Để xe máy dưới trời nắng nóng cần lưu ý gì để bảo vệ xe?
Để xe máy dưới trời nắng nóng cần lưu ý gì để bảo vệ xe?
Chạy xe máy trời nắng nóng luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm không chỉ cho người điều khiển mà cho ngay cả chiếc xe. Nhiệt độ cao không chỉ gây ảnh hưởng tới vận hành của xe máy mà còn gây nhiều nguy cơ về cháy nổ, giảm độ bền.
Những tác hại khi để xe máy dưới trời nắng quá lâu
Khác với lớp vỏ xe ô tô, đa phần vỏ ngoài xe máy được làm bằng nhựa nên khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, vỏ xe sẽ bị giòn và dễ vỡ.
Khi thường xuyên đi xe máy dưới trời nắng gắt hoặc để xe tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao, dù đã được sơn phủ nhiều lớp nhưng xe sẽ bị ảnh hưởng như sơn xỉn màu, xấu vỏ và thậm chí một số vị trí còn có khả năng bị yếu và gãy sau một thời gian.
Ảnh minh họa
Khi trời nắng nóng, nhiệt độ mặt đường rất cao, thậm chí có thể lên đến 60 độ C. Mặt đường có nhiệt độ cao ảnh hưởng rất lớn tới tuổi thọ của lốp xe.
Theo đó, khi nhiệt độ tăng, áp suất không khí trong lốp xe cũng tăng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu nhiệt độ tăng 10 độ C thì áp suất lốp sẽ tăng thêm 1PSI. Chỉ một vài PSI gia tăng cũng có thể khiến lốp xe bị bào mòn, thậm chí là bị nổ lốp.
Nhiều người có thói quen để những đồ vật dễ cháy nổ trong cốp xe như bật lửa, diêm, cục sạc pin, lon nước ngọt có ga… Nếu đi xe máy dưới trời nắng nhiều giờ, nhiệt độ trong cốp xe tăng cao có thể sẽ dẫn đến cháy nổ.
Xe máy thường xuyên phải hoạt động trong điều kiện thời tiết với nhiệt độ mặt đường lên đến hơn 50 độ C khiến động cơ hoạt động hết công suất, đặc biệt ở những bộ phận không được vệ sinh thường xuyên.
Khi quá tải nhiệt, động cơ xe sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn và gây hỏng hóc ở nhiều bộ phận từ vách máy cho đến các chi tiết quan trọng như trục khuỷu, piston,…
Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao làm tăng tốc độ phản ứng hóa học và làm bay hơi chất lỏng bên trong ắc-quy. Nhiệt độ khiến chất lỏng bay hơi, thay đổi nồng độ dung dịch, phản ứng diễn ra nhanh và khiến ắc quy “chết” sớm.
Ảnh minh họa
Cách bảo vệ xe máy khi thường xuyên phải phơi nắng gắt
Nếu thường xuyên đi xe máy dưới trời nắng nóng, chủ xe cần tăng cường bảo dưỡng xe thường xuyên. Việc bảo dưỡng xe giúp kịp thời phát hiện và sửa chữa những bất thường của xe như những bộ phận bị nứt, vỡ, rão…, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người cùng lưu thông trên đường, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Khi xe máy bị phơi nắng ngoài trời trong khoảng thời gian dài với nhiệt độ lên tới 39, 40 độ C, nhiều người thường phun nước trực tiếp lên thân xe để hạ nhiệt cho xe. Tuy nhiên, việc phun nước trực tiếp vào xe để hạ nhiệt sẽ khiến xe dễ bị hỏng hóc như nứt vỡ vỏ máy, gây nguy hiểm cho quá trình vận hành.
Di chuyển dưới trời nắng nóng khiến lốp xe biến dạng liên tục, khối không khí bên trong lốp giãn nở, gây nguy cơ nổ lốp nếu bề mặt lốp không tốt. Do đó, cần kiểm tra bề mặt lốp, quá mòn thì nên thay. Bên cạnh đó, săm xe nếu có trên hai miếng vá cũng không nên sử dụng tiếp, dễ nổ. Cuối cùng, không nên bơm lốp quá căng, giữ mức áp suất lốp vừa phải chừa chỗ giãn nở khi nhiệt độ tăng cao.
Ảnh minh họa
Sau mỗi lần di chuyển bằng xe máy dưới trời mưa, đường có bùn lầy, cần nhanh chóng vệ sinh xe. Bởi khi di chuyển trong những điều kiện trên bụi bẩn, đất cát bám chặt vào những khu vực kín của xe khiến ảnh hưởng tới khả năng làm mát của xe trong điều kiện nắng nóng.
Hệ thống chất lỏng trong xe bao gồm dầu động cơ, dầu láp, nước làm mát, dầu phanh… Thay dầu mới để khả năng làm mát tốt hơn, mùa hè nên dùng loại dầu có độ nhớt cao. Dầu láp trên xe ga cũng nên lưu ý theo thứ tự 3 lần thay dầu máy, một lần thay dầu láp. Nước mát mùa hè có thể hết nhanh hơn do đó cần chú ý để bù kịp thời.
Trong trường hợp phải để xe ngoài trời, nên tìm chỗ có bóng râm. Cân nhắc vị trí trong khoảng thời gian đỗ xe và hướng di chuyển của mặt trời để xe được nằm trong bóng râm lâu nhất
Nếu như bắt buộc phải để xe ngoài trời nắng nóng không có cây mát che phủ hãy dùng các vật dụng như báo, khăn, vải, bạt để che cho xe giúp xe tránh được nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khi ở ngoài trời nắng trong thời gian dài.
Tuyệt đối không để các vật dụng dễ gây cháy nổ như: bật lửa, diêm, cục sạc pin, lon nước ngọt có ga…tránh tình trạng cháy nổ