Nga loại bỏ kháng sinh khỏi danh mục điều trị bệnh hô hấp cấp do virus trong tiêu chuẩn mới
Theo tiêu chuẩn mới, bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus không chỉ cần khám bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm, bác sỹ tim mạch, bác sỹ thần kinh, bác sỹ tai mũi họng và bác sỹ đa khoa mà còn cả bác sỹ sản phụ khoa, bác sỹ huyết học và bác sỹ phổi.
Đáng chú ý, thuốc kháng sinh và corticosteroid đã bị loại khỏi danh sách các loại thuốc điều trị bệnh nặng. Số lượng thuốc cũng giảm từ 61 xuống 33. Danh sách này không bao gồm các loại kháng sinh levofloxacin, cefoperazone hoặc gentamicin nhưng có các loại thuốc kháng virus như kagocel, riamilovir, cũng như ibuprofen và acetaminophen.
Thay vào đó, việc đo nồng độ oxy trong mạch máu được đưa vào danh sách biện pháp trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Chuyên gia vi sinh học chính của Bộ Y tế Nga – Giáo sư Roman Kozlov nhấn mạnh, các loại kháng sinh đều vô tác dụng trong điều trị virus; chúng chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ để chống lại các bệnh do vi khuẩn. Hơn nữa, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể gây ra những rủi ro lớn.
Bác sỹ đa khoa, nhà dược học lâm sàng Andrey Kondrakhin cho biết, sau khi dùng kháng sinh bệnh nhân có thể bị bội nhiễm, khi bất kỳ bệnh hô hấp do virus nào cũng có thể biến chứng thành viêm phổi.
Theo thống kê, gần một nửa (49,1%) người Nga có dùng kháng sinh trong năm 2023, trong đó 72,5% dùng không đúng cách: có thể là uống mà không có đơn bác sĩ hoặc là không uống hết thuốc theo đơn. Một cuộc khảo sát chỉ ra 13% số người được hỏi cho biết họ uống kháng sinh khi bị cảm lạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Sức khỏe Duma quốc gia Nga Sergei Leonov nêu rõ việc sử dụng không kiểm soát kháng sinh đã dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều chủng virus kháng thuốc kháng sinh.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng có những quan điểm tương tự về việc lạm dụng kháng sinh dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh. Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Quốc Hùng – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, năm 2023, bệnh viện ghi nhận năm loại vi khuẩn đa kháng nhiều nhất gồm: A.baumannii; E.coli; S.aureus; K.pneumoniae; P.aeruginosa. Đây là mối đe dọa hàng đầu với người bệnh. Vi khuẩn đa kháng thuốc đang trở thành “đại dịch” âm thầm, nếu không có giải pháp can thiệp phù hợp, người bệnh sẽ đối mặt nguy cơ tử vong hàng loạt vì không còn thuốc chữa.
ThS. BS Lê Thuỳ Dương – Chủ nhiệm Khoa Vi sinh, Bệnh viện Quân y 175 thông tin thêm, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ở bệnh nhân tỷ lệ ngày càng cao.
Tại Bệnh viện Quân y 175, nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ vi khuẩn Acinetobacter kháng nhóm kháng sinh Carbapenem là 60% và chỉ còn nhạy 82% với Colistin, 54% với Minocyclin. Đối với vi khuẩn Klebsiella, có tới 80% số chủng phân lập được kháng Carbapenem, số kháng sinh còn nhạy để lựa chọn cho các chủng này rất ít.
“Các bệnh nhân xuất hiện tình trạng đa kháng không chỉ ở bệnh nhân lớn tuổi, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn bệnh nhân còn rất trẻ”- BS Lê Thuỳ Dương chia sẻ.
Hiện nay, hầu hết cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Các chuyên gia cho rằng, trong tình huống xấu nhất khi xảy ra tình trạng kháng kháng sinh buộc các bác sĩ phải quay trở lại sử dụng một loại kháng sinh rất cũ có tên colistin. Loại kháng sinh này đã ngừng sử dụng trong khoảng gần nửa thế kỷ qua vì độc tính cao, thường gây ra các vấn đề về thận và thần kinh.
Duy Trinh