Lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp trong sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá

Tổng cục TCĐLCL ghi nhận những ý kiến, đóng góp và trả lời thắc mắc của các đại biểu tham dự hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL); ông Nguyễn Hữu Quân – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN; bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy; ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục cùng đại biểu lãnh đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Luật được Quốc hội thông qua năm 2008, trải qua hơn 15 năm thực thi quy định của Luật Chất lượng SPHH và các văn bản hướng dẫn, bên cạnh thành tựu, kết quả đã đạt được, Luật Chất lượng SPHH cũng cần được xem xét, chỉnh sửa để phù hợp tình hình thực tiễn của Việt Nam cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập thực tế.

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Cũng theo ông Hiệp, nội dung sửa đổi Luật CLSPHH tập trung vào 4 chính sách, trong đó chính sách hạ tầng chất lượng quốc gia hướng đến phát triển bền vững giữ vai trò quan trọng nhất. Hạ tầng chất lượng quốc gia không chỉ đơn thuần là thử nghiệm, chứng nhận, công nhận mà còn gắn với hoạt động tiêu chuẩn hóa và đo lường. Luật CLSPHH dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2025. 

Tham luận về các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy cho biết, các chính sách đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH gồm 4 chính sách: Thứ nhất là sửa đổi xác định SPHH nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH; Thứ hai là ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc SPHH; Thứ ba là phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Thứ tư là tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy.

Cũng theo bà Hương, nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH được chia làm 9 nhóm nội dung. Trong nhóm nội dung 7 về quản lý CLSPHH, bà Hương nhấn mạnh: Kiểm tra CLSPHH tại Điều 27 sẽ có một số sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp tình hình thực tiễn. Cụ thể, kiểm tra việc áp dụng yêu cầu quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật (QCKT), tiêu chuẩn liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất (SX) và các biện pháp quản lý nhà nước (QLNN) về chất lượng trong SX; Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH), nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc (TXNG), dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo SP cần kiểm tra theo quy định của pháp luật…

Về trình tự, thủ tục kiểm tra CLHH nhập khẩu tại Điều 35, theo bà Hương sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung: “Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu (NK) trên Cổng thông tin một cửa quốc gia… Người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. 

Cạnh đó, trường hợp hàng hóa NK thuộc nhóm 2 đang được áp dụng biện pháp quản lý dựa trên kết quả tự ĐGSPH, khi lưu thông nếu phát hiện chất lượng không bảo đảm, gây mất an toàn hoặc khi có khiếu nại, tố cáo về hoạt động SX hoặc NK thì áp dụng biện pháp kiểm tra dựa trên KQ ĐGSPH của tính chất được chỉ định đối với hàng hoá NK đó.

Ngoài ra, đối với hàng hóa NK thuộc nhóm 2 có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người NK, sau 03 lần NK liên tiếp, có kết quả ĐGPH QCKT, CQKT có VB xác nhận miễn KTNN về CL trong thời hạn 02 năm” – bà Hương cho biết và nhấn mạnh, những nội dung này sẽ do Chính phủ quy định chi tiết Điều 35 và loại SPHH được miễn kiểm tra khi NK.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại phiên thảo luận.

Cũng tại hội thảo, báo cáo rà soát các văn bản liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật CLSPHH, ông Nghiêm Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy cho biết, đến nay đã rà soát 75 Luật, Bộ luật, trong đó, 56 Luật, Bộ luật có nội dung QPPL về quản lý chất lượng, ĐGSPH, chia làm 9 nhóm bao gồm: Nhóm 1 các luật về dân sự gồm Bộ luật Dân sự; Nhóm 2 các luật về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, xây dựng, nhà ở, công nghiệp gồm Bộ luật hàng hải và 10 luật; Nhóm 4 – luật về khoa học, công nghệ, thông tin gồm 05 luật; Nhóm 5 – các luật về đầu tư, thương mại, phí và lệ phí gồm 06 luật; Nhóm 6 – các luật về quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước gồm 06 luật; Nhóm 7 – các luật về xã hội có 07 luật; Nhóm 8 – các luật về tài nguyên, môi trường có 05 luật; Nhóm 9 – các luật về tư pháp, hợp tác quốc tế có 08 luật. 

Bên cạnh đó, có 19 luật không có nội dung QPPL về chất lượng SPHH, ĐGSPH nhưng có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực chất lượng SPHH, ĐGSPH như: Luật Kiến trúc, Luật phòng, chống thiên tai, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đo lường, Luật Thể dục, thể thao, Luật Du lịch, Luật Điện ảnh, Luật Đất đai, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Quản lý thuế, Luật Đấu giá tài sản, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo,….

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận sôi nổi, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo, chuyên gia, đại diện các Chi cục TĐC và doanh nghiệp. Ban chủ trì hội thảo cũng ghi nhận, giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong sửa đổi Luật CLSPHH.

Kim Thoa

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích