Để nông dân làm giàu từ các sản phẩm OCOP
Chuyển biến từ OCOP
Nhận thức vai trò, ý nghĩa của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chương trình OCOP theo hướng nâng chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm làng nghề, nông sản.
Lợi thế lớn khi tham gia OCOP, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp An Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) đang có 30ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết, bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hecta rau, củ, quả của nhiều xã trên địa bàn các huyện ở Hà Nội. Mỗi ngày, Hợp tác xã này cung ứng cho thị trường khoảng 10 tấn rau, củ các loại; doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Năm 2019, Hợp tác xã đăng ký 7 sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm su hào, bắp cải, súp lơ, rau muống, cà chua, giá đỗ và đậu phụ.
Mô hình trồng rau an toàn chất lượng cao huyện Thanh Trì. |
Về lĩnh vực này, ông Bùi Văn Bình – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay, Thanh Trì đang có nhiều vùng sản xuất tập trung như trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc, rau an toàn ở xã Yên Mỹ, nuôi thủy sản ở xã Đông Mỹ, lúa chất lượng cao ở xã Vĩnh Quỳnh. Bên cạnh đó, Thanh Trì còn có nhiều làng nghề như bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà), miến dong (xã Hữu Hòa), dệt (xã Tân Triều)… với hàng trăm doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình tham gia. Đây chính là lợi thế để huyện phát triển chương trình OCOP. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 90 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Tại huyện Đan Phượng, cây bưởi tôm vàng đã gắn bó lâu năm và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân xã Hạ Mỗ. Bởi vậy, trong những năm qua, huyện không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng bưởi tôm vàng. Hạ Mỗ là xã đang trong quá trình đô thị hóa, toàn xã có 2 thôn với 10 cụm dân cư nằm trải dài trên 3km. Diện tích đất tự nhiên 377ha với 2.400 hộ dân thì có gần 1.000 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận nông dân đã chuyển đổi sang làm nghề phụ, chế biến nông sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và các ngành nghề khác. Trong đó, đặc biệt có 7 Tổ hội nghề trồng bưởi.
Bên cạnh xã Hạ Mỗ, xã Thượng Mỗ đang là vùng trồng bưởi tôm vàng lớn nhất huyện Đan Phượng với chất lượng thơm ngon nhất. Nhờ chọn được cây trồng có nhiều lợi thế, làm chủ khoa học kỹ thuật nên bà con nông dân của xã Thượng Mỗ có thu nhập khá từ nghề trồng bưởi. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 173ha trồng bưởi, trong đó có 25ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ trồng bưởi tôm vàng mà nhiều hộ nông dân trở nên giàu có, nhiều hộ đã xây được nhà 2 – 3 tầng khang trang. Bưởi tôm vàng là đặc sản và niềm tự hào của người dân Hạ Mỗ, Thượng Mỗ.
Năm 2012, bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Đây là cơ hội để các hộ nhỏ lẻ tập hợp thành tổ chức có quyền lợi chung nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong cơ chế thị trường…
Thực hiện chương trình OCOP, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương với các mô hình nông nghiệp sản xuất sạch, có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: đông trùng hạ thảo, hoa lan, rau củ các loại… Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.
Đến năm 2023, huyện Đan Phượng đã có 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; 75 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm các loại rau, củ, quả, nấm, hoa,… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Trước đó, từ năm 2019 đến năm 2022, huyện Đan Phượng có 97 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP.
Hướng đến phát triển bền vững
Hiệu quả từ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ đang được các chủ thể chú trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Với nỗ lực, quyết tâm cao, tính từ năm 2021 đến hết năm 2023, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.657 sản phẩm.
Năm 2024, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã đăng ký đánh giá, phân hạng thêm 510 sản phẩm. Với kết quả này, Chương trình OCOP của Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đề ra trước một năm.Phú Xuyên là một trong những huyện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất thành phố. Tính từ năm 2021-2023, Phú Xuyên đã có 134 sản phẩm được công nhận OCOP và năm 2024, huyện Phú Xuyên phấn đấu có thêm 40 sản phẩm OCOP.Tương tự, tính từ năm 2021-2023, huyện Ba Vì cũng có 153 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP chủ yếu của huyện là: Sữa tươi và sản phẩm chế biến từ sữa tươi; thịt giò đà điểu; gà đồi, rượu, mật ong…
Theo kế hoạch, năm 2024, Thành phố công nhận 5-10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Bên cạnh đó, thành phố đã phát triển được 105 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Thủ đô hiện có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh (QR code). Tính lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2021-2023 đã đánh giá được 1.657 sản phẩm. Trong năm 2024, các quận, huyện, thị xã tiếp tục đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, nhiều khả năng đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP của Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đề ra trước 1 năm. Theo bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đến hết năm 2023, Thành phố xây dựng được 10 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn 8 huyện: Phú Xuyên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức và quận Hà Đông. |
Đỗ Đạt
Nguồn: Báo lao động thủ đô