Cần Thơ: Xuất khẩu gạo vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức
(Xây dựng) – Sáng 26/4, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. |
Tăng cả số lượng và giá trị
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thông tin cho biết, theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan, năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022. Đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD tăng 23,6% so với quý I/2023.
Chưa bao giờ gạo được mùa xuất khẩu như năm 2023. Mặc dù năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức nhưng kết quả bất ngờ là số lượng và giá trị gạo xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,65%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.
Tại thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38,7% tổng lượng xuất khẩu, tương đương xuất khẩu đạt 3,14 triệu tấn. Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo thứ hai của Việt Nam, chiếm 14,5% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tương đương 1,18 triệu tấn, tăng gần 10 lần về lượng so với năm 2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ ba, chiếm trên 11,3% trong tổng lượng xuất khẩu, tương đương 918,3 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.
Không chỉ tăng về số lượng mà giá trị cũng tăng. Chủng loại gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng gia tăng giá trị cho hạt gạo. Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 40% tổng lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 34,2% tổng lượng xuất khẩu; chủng loại gạo nếp đứng thứ ba, chiếm khoảng 8% tổng lượng xuất khẩu.
Kết quả xuất khẩu gạo quý I/2024, tiếp tục tăng trưởng tốt. Tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I/2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 và quý I/2024 đã đạt được những kết quả tích cực.
“Công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu; đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; thực hiện các cam kết quốc tế, bảo đảm xuất khẩu gạo có hiệu quả.
Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày tăng mạnh. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu… với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính, đồng thời tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do…” – Ông Nguyễn Anh Sơn chia sẻ.
Vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức
Mặc dù thời gian qua xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực như vậy nhưng theo Cục Xuất nhập khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Đó là chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc, Indonesia. Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Chi phí sản xuất tăng cao do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong khi giá chào gạo xuất khẩu chưa tăng nhiều. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan, Myanmar, Pakistan. Giá cước vận tải quốc tế vẫn ở mức cao do hoạt động vận tải hàng hóa chịu tác động từ diễn biến địa chính trị khu vực châu Âu và Trung Đông.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi kiến nghị: Cơ quan quản lý chất lượng và các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng, chủ động nắm bắt, nắm vững và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định luật pháp, quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu liên quan đến đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… của Việt Nam cũng như thị trường sở tại.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo Việt tại các thị trường nhập khẩu chính hoặc thị trường mà mình mong muốn, có nhu cầu phát triển, để nâng cao giá trị xuất khẩu, để nâng cao nhận diện thương hiệu và sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường sở tại để xuất khẩu bài bản và bền vững hơn.
Đối với thị trường xuất khẩu tại châu Phi, Trung Đông, mặc dù đây là khu vực thị trường có nhiều tiềm năng, song cũng tiềm ẩn những thách thức và rủi ro. Để tránh, hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo: Tiếp tục duy trì, tận dụng các tập đoàn trung gian đa quốc gia, để đảm bảo cho khâu thanh toán và duy trì thị trường; tích cực liên hệ, trao đổi với các thương vụ trước khi tiến hành các hoạt động giao thương để được tư vấn, cung cấp thêm thông tin về đối tác nhập khẩu.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại Đồng bằng sông Cửu Long. |
Khi giao dịch cần lưu ý các vấn đề về phương thức thanh toán, điều khoản về giao hàng, vận tải, bảo hiểm, điều khoản giải quyết tranh chấp, tăng cường sử dụng các hệ thống thông tin, giám sát container, tàu hàng trực tuyến… để nắm thông tin về tình hình vận chuyển hàng hóa qua biển Đỏ hoặc các tuyến đường vận tải đi qua, gần khu vực có giao tranh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Tiếp nối thành công của năm trước, hoạt động xuất khẩu gạo trong quý I/2024 của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả tích cực (tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước); giá thóc gạo hàng hóa cao hơn so với giá định hướng do Bộ Tài chính công bố, bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Bên cạnh đó, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu năm nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tính đến nay đã đạt khoảng 570 nghìn ha, đạt khoảng 30% diện tích kế hoạch. Trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa thì chúng ta có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo, đây là thông tin quan trọng, định hướng cho hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, đồng thời dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, khó lường bởi tình hình lạm phát và xung đột địa chính trị toàn cầu” – Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả trong tình hình hình mới, là: Bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, bình ổn thị trường trong nước; đồng thời tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện có thể nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất và kinh doanh, bảo đảm xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Theo dõi sát tình hình thời vụ và diễn biến thị trường thế giới để có kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến, cất trữ, bảo quản và xuất khẩu phù hợp, bảo đảm hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra. Xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với vùng trồng, người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá theo phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình; muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.
Đồng thời, chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, khẳng định và nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế nhất là ở các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.
Nguồn: Báo xây dựng