Triển khai Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản
Triển khai Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản
Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cho biết, thực hiện quy định tại Luật Quy hoạch và nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản.
Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp để triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các nguồn lực, gắn kết với các kế hoạch thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác và quy hoạch cấp tỉnh, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực quốc gia.
Theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung Quy hoạch khoáng sản phù hợp chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển hạ tầng có liên quan.
Công tác thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản với mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả lợi ích kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, hài hoà giữa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thành công Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận các ý kiến đóng góp, trao đổi của đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội tại hội nghị. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc phê duyệt các Kế hoạch này nhằm phát triển ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng quốc gia theo hướng hiện đại, xanh, sạch và bền vững. Đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.
Để tổ chức thực hiện thành công các Kế hoạch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, giá khí và các cơ chế gắn hoạt động thăm dò, khai thác… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
Chú trọng xây dựng, triển khai có hiệu quả các Chương trình quốc gia về khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí.
Các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương tăng cường truyền thông về vai trò và tầm quan trọng của năng lượng và khoáng sản; tuyên truyền về nội dung, giải pháp thực hiện quy hoạch và các kế hoạch, tình hình triển khai và các kết quả thực hiện các quy hoạch, kế hoạch tại các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái…/.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị