Tiếp tục khẳng định sứ mệnh, vai trò của giai cấp công nhân
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ, trở thành ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới.
Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”.
Giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ảnh: B.D. |
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago; sau đó tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia đấu tranh để giành được quyền ngày chỉ phải làm 8 giờ.
Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước. Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, Chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ.
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930 – lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ.
Đặc biệt, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày lễ Quốc gia với Sắc lệnh số 22c do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành vào ngày 18/2/1946 và Sắc lệnh số 56 ngày 29/4/1946 quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Sau khi Sắc lệnh được ban hành, ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Phát huy tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ghi nhớ lời hiệu triệu của Bác, cùng với nhân dân lao động, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trải qua gần 40 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng tăng về số lượng, trưởng thành về chất lượng và khẳng định, phát huy vai trò, địa vị của mình trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học – công nghệ tiên tiến đã tăng lên. Hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa, được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến.
Giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn là cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.
Trải qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí, vai trò của giai cấp công nhân được khẳng định nhất quán trong suốt quá trình cách mạng và thể hiện tập trung trong Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng là: “Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống giai cấp công nhân và truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng; nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức chính trị của giai cấp công nhân”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2024) là dịp để chúng ta khẳng định, tiếp tục khơi dậy sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với đất nước và dân tộc, nhân lên niềm tự hào, từ đó tiếp tục nỗ lực, ra sức thi đua lao động sáng tạo, chung sức xây dựng đất nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô