch để xét nghiệm trước khi tiếp tục hành trình.
Lái xe, phụ xe được về nhà, tự theo dõi sức khỏe tại nhà cho đến chuyến đi tiếp theo; nếu ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý.
Trường hợp chuyến đi có hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ mắc Covid-19 thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.
Địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú có trách nhiệm giám sát những người về theo quy định của Bộ Y tế và quy định cụ thể của từng địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh; tổ chức xét nghiệm vào ngày thứ hai kể từ khi hành khách từ vùng dịch về nơi cư trú.
Bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn; bố trí điểm khai báo y tế, quyét mã QR, phòng cách ly tạm tời.
Trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành hướng dẫn vận tải hành khách đường bộ từ ngày 1/10, song nhiều địa phương chưa cho xe khách liên tỉnh và nội tỉnh hoạt động. Lý do là cần thận trọng, đảm bảo an toàn phòng dịch.
Hướng dẫn sửa thông tin sai trên PC-Covid
Người dùng có thể sửa họ tên, giới tính, ngày sinh trên PC-Covid và nhận mã QR mới theo các thông tin này.
Khi đăng nhập vào PC-Covid, người dùng không cần điền lại thông tin cá nhân, do dữ liệu này được tổng hợp từ các ứng dụng và tờ khai mà người dùng đã khai báo trước đây. Hầu hết người dùng đã có thông tin chính xác trên ứng dụng, tuy nhiên, vẫn có một số người cho biết ứng dụng hiển thị sai thông tin, như ngày sinh, giới tính.
Những người này có thể chủ động sửa thông tin trên PC-Covid, bằng cách truy cập tính năng Quản lý QR. Bên dưới mã QR, chọn tính năng Sửa mã QR.
Tại đây, người dùng có thể sửa lại họ tên, ngày sinh, số thẻ bảo hiểm, CMND/CCCD, email, quốc tịch (với người nước ngoài) và địa chỉ liên lạc. Các mục có dấu * màu đỏ là các mục bắt buộc phải điền. Riêng số điện thoại hiện không thể sửa.
Thử nghiệm với một tài khoản đã hiển thị đủ mũi tiêm, sau khi sửa, thông tin về mũi tiêm vẫn hiển thị đầy đủ. Người dùng sẽ nhận mã QR mới ứng với các thông tin vừa cập nhật lại.
Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia khuyến nghị người dùng khai đúng và đủ các thông tin nói trên để các thuật toán kết nối dữ liệu từ các nền tảng có thể phát huy tác dụng tốt nhất. Từ đó đảm bảo dữ liệu về mũi tiêm, kết quả xét nghiệm, khai báo y tế, mã QR của người dùng được hiển thị chính xác nhất.
Hướng dẫn sửa thông tin sai trên PC-Covid (Ảnh minh họa).
Thời gian qua, một số người dùng PC-Covid phản ánh thông tin hiển thị chưa chuẩn. Điều này đến từ nhiều lý do, như người dùng khai báo số điện thoại khác nhau ở các lần tiêm; việc nhập dữ liệu từ giấy lên hệ thống của cơ sở tiêm chủng nhập sai sót; điền số điện thoại của người khác, trong khi các cơ sở vì đẩy nhanh tiến độ tiêm mà không kiểm tra kỹ thông tin của người dân.
Thời gian tới, hệ thống sẽ bổ sung tính năng để xác thực lại thông tin người dùng, phát thông báo đến những người khai báo chưa chính xác.
PC-Covid được đưa lên các kho ứng dụng từ ngày 30/9, dưới dạng bản cập nhật của Bluezone. Ứng dụng được thiết kế để liên thông với bốn nguồn dữ liệu đã có gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý), Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa Covid-19 (do Bộ Y tế quản lý) và Cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19. Tính đến ngày 6/10, PC-Covid có gần 50,4 triệu lượt tải và hơn 25,4 triệu người dùng thường xuyên.
Công an TPHCM xác minh việc làm từ thiện của nghệ sĩ hài Hoài Linh
Ngày 10/10, Công an TPHCM cho hay, đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng xác minh việc làm từ thiện của Võ Nguyễn Hoài Linh (tức nghệ sĩ, danh hài Hoài Linh, sinh năm 1969, ngụ tỉnh Khánh Hòa).
Công an TPHCM xác minh việc làm từ thiện của nghệ sĩ hài Hoài Linh.
Cụ thể, Công an TPHCM gửi văn bản về việc phối hợp xác minh thông tin khán giả và nghệ sĩ hài Hoài Linh hỗ trợ 1,5 tỷ đồng. Văn bản cũng đề nghị làm rõ việc Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã trao giấy ghi nhận tấm lòng vàng cho nghệ sĩ hài Hoài Linh trước đó.
Trước đó, ngày 22/9, Bộ Công an cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của một số cá nhân yêu cầu làm minh bạch chuyện huy động từ thiện và làm từ thiện của một số người là nghệ sĩ được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Bộ Công an cho biết, những cá nhân tố cáo yêu cầu làm rõ chuyện quyên góp tiền từ thiện của một số người là nghệ sĩ. Nhiều người cho biết đã chuyển tiền cho một số nghệ sĩ để ủng hộ người dân miền Trung bị lũ lụt vừa qua. Do thấy việc làm từ thiện không minh bạch nên những người này đã làm đơn tố cáo tới công an.
Sở Giao thông Hà Nội đề xuất cho xe buýt hoạt động trở lại
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có đề xuất UBND thành phố cho phép xe buýt được hoạt động 50% tần suất biểu đồ chạy xe. Cùng với đó, xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ cũng được đề xuất được phép hoạt động với 50% số lượng xe đã được cấp phép.
Sở Giao thông Hà Nội đề xuất cho xe buýt hoạt động trở lại (Ảnh vietnamnet.vn).
Cụ thể, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT vừa ký văn bản đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép xe buýt được hoạt động với 50% biểu đồ chạy xe đã được Sở GTVT phê duyệt; xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ được phép hoạt động với 50% số lượng phương tiện (có phù hiệu do Sở GTVT Hà Nội cấp còn hiệu lực).
Sở GTVT đưa ra thời gian bắt đầu hoạt động là từ ngày 10/10/2021 trên phạm vi toàn địa bàn thành phố.
Với các đơn vị vận tải, tổ chức, đơn vị quản lý, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và có kịch bản xử lý khi có trường hợp không may mắc COVID-19 theo các quy định hiện hành. “Trước khi hoạt động trở lại, đơn vị kinh doanh, cá nhân kinh doanh vận tải cần thông báo đến Sở GTVT Hà Nội về số lượng xe được phép hoạt động, trên nguyên tắc không vượt quá 50% số lượng xe được cấp phù hiệu còn hiệu lực và cam kết đảm bảo hoạt động đúng số lượng xe đã thông báo”, văn bản nêu rõ.
Với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu, phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin; tuân thủ công tác phòng chống dịch theo “thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Chủ tịch huyện nói gì về vụ tiêu hủy 16 con chó, mèo của người mắc COVID-19?
Ngày 10/10, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), chủ trì buổi họp báo về việc tiêu huỷ đàn chó, mèo được người dân chở về khu cách ly tập trung ở xã Khánh Hưng (Trần Văn Thời). Ông Công cho biết, do yêu cầu phòng chống dịch, sức ép của người dân trong khu cách ly tập trung, mặt khác đàn chó mèo không người nuôi và chạy lung tung nên Ban điều hành khu cách ly quyết định tiêu hủy đàn chó, mèo vào lúc 7h30 ngày 9/10 trước sự chứng kiến người dân. Được biết, đàn chó, mèo thuộc sở hữu của vợ chồng ông N.D.Kh (SN 1982) và bà L.T.H (SN 1995, quê ở Vĩnh Long).
Ông N.D.Kh và bầy chó trên đường hồi hương. Ảnh: Facebook
Nhiều trang mạo danh Bộ Giáo dục và Đào tạo
Rà soát nhanh trên Facebook, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện 13 trang fanpage mạo danh Bộ và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Các fanpage mạo danh có lượt yêu thích và theo dõi từ vài chục đến gần 2.000, không đăng tải thông tin thường xuyên. Tuy nhiên, tên fanpage và ảnh đại diện giống trang chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến nhiều người dễ nhầm lẫn. Trong số này, nhiều trang đăng tải các thông tin quảng cáo cung cấp “Dịch vụ làm bằng cấp, chứng chỉ chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng như: bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, bằng cấp 3, chứng chỉ, TOEIC, TOEFL, IELTS… Nhiều trang khác đưa thông tin thiếu chính xác hoặc hình ảnh thiếu nghiêm túc.
Ngày 10/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát cảnh báo về việc tồn tại nhiều trang mạo danh. Cảnh báo nêu rõ Bộ chỉ có một fanpage chính thức có tích xanh tại địa chỉ https://www.facebook.com/thongtinbogiaoducvadaotao và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo có một trang thông tin cá nhân chính thức tại địa chỉ https://www.facebook.com/tsnguyenkimson.
Trong đó, fanpage của Bộ có hơn 126.000 lượt yêu thích và hơn 145.000 lượt theo dõi với thông tin dày dặn, được cập nhật hàng ngày.
Để tranh việc các fanpage giả mạo đăng tải những thông tin không đúng sự thật, vi phạm pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo cho cơ quan chức năng xử lý, đồng thời lưu ý người dùng hết sức cảnh giác với những trang thông tin mạo danh này.
Giả mạo fanpage của các tổ chức, cá nhân rất phổ biến trên mạng xã hội, đôi khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ fanpage, thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp, trường học đóng cửa, nhiều tỉnh, thành bị làm giả công văn cho nghỉ học hoặc đi học trở lại. Những công văn này đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người bị mắc lừa.
Nguồn: hoanhap.vn