Người dân rút bớt tiền khỏi hệ thống ngân hàng chuyển sang kênh đầu tư khác

1
Tháng 1, người dân rút khỏi hệ thống ngân hàng 34.643 tỷ đồng.

Người dân không mặn mà với lãi suất tiền gửi

Số liệu mới nhất liên quan đến tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo đó tháng 1, người dân rút khỏi hệ thống ngân hàng 34.643 tỷ đồng, là tháng thứ hai liên tiếp người dân rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng.

Tháng liền trước đó, người dân rút 61.643 tỷ đồng khỏi hệ thống. Diễn biến này trái ngược năm 2023 khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng liên tục cho đến tháng cuối năm mới đảo chiều.

Lãi suất tiết kiệm tính đến cuối tháng 1 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Không nhiều ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất 5%/năm cho khoản tiền gửi 12 tháng. Đà giảm lãi suất kéo dài từ tháng 4/2023 khiến lãi suất tiết kiệm xuống đáy, thậm chí thấp hơn giai đoạn dịch COVID-19. Nhiều ngân hàng niêm yết mức lãi thấp kỷ lục.

Đến hết tháng 1, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm ngoái.

Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng hiện đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm 2,41% so với cuối năm ngoái, tức giảm 165.189 tỷ đồng trong một tháng, dù trước đó tăng liên tục.

Tính chung, tiền gửi của cả dân cư và khối tổ chức chảy vào hệ thống ngân hàng đến hết tháng 11/2023 đạt gần 13,2 triệu tỷ đồng.

Tiền nhãn rỗi đang chảy vào đâu?

2
Vàng là kênh đầu tư sinh lời trong thời gian gần đây.

Thời điểm cuối năm 2023 đến nay, lãi suất ngân hàng liên tục hạ nhiệt và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Diễn biến này đã tác động đến tâm lý cũng như quyết định của nhà đầu tư khi đứng trước lựa chọn nên rút tiền từ ngân hàng để chuyển sang kênh đầu tư khác nhằm gia tăng lợi nhuận, hay tiếp tục gửi tiết kiệm với lãi suất thấp để đảm bảo an toàn? Và nên lựa chọn kênh đầu tư nào để mang về lợi nhuận tốt nhất và tỉ lệ rủi ro ở mức thấp nhất.

Theo các chuyên gia, việc đầu tư ở lĩnh vực nào phụ thuộc chủ yếu vào khẩu vị rủi ro, tình hình tài chính, kiến thức cũng như kinh nghiệm đầu tư của từng cá nhân.

Gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng nóng và thiết lập kỷ lục mới, qua đó giúp tỉ suất sinh lời của kênh đầu tư này được đánh giá khá cao. Tại các cửa hàng kinh doanh vàng, nhiều cửa hàng chật kín khách giao dịch. Nhiều chuyên gia đánh giá, vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn, đồng thời cũng có thể đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Ngược lại đối với trái phiếu, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế – nhận định, thời gian qua kênh đầu tư này gần như “đóng băng”, các nhà đầu tư chưa quay lại thị trường và có thể sẽ không quay lại thị trường trong năm nay. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy trong ngắn hạn, trái phiếu là kênh đầu tư chưa có “cửa sáng”.

Đối với bất động sản, bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield – cho biết, thị trường Việt Nam đang được hưởng lợi lớn từ các chính sách vĩ mô. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên 36,6 tỉ USD vào năm 2023, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy bởi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và bất động sản.

Dòng vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và phát triển nhà xưởng, nhà kho xây sẵn tại các thành phố lớn và các tỉnh lân cận. Trọng tâm chính vẫn là đất khu công nghiệp nhờ giá cả cạnh tranh và quỹ đất sẵn có. “Vì vậy, bất động sản khu công nghiệp có thể nói là một phân khúc khá “sáng” mà các nhà đầu tư nên xem xét” – bà Trang Bùi nhận định.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích