Hà Nội giữ nguyên các quận, không sáp nhập quận Hoàn Kiếm
Hà Nội giữ nguyên các quận, không sáp nhập quận Hoàn Kiếm
Hà Nội không sáp nhập quận Hoàn Kiếm, mà vẫn giữ nguyên 30 quận, huyện, thị xã như hiện nay.
Sáng 25-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND TP tháng 4-2024, để xem xét một nội dung theo chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.
Tại phiên họp, tập thể UBND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Theo ông Trần Đình Cảnh – Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội cho biết TP sẽ giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện là 30 đơn vị, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã. Riêng số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp còn 518 đơn vị, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn.
Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội giảm 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã. Ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này, sẽ thực hiện trong đề án xây dựng huyện lên quận trong thời gian tới.
Trước đó, vào cuối tháng 7-2023, tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo nghị quyết 35 của Quốc hội, có 1 quận và 176 xã, phường sẽ thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025.
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập vì quy chiếu theo các tiêu chí theo nghị quyết 35 của Quốc hội, quận này không đủ tiêu chí về diện tích. Theo quy định, mỗi quận phải có diện tích tối thiểu 35km², dân số 150.000 người. Quận Hoàn Kiếm dù đủ tiêu chí về dân số nhưng chỉ đạt 15% chỉ tiêu về diện tích (5,35km2).
Tuy nhiên, trong phương án sắp xếp của UBND TP Hà Nội, TP cho rằng không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm vì nhiều lý do.
Trong đó, quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của TP Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa… gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô…
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, các sở, ngành và quận, huyện, thị xã cần ứng trực, xử lý kịp thời, nhanh gọn, hiệu quả các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
“Không được để xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính” – ông Thanh nói.
Về công tác cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính, chủ tịch Hà Nội yêu cầu thực hiện, vận dụng theo nguyên tắc lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng về công việc theo quy định, không để nảy sinh tâm tư, thiệt thòi đối với đội ngũ cán bộ dôi dư.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị