Bắc Giang: Khôi phục bia đá chùa Thổ Hà cần sự phối hợp chặt chẽ
(Xây dựng) – Đó là nhận định của Tiến sỹ Phạm Quốc Quân – nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia sau khi cùng Đoàn công tác của Bảo tàng quốc gia Việt Nam thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng bia đá hơn 300 năm tuổi bị vỡ tại chùa Thổ Hà.
Tiến sỹ Phạm Quốc Quân tiến hành đánh giá hiện trạng tấm bia. |
Việc khôi phục bia đá là một thách thức rất lớn
Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà, huyện Việt Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận tại Công văn số 4672/BVHTTDLDSVH ngày 16/10/2018; Công văn số 2959/BVHTTDL-DSVH ngày 12/8/2020; Công văn số 3468/BVHTTDL-DSVH ngày 18/9/2020. Dự án được khởi công ngày 19/12/2019, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Việt Yên làm chủ đầu tư và giám sát công trình, Công ty Cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt là đơn vị thi công.
Vào 16h30 ngày 8/9/2021, đơn vị thi công đã tổ chức dịch chuyển bia đá (tại vị trí sân phía trước tòa Tam bảo) ra vị trí bảo quản, nhằm tạo mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà.
Để dịch chuyển bia đá, đơn vị thi công đã đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc vào phần thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng (nhằm luồn dây qua phần đế bia để buộc bó toàn bộ bia, trước khi dịch chuyển). Tuy nhiên, khi tiến hành nâng bia lên thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảnh. Sau khi xảy ra sự việc trên, đơn vị thi công đã cho tạm dừng công và báo cáo tới các cơ quan chức năng.
Nhận định đây là một hiện vật có giá trị lớn về văn hóa lịch sử đối với người dân địa phương, UBND huyện Việt Yên đã ngay lập tức vào cuộc lên phương án bảo quản và mời các chuyên gia về khảo sát, đánh giá nhằm đưa ra phương án tối ưu nhất cho việc khôi phục.
Ngày 8/10, nhận được lời mời của UBND huyện Việt Yên, Đoàn công tác của Bảo tàng quốc gia Việt Nam do Tiến sỹ Phạm Quốc Quân – nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia làm trưởng đoàn đã về chùa Thổ Hà khảo sát, đánh giá và lên phương án khôi phục tấm bia đá cổ.
Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, Tiến sỹ Phạm Quốc Quân cho rằng, về mặt quy trình thực hiện, khi hạ giải và giữ lại cấu kiện cũ và bổ sung những cấu kiện mới của đơn vị thi công là đảm bảo các yêu cầu của việc tu bổ tôn tạo. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã chưa đánh giá được hết hiện trạng của tấm bia nên đã dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Việc đánh giá hiện trạng tấm bia được làm hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. |
Về hiện trạng tấm bia, Tiến sỹ Phạm Quốc Quân cho biết, sau khi khảo sát, đoàn công tác nhận thấy rằng tấm bia đã bị vôi hóa rất nặng do đã bị nung và thường xuyên ngập nước vì vậy việc phục hồi sẽ là một thách thức rất lớn bởi đây là hiện vật có khối lượng lớn và nằm ở một hiện trường rất khó thi công.
“Trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh, đặc biệt là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để làm sao làm công việc này được thực hiện nhanh và tốt nhất. Cần có sự tham gia của các nghệ nhân và cần nghiên cứu, tính toán từng bước, phối hợp nhịp nhàng mới có thể hoàn thành và trả lại được giá trị nguyên gốc của tấm bia”, Tiến sỹ Quân nhấn mạnh.
Cũng theo Tiến sỹ Quân, nếu làm không khéo, không tính toán chi li thì rất có thể sẽ một lần nữa xảy ra sự việc đáng tiếc.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm khôi phục tấm bia
Tại buổi làm việc với UBND huyện Việt Yên trong buổi sáng cùng ngày, đại diện cho đoàn công tác, Tiến sỹ Phạm Quốc Quân đánh giá cao việc UBND huyện Việt Yên đầu tư cải tạo, tu bổ chùa Thổ Hà. Mặc dù xảy ra sự việc đáng tiếc nhưng UBND huyện Việt Yên đã có tinh thần cầu thị trong việc tìm biện pháp phục hồi hiện trạng tấm bia đá cổ.
“Tôi đánh giá rất cao sự đầu tư, quan tâm của huyện và ngành Văn hóa Bắc Giang đối với vụ việc này. Sau khi nhận được lời mời, chúng tôi đã cử ngay những cán bộ, chuyên gia có chuyên môn cao và đã có nhiều kinh nghiệm trong việc khôi phục các hiện vật có giá trị về khảo sát, đánh giá và lên phương án”, Tiến sỹ Quân chia sẻ.
Để việc phục bia đá có thể diễn ra sớm và thuận lợi, đại diện đoàn công tác đề nghị UBND huyện Việt Yên và các ban, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, nhân lực, vật lực… đặc biệt trong bối cảnh việc đi lại gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Tại buổi làm việc với đoàn, đại diện cho UBND huyện Việt Yên, ông Thân Văn Thuần – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Việt Yên cho biết: Ngay sau khi nắm bắt vụ việc, UBND huyện đã ngay lập tức yêu cầu các bên liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình thi công công trình để xảy ra sự việc.
Việc giữ lại cấu kiện cũ và bổ sung những cấu kiện mới của là đảm bảo các yêu cầu của việc tu bổ tôn tạo. |
Bên cạnh đó, UBND huyện Việt Yên cũng đã nhanh chóng có công văn gửi Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, đề nghị chủ trì cử các chuyên gia của Bảo tàng tiến hành thực hiện việc khảo sát, đánh giá hiện trạng mức độ hư hại của bia đá Hưng Công chùa Thổ Hà và đưa ra phương án cũng như tiến hành các biện pháp phục hồi khối bia đảm bảo ở mức độ cao nhất.
Về quan điểm của huyện Việt Yên, ông Thân Văn Thuần cho biết: “Quan điểm của huyện là việc khôi phục tấm bia diễn ra càng sớm càng tốt. Để làm được việc đó, chúng tôi hứa sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đoàn công tác”.
Bia đá Hưng Công tại Chùa Thổ Hà thuộc loại bia tứ diện (kích thước: Trán bia cao 78cm; thân bia cao 115cm, rộng 75cm; đế bia cao 5cm, rộng 93cm), tạo bằng chất liệu đá xanh, niên hiệu Vịnh Trị năm thứ 4 (1679); nội dung bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà. |
Nguồn: Báo xây dựng