Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Bài 4: Các nhà khoa học hiến kế giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt
Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Bài 4: Các nhà khoa học hiến kế giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt
Các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp để ứng phó, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay.
Hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực sông Mê Kông, cơ cấu mùa vụ, trữ nước, chuyển nước từ nơi khác về, thay đổi quy trình hoạt động của thủy điện,… là ý kiến của các nhà khoa học đưa ra nhằm giải quyết căn cơ, bền vững tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hạn hán và xâm nhập mặn (XNM) tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mặc dù có xu thế giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Nhằm xử lý tình trạng này một cách căn cơ, bền vững và đồng bộ, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp để ứng phó, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay.
Cần hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực sông Mê Kông
Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực sông Mekong trên cơ sở Hiệp định Mekong 1995 để cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc phát triển và thịnh vượng chung cho cả khu vực, hoặc bằng các ký kết song phương với từng quốc gia, hay đa phương với cả khu vực.
Đặc biệt quan tâm cùng với Campuchia thiết lập đập trên sông Tông Lê Sáp, chuyển nước lũ vào Biển Hồ trong mùa lũ, và tháo nước vào mùa hạn để Campuchia và Việt Nam cùng sử dụng. Loại đập này vừa có khả năng đóng mở giữ nước và tháo nước Biển Hồ, đồng thời tàu thuyền lớn qua lại dễ dàng, nối Phnôm Pênh với biển Đông, biển Tây qua Việt Nam, hay ngược dòng đến Thái Lan, Lào và Trung Quốc.
Liên quan đến vấn đề này, sáng 23/4, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức họp tham vấn về dự án kênh Funan Techo (Phù Nam – Techo) của Campuchia, và thực hiện thủ tục tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Theo Ủy hội sông Mekong Việt Nam, dự kiến kênh Phù Nam – Techo sẽ được Campuchia khởi công trong năm nay và đưa vào hoạt động năm 2028. Kênh đào dài 180km, rộng 100m, xây dựng 3 âu thuyền, phục vụ tàu tải trọng 1.000 DWT. Kênh nối Phnom Penh với các cảng của Campuchia trên vịnh Thái Lan. Dự án kênh đào này ước kinh phí đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD.
Cụ thể, điểm đầu nối với dòng Bassac (sông Tiền khi vào Việt Nam), gần cảng ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đi qua các tỉnh Kandal, tỉnh Takeo, tỉnh Kampot và kết nối với các cảng ở tỉnh Kep của Campuchia đổ ra vịnh Thái Lan.
Đại diện Ủy hội sông Mekong Việt Nam cho biết, phía Campuchia đã gửi thông báo về việc xây dựng kênh Phù Nam – Techo. Thông báo nêu rằng, sẽ không có tác động đáng kể đến lưu lượng hằng ngày và lưu lượng dòng chảy hằng năm của hệ thống sông Mekong.
Việc xây dựng và vận hành 3 âu thuyền đường thủy sẽ cho phép quản lý và kiểm soát dòng chảy trong kênh một cách hiệu quả. Ngoài ra, các tác động môi trường và xã hội ở mức rất nhỏ trong cả quá trình xây dựng và vận hành có thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Anh Tuấn – giảng viên Bộ môn Tài nguyên Nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Cố vấn Khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng khi dự án hoàn thành sẽ tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, vào mùa mưa, kênh đào này với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ (lũ trên sông Mekong là lũ tràn đồng). Vì thế, đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng: Phía Bắc của kênh diện tích ngập sẽ gia tăng lên, trong khi phần đất phía Nam và vùng trũng tứ giác Long Xuyên sẽ giảm lũ.
Lũ thấp không những ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết như đập Tha La (An Giang), còn làm giảm nguồn cá, phù sa, dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học do chuỗi thức ăn thay đổi một cách đáng kể.
Ông Tuấn cũng dự báo, các cánh đồng và vùng đất ngập nước nổi tiếng như Anlung Pring là nơi bảo tồn Sếu của Campuchia, và vùng đất ngập nước Trà Sư (An Giang), khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Kiên Giang) sẽ giảm lượng nước đáng kể và đe dọa sự tồn tại đặc điểm đa dạng sinh học ở các nơi này. Kể cả những tín hiệu sinh thái có thể bị ảnh hưởng sẽ làm lệch lạc cho các loài di cư hoặc sinh sản theo mùa.
Ngoài ra, việc lấy nước và chuyển nước vào kênh Phù Nam – Techo từ sông Hậu và sông Tiền sẽ giảm lượng nước về Biển Hồ. Bassac và Mekong hiện là hai phân lưu chia nước với Biển Hồ, vì vậy Biển Hồ sẽ phải nhường nước cho kênh Phù Nam – Techo.
Cũng theo ông Tuấn, nước ở vùng trũng tứ giác Long Xuyên giảm, phù sa giảm, sẽ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, và làm trầm trọng nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn mùa khô vùng tây Sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Điều này còn tạo sự thay đổi bất lợi cho môi trường đất ngập nước, tính đa dạng sinh học, sản phẩm du lịch sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bên cạnh đó, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, quy hoạch các tỉnh trong vùng có thể phải điều chỉnh, vì trước đó chưa xét tới có kênh đào này.
Khi có kênh đào Phù Nam, nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ở vùng ven biển Tây Nam sông Hậu có thể nặng nề hơn. Các biện pháp chống sạt lở, lún sụt hiện nay có thể thêm khó khăn. Đặc biệt, thiếu hụt nước ngọt đến ĐBSCL sẽ ảnh hưởng hàng chục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai.
Ông Võ Đức Phong – Phó Chi cục trưởng Chi Cục thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tại thượng lưu Mekong đang phát triển mạnh thủy điện, với dung tích điều tiết ước tính đến năm 2021 khoảng 65 tỷ m³ nước; giai đoạn 2040-2050 có thể lên đến trên 100 tỷ m³. Hệ thống hồ, đập trên sông Mekong đã làm thay đổi quy luật dòng chảy và chế độ nước về ĐBSCL. Cụ thể, kể từ sau năm 2011 đến nay, ĐBSCL chưa xuất hiện trận lũ lớn nào. Tuy Tiền Giang là vùng ngập lũ nông, nhưng hệ quả lũ suy giảm đã, đang tác động đến phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng sinh thái ngập lũ, suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Cùng với đó, xâm nhập mặn mùa khô xuất hiện sớm hơn so với trước đây từ 1-1,5 tháng (tác động lớn đến vụ lúa Đông Xuân – là vụ chính); thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 1-2 tháng so với trước đây, như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020 và cả năm 2023-2024. Tác động của hạn mặn không chỉ ước tính bằng tiền, còn ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội.
Theo ông Phong, Tiền Giang đang đối mặt tình trạng thiếu nguồn nước ngọt trong mùa khô, sạt lở bờ biển và sụt lún.
Ông Phong kiến nghị, các thông tin về xây dựng kênh Phù Nam – Techo cần cung cấp nghiên cứu đánh giá chi tiết về tác động môi trường với Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt trong đồng bằng
Ngay từ tháng 9/2023, Bộ NN&PTNT đã khoanh vùng nguy cơ ảnh hưởng ban đầu do xâm nhập mặn. Theo đó, tổng cộng có khoảng 56.260ha lúa vụ Đông Xuân và 43.300ha cây ăn trái được Bộ NN&PTNT chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Theo đó, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo đẩy sớm thời vụ, hiện đã được thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín (cắt nước), bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn.
Tính đến ngày 6/4/2024, trà lúa Đông xuân vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1.304.301ha/1.488.182ha xuống giống, đạt 87,6%. Diện tích chưa thu hoạch còn khoảng 183.881ha; trong đó, chỉ có khoảng 300ha (Sóc Trăng 250ha, Bến Tre 50ha) có nguy cơ giảm năng suất. Ngoài ra, đã có 43ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng, đây là các diện tích người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn.
Về nước sinh hoạt nông thôn, có 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt tại các tỉnh Tiền Giang 8.800 hộ (các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông), Long An 4.900 hộ (các huyện Cần Đước, Cần Giuộc), Bến Tre 25.000 hộ (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành), Sóc Trăng 6.400 hộ (các huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Ngã Năm), Bạc Liêu 4.900 hộ (các huyện Hòa Bình, Đông Hải, Hồng Dân, Vĩnh Lợi), Kiên Giang 20.000 hộ (các huyện Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh) và Cà Mau 3.900 hộ (các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời).
Theo đánh giá của Cục Thủy lợi, thời gian qua, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động tổ chức các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, đến nay thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Toàn bộ diện tích lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển được đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11, kết thúc trong tháng 12/2023. Thông qua bản tin thời tiết nông vụ, sổ tay hướng dẫn trữ nước trong điều kiện xâm nhập mặn do các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT ban hành (Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi), các diện tích cây ăn trái được chủ động tích trữ nước bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Đến nay, toàn bộ diện tích cây trồng được khuyến cáo thuộc vùng ảnh hưởng được bảo vệ an toàn.
Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ bị ảnh hưởng, như hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước (Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu); thiết lập các điểm cấp nước công cộng (Tiền Giang 50 điểm cấp nước); tổ chức cấp nước luân phiên (Long An), đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống (Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng); khoan bổ sung giếng khai thác hoặc sử dụng các giếng sẵn có nhưng tạm chưa khai thác (Long An); sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình hợp lý (Bến Tre).
Đối với dự án đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành được Bộ NN&PTNT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công 3 tháng, đưa vào vận hành và khai thác sớm góp phần hỗ trợ ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho vùng diện tích khoảng 12.580 ha và tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 800.000 người dân của tỉnh Tiền Giang.
Các khu vực dân cư bị thiếu nước do nguồn nước dưới đất bị suy giảm, không đủ khả năng cấp theo yêu cầu như khu vực vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc tỉnh Long An, các huyện U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau; nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung bị nhiễm mặn với độ mặn vượt ngưỡng cho phép như các công trình cấp nước các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang; nguồn nước ngọt không đủ cấp do hạn hán như các công trình cấp nước tại các xã Long Cang, Long Định huyện Cần Đước, Long An; và các hộ dân sống phân tán ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng trong thời kỳ bị thiếu nước, xâm nhập mặn ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì 95% nước ở vùng ĐBSCL có từ thượng nguồn. Để không bị phụ thuộc vào nguồn nước từ phía thượng nguồn thì “chúng ta phải chủ động dựa vào nước và biết tích trữ khi nước về”.
“ĐBSCL phải giải quyết thế nào khi mà nguồn nước thượng nguồn sẽ giảm đi. Tôi cho rằng chúng ta phải chủ động dựa vào khí tượng thủy văn, dựa vào thiên nhiên để có phương hướng phát triển. Khi mùa mưa đến, chúng ta phải tập trung khai thác, có thể chuyển vụ, có thể trữ nước. Tức là chúng ta không hoàn toàn phụ thuộc vào nước mà chúng ta phải chủ động dựa vào nước, và nên chia mùa để trồng cấy cho phù hợp. Mặc dù, nguồn nước thượng nguồn rất quan trọng bởi vì đây là nguồn nước rất lớn. Nếu như Lào có làm thủy điện mà xả ra thì cũng chỉ có xuống Việt Nam thì chúng ta phải tranh thủ tận dụng để trữ nước. Nhưng vì chúng ta lệ thuộc vào sông Tiền, sông Hậu lâu nay có nguồn nước phong phú nên ít có giải pháp gì nên khi trên kia xả nước rồi mới bắt đầu sử dụng. Lào xả nước chỉ có về Việt Nam thôi, chúng ta không tận dụng, để trôi ra biển thì hỏng hết”, GS.TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ.
Theo gợi ý của GS.TS Vũ Trọng Hồng thì người dân ĐBSCL nên học cách trữ nước như người dân ở một số vùng núi cao các tỉnh phía Bắc như Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang),…
“Tôi nhớ là trước đây miền Bắc khổ lắm, nhất là miền Trung không có nước, nên hễ có nước là phải tận dụng ngay. Ngành thủy lợi từng hướng dẫn dùng ao hồ chuôm, kênh chứa nước, cái này người dân rất thành thạo. Tôi muốn nói đến một giải pháp mới trong điều kiện thượng nguồn nước cạn thì chúng ta phải làm hồ chứa nhưng đất không còn, đặc biệt ở ĐBSCL đất nông nghiệp là chính. Cho nên các nhà khoa học thủy lợi, các giáo sư đã từng đề xuất làm hồ chứa ở các cửa sông ra biển. Tức là phải quây nó lại và giữ nước ở đấy. Tất nhiên nước chứa ở đó sẽ thành nước lợ không thể dùng để ăn nhưng dù sao nước đó chúng ta vẫn có thể sử dụng cho sản xuất. Còn nước ăn thì ngày xưa đã có hướng dẫn người dân tự có cái hứng nước cất đi. Ở các tỉnh phía Bắc, vùng núi cao, nhất là trên Đồng Văn, Hà Giang, người dân rất khan hiếm nước, nhưng hễ có mưa, có nước là người ta xây bể chứa để tích nước. Mỗi gia đình chỉ cần bể chứa 10 khối là đủ nước sinh hoạt. Tại sao chúng ta không khuyến cáo người dân ở ĐBSCL mà lại cứ đào nước ngầm mãi để mà như hiện nay Cà Mau để nước ngầm sụt lún. Chúng ta phải nhớ rằng Liên hiệp thủy văn đã từng thông báo là chính vì cái chuyện cứ lấy nước ngầm mãi nên túi nước ngọt dưới đất mất dần đi và nước mặn tràn lên. Cho nên cái này phải dứt khoát với dân không được tiếp tục khoan thêm giếng lấy nước ngầm nữa mà bây giờ phải lấy nước mặt bởi vì mùa mưa nước mặt rất nhiều, chúng ta lại để chảy ra biển hết. Phải tạo ra chỗ chứa. Cái này là cục bộ, có thể làm đến tận xã cũng được, không nhất thiết phải Chính phủ cấp đất để sử dụng. Tóm lại là theo tôi, chúng ta phải dùng những phương án kể cả thô sơ nhất nhưng miễn là vẫn đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân và một phần cấp nước cho sản xuất. Ngành khí tượng thủy văn cũng phải tổng kết xem nguồn nước ngọt chúng ta chảy ra biển là bao nhiêu để người dân mới tiếc vì hoài phí như vậy”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.
Chuyển nước từ nơi khác về khắc phục hạn mặn, có khả thi?
ĐBSCL đang ở cao điểm của hạn hán, xâm nhập mặn hằng năm trong đó tỉnh Cà Mau tình trạng thiếu nước ngọt và gây sụt lún là đặc biệt hơn cả. Việc thiếu nước ở Cà Mau, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp là do không có nguồn nước bổ sung, chủ yếu là tích nước mưa trong khi từ đầu năm đến giờ không có mưa, kết hợp nắng nóng kéo dài khiến cho lượng nước tích trữ bốc hơi nhanh, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, gây sụt lún. Giải pháp căn cơ, lâu dài cung cấp nước ngọt cho Cà Mau được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho là phải chuyển nước từ nơi khác về cho địa phương.
“Bởi vì Cà Mau không có nguồn nước nào cả. Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, cân nhắc các giải pháp tổng thể, phù hợp, trong đó có giải pháp xây dựng cống âu thuyền Tắc Thủ để ngăn nước mặn chảy từ Biển Đông vào Cà Mau. Khi cống âu thuyền Tắc Thủ xây dựng xong thì huyện Trần Văn Thời có thể tích trữ được nước ngọt. Mặt khác, xây dựng phương án chuyển nước từ hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé qua sông Chắc Băng; chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau.
Để bảo đảm tính khả thi cho phương diện này, trước mắt, chúng tôi phối hợp với tỉnh Cà Mau sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn để xây dựng cống âu thuyền Tắc Thủ. Giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu để chuyển nước qua sông Chắc Băng từ Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau. Việc chuyển nước từ nơi khác về cho tỉnh, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và thấy hoàn toàn có thể thực hiện được. Như vậy, với yếu tố kỹ thuật đã bảo đảm nhưng vấn đề còn lại là giá thành nước thì cần phải tiếp tục cân nhắc. Bởi khi chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé qua sông Chắc Băng; từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau thì giá thành sẽ cao, vì phải bơm nước. Bởi thế, ngoài các phương án về kỹ thuật, chúng ta cũng cần phải cân nhắc nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở khu vực này sao cho phù hợp, hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Cũng theo ông Hiệp thì tỉnh Bến Tre cũng đề xuất ý tưởng dẫn nước về cho Bến Tre và Tiền Giang nhưng chuyển nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre tại thời điểm này thì chưa thực hiện. Lý do được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra là, về nguồn nước cho khu vực này, dù có thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa nhưng nước sông Đồng Nai cung cấp cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… hiện đang bị thiếu (nước cho các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai hiện thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước/năm). Quy hoạch thủy lợi trong thời gian tới sẽ tính toán các giải pháp dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai.
“Khu vực này còn đang bị thiếu nước thì không thể chuyển nước được. Tiếp đến là đã và đang có những giải pháp khác để cung cấp nước cho Bến Tre. Dự án ODA của Nhật đang triển khai có thể xong trong năm 2024 hoặc sang năm 2025 cơ bản sẽ giải quyết được nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt khu vực Bắc Bến Tre. Riêng đối với khu vực Nam Bến Tre sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để xây dựng cống Vàm Thơm, Vàm Nước Trong. Các cống này khi hoàn thành sẽ cung cấp nước cho khu vực Nam Bến Tre. Như vậy, đối với Bến Tre, chúng ta chưa cần phải nghiên cứu giải pháp chuyển nước từ sông Đồng Nai về”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.
Đề cập đến vấn đề chuyển nước, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng việc đề nghị chuyển nước từ sông Đồng Nai về là đúng. Không chỉ Bến Tre, Tiền Giang mà ngay cả tỉnh Bình Thuận cũng có ý tưởng dẫn nước từ sông Đồng Nai về để không bị mất mấy trăm ha rừng khi làm hồ chứa Ka Pét. Việc chuyển nước đã có trong Luật thủy lợi nhưng tỉnh nào cũng đòi lấy nước sông Đồng Nai thì phải điều chỉnh.
“Tôi đã từng nằm ở sông Đồng Nai những năm 85-86-87 để làm hồ thủy điện Trị An thì sông Đồng Nai mênh mông lắm. Chúng ta đừng nói rằng vì nhiều tỉnh cần nước là không được, chỉ là lấy cùng lúc là không được mà phải chia mùa nước ra để tiến hành. Ngành khí tượng thủy văn phải vào cuộc, đo đếm được lượng mưa mùa khô là bao nhiêu, mùa mưa là bao nhiêu, cung cấp cho các bộ mà cụ thể là Bộ Nông nghiệp để người ta điều chỉnh việc cấp nước cho các tỉnh. Chứ sông Đồng Nai không phải là thượng nguồn. Đó là con sông hoàn toàn độc lập, chảy từ cao nguyên LangBiang (Lâm Đồng) xuống. Cho nên việc đề nghị chuyển nước từ sông Đồng Nai về là đúng nhưng phải có sự điều chỉnh”, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho ý kiến.
Một giải pháp nữa mà GS.TS Vũ Trọng Hồng đưa ra là việc thay đổi quy trình tích nước của thủy điện.
“Chúng ta hiện nay có hàng nghìn thủy điện mà quy trình tích nước của thủy điện nghịch với quy trình tưới nước của nông nghiệp. Vụ Đông Xuân là mùa tốt nhất trong năm của ĐBSCL, không có mưa cần có nước để tưới thì thủy điện lại tích nước còn đến mùa lũ, nước nhiều thì thủy điện lại xả, không xả nhanh là vỡ đập. Theo tôi, Chính phủ nên đặt ra chiến lược quốc gia để có nguồn nước cho các ngành phát triển thì quy trình của thủy điện phải thay đổi. Thay đổi như thế nào thì bây giờ phải đặt ra giải pháp là gì. Phải làm thủy điện tích năng có nghĩa là thủy điện xả xuống bao nhiêu nước lại bơm trở lại để phát điện, vừa có thêm điện vừa kiềm chế được việc xả lũ ra ngoài sông ngòi. Việc làm thủy điện tích năng nhiều nơi đã làm rồi. Chỉ có điều để làm được thủy điện tích năng thì phía dưới phải có một khoảng đất để làm bể chứa. Bơm lên thì dễ lắm vì công nghệ bơm ta mua được nhưng hiện nay Bộ Tài nguyên Môi trường cấp đất rất chặt chẽ. Thủy điện đến đâu chỉ cấp đất đến đó, quá là không được. Muốn có thủy điện tích năng thì phải sửa luật, nếu chúng ta định thay đổi qui trình”, GS.TS Vũ Trọng Hồng chia sẻ.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, Thủy điện tích năng rất có lợi, không chỉ cho nông nghiệp mà có lợi cho rất nhiều ngành khác bởi đó là nguồn điện dự trữ bù vào lượng điện sụt giảm do điện gió mặt trời vào ban đêm không phát được, góp phần ổn định lượng điện cho sản xuất nhất là ngành sản xuất công nghệ bán dẫn.
“Tôi khuyến cáo nên làm thủy điện tích năng để khi điện mặt trời không có thì thủy điện ban đêm phát. Tôi nghĩ rằng nếu như vậy thì chúng ta mới có thể giải quyết được cả hai vấn đề về nước và điện. Chứ như hiện nay thủy điện với quỹ đất được cấp như vậy thì họ chỉ làm được thế thôi, họ vẫn cãi được”, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết.
Vị Giáo sư tuổi ngoài 80 này đưa ra một ví dụ điển hình về Hà Lan – quốc gia thấp hơn mực nước biển nhưng lại là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới
“Hà Lan là quốc gia thấp nhất châu Âu, 26% của nước này nằm bên dưới mực nước biển và 60% dân số đang sống dưới mực nước biển đến 5m nhưng họ vẫn trữ được nước ngọt để sử dụng và trồng cây. Các kỹ sư của quốc gia này là bậc thầy trong lĩnh vực thoát nước các vùng ngập. Họ nghĩ ra phương pháp rút nước mặn ra khỏi đất; dùng nguyên tắc thủy lực để đưa nước ngọt đến chân cây trồng. Bởi vì nước mặn nặng sẽ chìm xuống còn nước ngọt nổi lên. Hoa tuy-líp cần nước ngọt. Bên cạnh những luống hoa tuylip, họ đặt các bể chứa nước mưa sau đó họ tính độ cao để ép nước mặn chìm xuống và nước ngọt vừa đúng đến chân hoa tuylip để cây hoa sống. Một đất nước có hình dáng luôn thay đổi vì ngập mặn, diện tích trồng trọt nhỏ mà người ta còn có những giải pháp để khắc phục và trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Trong khi chúng ta hiện nay ở vùng ĐBSCL lượng mưa rất nhiều để chảy ra biển, phí quá”, GS.TS Vũ Trọng Hồng hóm hỉnh.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, “ngành khí tượng thủy văn cũng nên tổng kết xem nguồn nước ngọt chúng ta chảy ra biển là bao nhiêu để người dân thấy tiếc”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị