Bạc Liêu: Dự án 03 trạm quan trắc lãng phí hơn 43 tỷ đồng
(Xây dựng) – Hiện nay, toàn bộ các dự án đã nghiệm thu 3 năm nhưng sử dụng không được, nhiều thiết bị hư hỏng gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 43 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đề nghị chuyển hồ sơ gói thầu của Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) sang Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo đúng pháp luật.
Trạm quan trắc tại Gành Hào xây xong rồi bỏ hoang đến nay. |
Thanh tra tỉnh Bạc Liêu vừa có Kết luận Thanh tra đột xuất dự án xây dựng 3 trạm quan trắc nước mặt tự động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng 3 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động được triển khai xây dựng tại Nhà Mát, Cái Cùng và Gành Hào với các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, đảm bảo tính năng, thông số kỹ thuật theo yêu cầu và phù hợp với đặc trưng khí hậu tại vị trí xây dựng. Thời gian hoàn thành dự án 2017-2018 với vốn đầu tư hơn 50,7 tỷ đồng. Dự án, xây dựng trung tâm điều hành và tiếp nhận xử lý số liệu, thiết lập công cụ quan trắc chất lượng môi trường tự động đối với môi trường nước mặt, các số liệu quan trắc cập nhật liên tục về trung tâm điều hành…
Theo Kết luận Thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ định thầu không đủ năng lực thực hiện. Cụ thể, đơn vị tư vấn thiết kế là Chi nhánh Công ty cổ phần Giao thông công chính không có chứng chỉ năng lực của tổ chức để tham gia hoạt động khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng; đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Giải pháp sinh thái không có chứng chỉ năng lực giám sát của tổ chức để thực hiện tư vấn giám sát. Chủ đầu tư đã lập tổ quản lý dự án nhưng thành viên tham gia không có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận và thanh toán tiền phụ cấp kiêm nhiệm hơn 154 triệu đồng.
Kiểm tra gói thầu số 04 được Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty AIC ký kết Hợp đồng ngày 07/5/2018 với giá trị hơn 39,4 tỷ đồng, nghiệm thu khối lượng và đưa vào sử dụng cuối năm 2019, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu phát hiện hàng loạt sai phạm. Tại tờ khai hàng hóa nhập khẩu trong Hồ sơ quản lý chất lượng thiết bị của Công ty AIC không thể hiện giá trị của từng loại hàng hóa, thiết bị; một số hàng hóa, thiết bị được Công ty AIC mua qua trung gian không có hợp đồng mua bán từ chủ sở hữu, nhà sản xuất. Thanh tra kiểm tra giá trị thực tế nhập khẩu của 25 thiết bị hơn 5,7 tỷ đồng. Thanh tra tiếp tục kiểm tra hiện trạng thiết bị của gói thầu số 04 đối với những phần có thể nhìn thấy như: Số lượng, nhãn mác, xuất xứ, model được thể hiện trên thiết bị và đối chiếu với hồ sơ, tài liệu do chủ đầu tư cung cấp (hồ sơ xuất xứ hàng hóa, hồ sơ chứng nhận chất lượng hàng hóa, hợp đồng, biên bản nghiệm thu); không kiểm tra về cấu hình, các phần bị che khuất bên trong.
Thanh tra xác định, việc tổ chức, triển khai thực hiện gói thầu số 04 có nhiều thiếu sót, vi phạm, cần điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, báo cáo về nội dung thay đổi xuất xứ; thay đổi model, cấu hình thiết bị lấy mẫu nước thải tự động, thiết bị máy chủ, máy tính để bàn, máy tính xách tay với cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, là sai quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 32/2015/ND-CP. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đồng ý thay đổi xuất xứ phương tiện phục vụ quan trắc, lấy mẫu hiện trường, bảo hành, bảo trì nhưng không làm rõ chênh lệch giá. Việc thay đổi thiết bị lấy mẫu nước thải tự động, thiết bị máy chủ, máy tính để bàn, máy tính xách tay chỉ dựa trên 01 báo giá của nhà cung cấp là không đủ cơ sở để xác định giá thiết bị mới bằng đến cao hơn giá thiết bị cũ; không đủ cơ sở để Sở Tài chính thẩm tra trình phê duyệt quyết toán dự án.
Do đó, Công ty AIC cung cấp, lắp đặt một số thiết bị không đúng với hồ sơ đề xuất tài chính, họp đồng; không rõ nhãn mác, xuất xứ; khác so serial máy; khác model, hãng sản xuất với tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường hiện 03 thiết bị đã hư hỏng với số tiền gần 3 tỷ đồng, 19 thiết bị chưa sử dụng với số tiền 8,1 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị tư vấn giám sát Công ty Giải pháp sinh thái sử dụng con dấu chữ ký để đóng trước vào trang Nhật ký thi công, có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ để Công ty AIC nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng hoàn thành; thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát, nghiệm thu khối lượng dẫn đến Công ty AIC cung cấp, lắp đặt một số thiết bị không đúng với hồ sơ đề xuất tài chính, hợp đồng là sai quy định tại điều 122 Luật Xây dựng 2014.
Thanh tra khẳng định, dự án đã nghiệm thu hoàn thành từ tháng 5/2020 cho đến nay đã hư hỏng nhiều thiết bị, không đưa vào vận hành được, các thiết bị đã hết thời gian bảo hành. Nếu sửa chữa sẽ mất nhiều thời gian, chi phí lớn. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định hủy bỏ quyết toán dự án hoàn thành nên không thể bố trí vốn để đầu tư, sửa chữa, tính khả thi của dự án không đạt được so với mục tiêu ban đầu của dự án đã đề ra, không mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội… Những nội dung sai phạm nêu trên có dấu hiệu làm trái các quy định Nhà nước trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư đối với dự án 03 trạm quan trắc, trách nhiệm chính là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những thiếu sót, hạn chế, vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu không đảm bảo điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng; tổ chức giám sát và quản lý chất lượng; tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình; chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng… Đồng thời, chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện dự án để xảy ra những thiếu sót, hạn chế, vi phạm, có dấu hiệu gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước toàn bộ chi phí dự án trên 43 tỷ đồng.
Nguồn: Báo xây dựng