Sản xuất 3 tại chỗ: Lại “nóng” chuyện nhà ở cho công nhân

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các doanh nghiệp dừng hoạt động, chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”; trong đó, nhiều doanh nghiệp thiếu chỗ ở dành cho công nhân lao động. Thực trạng này một lần nữa đặt ra những yêu cầu bức thiết về nhà ở cho người lao động.

san xuat 3 tai cho lai nong chuyen nha o cho cong nhan
Cần Thơ đang thiếu nhà ở dành cho công nhân lao động.

Tại Cần Thơ, tính đến cuối tháng 8.2021, trong các Khu công nghiệp (KCN) của thành phố có 170 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 40.500 công nhân. Người lao động làm việc trong các KCN là người dân trên địa bàn thành phố và dân nhập cư từ các tỉnh lân cận trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trên 90% doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu “vừa cách ly, vừa sản xuất” do cơ sở hạ tầng nhà xưởng không đảm bảo các điều kiện để bố trí nơi ở tập trung cho người lao động là vướng mắc lớn nhất.

Theo ông Tín, qua triển khai phương án “3 tại chỗ” cho thấy, nhu cầu nhà ở cho công nhân rất lớn nhưng trên địa bàn thành phố chưa có các dự án nhà ở dành cho công nhân. Các KCN đã được hình thành nhiều năm như Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Thốt Nốt, Hưng Phú và thời điểm đó vẫn chưa có các quy định hay chính sách liên quan đến nhà ở công nhân. Đa phần công nhân không có nhà ở trên địa bàn chủ yếu sinh sống ở các khu nhà trọ cho thuê ở gần nhà máy, công xưởng, KCN.

Công ty TNHH Thủy sản Biển Ðông có hơn 2.000 lao động chính thức và học việc, đã phải tạm dừng hoạt động hơn 2 tháng. Ðể không đứt gãy chuỗi cung ứng xuất khẩu, công ty vừa tái khởi động sản xuất từ ngày 27.9 với trên 400 lao động làm việc theo phương thức “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Do thiếu chỗ ở, người lao động được tập trung lưu trú tại một khách sạn, và được đưa đón đến nơi làm việc hằng ngày. Sau đó, công ty bổ sung thêm 438 lao động vào làm “3 tại chỗ”. Dù áp dụng kết hợp 2 phương án nhưng công ty chỉ hoạt động chưa đến 50% công suất.

Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Ðông, chia sẻ: Mong muốn của chúng tôi là được thành phố quy hoạch một khu đất khoảng 10ha, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hỗ trợ vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và sau đó bán nhà ở với mức giá hợp lý để công nhân có thể tiếp cận được. Nếu thành phố sớm có cơ chế hỗ trợ, công ty sẽ đi vào xúc tiến đầu tư xây dựng ngay để công nhân có chỗ ở ổn định.

Còn ông Huỳnh Trung Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Tây Ðô cho biết, thực tế trong khu vực sản xuất rất khó tổ chức nơi ở bài bản, nhưng thời gian qua, công ty vẫn cố gắng đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất có thể cho người lao động yên tâm làm việc, ăn uống nghỉ ngơi tại công ty. Tuy nhiên về lâu dài, công ty sẽ ý kiến đến UBND TP.Cần Thơ để được đầu tư khu nhà ở xã hội cho công nhân để người lao động có nơi ở ổn định.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ, cho hay: “Thời điểm trước, các công ty đầu tư hạ tầng KCN đã làm việc với các doanh nghiệp trong KCN để cùng nhau đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Nhưng lúc đó các doanh nghiệp trong KCN không mấy mặn mà. Khi dịch bệnh chưa xảy ra, chúng ta chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc đầu tư nhà ở tập trung cho công nhân. Hiện nay, vấn đề nhà ở cho công nhân nóng trở lại. Vì vậy, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố xác định lại các khu vực quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, của Chính phủ”.

Ông Toàn cho biết thêm, thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP.Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Sở Xây dựng sẽ sớm trình UBND thành phố kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, trong đó, có quy hoạch các khu vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Từ ý kiến của doanh nghiệp, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành để song song với việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở sẽ tham mưu khai thác quỹ đất công để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Dự án nhà ở xã hội cho công nhân có thể được triển khai theo hình thức xã hội hóa, nhà nước sẽ giao đất, không thu tiền sử dụng đất, thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá để doanh nghiệp vào đầu tư.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích