Hà Tĩnh: Chủ động phòng, chống cháy rừng trong cao điểm nắng nóng
(Xây dựng) – Vào mùa hè, thời tiết tại Hà Tĩnh rất khắc nghiệt, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài kèm theo gió phơn Tây Nam, nhiệt độ trung bình có thể lên tới 38 – 40 độ C, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCC) đã được các đơn vị, địa phương triển khai bài bản.
Hà Tĩnh chủ động triển khai sớm các giải pháp PCCC rừng trong cao điểm nắng nóng. |
Hà Tĩnh hiện có 359.785ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên). Trong đó, đất có rừng 337.231ha (rừng tự nhiên 217.327ha; rừng trồng 119.904ha); đất chưa có rừng 22.553ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 là 52,56%.
Diện tích rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn tỉnh lớn, với trên 120.000ha, phân bố trên 12 huyện, thị xã, chủ yếu là rừng trồng thông thuần loài; rừng trồng thông hỗn giao với keo, bạch đàn; rừng trồng keo thuần loài; rừng hỗn giao tre, nứa.
Xác định công tác PCCC rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm ngay từ đầu năm các địa phương, đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai sớm các giải pháp PCCC rừng nên số vụ cháy và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra được hạn chế tối đa.
Lực lượng Kiểm lâm khắp toàn tỉnh Hà Tĩnh đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xem đây là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa cháy rừng; nhất là ở những nơi nắng nóng, diện tích rừng lớn, nhiều rừng dễ cháy như: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh…
Ông Phan Thanh Tùng – Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết: “Toàn tỉnh có 359.366ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 130.000ha rừng dễ cháy (trồng thông, keo, bạch đàn và rừng tự nhiên nghèo kiệt nhiều tre, nứa, lau sậy) ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh… Lực lượng kiểm lâm đã tham mưu, hướng dẫn các địa phương có rừng xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và tổ chức triển khai các hoạt động PCCC rừng nghiêm túc, hiệu quả ngay từ đầu mùa nắng nóng. Ngoài lực lượng tại chỗ của các địa phương, đơn vị cũng đã tham mưu tỉnh phương án huy động 500 người, 16 xe ôtô cùng nhiều dụng cụ, trang bị khác để sẵn sàng cho các đám cháy”.
Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở nên ý thức vào cuộc, tinh thần trách nhiệm trước nguy cơ cháy rừng của người dân đã được nâng lên, nhất là các hộ được giao khoán đất rừng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng, các chủ rừng… thực hiện tuyên truyền các quy định về PCCC rừng trên phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh cơ sở thực hiện hơn 4.000 lượt/40.000 phút; ký kết hơn 74.000 bản với các hộ dân sinh sống gần rừng và học sinh các cấp; tổ chức 180 cuộc họp tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai phương án PCCC rừng với gần 8.000 người tham gia; xây dựng, sửa chữa 320 biển tường, hơn 4.000 biển cấm lửa, 40 biển cấp dự báo cháy rừng…
Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh đã bố trí lực lượng, cơ động, phương tiện, vật tư, túc trực 24/24 giờ ở những vùng rừng dễ cháy. |
Ông Phan Thanh Tùng – Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết: “Theo dự báo, công tác PCCC rừng năm nay tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với các năm trước… Vì vậy, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các biện pháp PCCC rừng đồng bộ, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ ” với tinh thần “phòng là chính”, “chữa kịp thời”.
Đặc biệt, chúng tôi luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về PCCC rừng cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nên đã chủ động phối hợp triển khai sớm, liên tục. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn hành động cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ rừng tốt hơn trong mùa nắng nóng”.
Các em học sinh ký cam kết bảo vệ rừng và PCCC rừng tại trường THCS Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh. |
Huyện Kỳ Anh hiện có trên 50.430ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 66% diện tích tự nhiên; trong đó, có 19.961ha rừng tự nhiên, 27.926ha rừng trồng. Diện tích rừng trọng điểm có nguy bị cơ xâm hại cao tập trung tại các xã: Kỳ Tây, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Trung, Kỳ Tân…
Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án PCCC rừng. |
Đặc điểm rừng Kỳ Anh rất dễ cháy, bởi có thảm thực bì dày, khí hậu khắc nghiệt, mùa nắng nóng kéo dài, nhất là khi nhiệt độ lên cao, lại chịu ảnh hưởng của gió Lào thổi mạnh. Huyện Kỳ Anh đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng, với mục tiêu kiểm soát tốt nhất nguy cơ cháy rừng và hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu cháy xảy ra.
Ngoài việc tăng cường lực lượng phòng chống cháy rừng và tăng cường công tác tuyên truyền, Hạt Kiểm Lâm huyện Kỳ Anh đã tham mưu cho UBND huyện thành lập 20 Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, với 357 thành viên; thành lập 26 tổ đội xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, với 692 người, phối hợp với các xã, các chủ rừng trên địa bàn kiểm tra, đôn đốc hỗ trợ các hộ dân bảo vệ rừng, giữ rừng không bị chặt phá, hạn chế cháy rừng xảy ra. Xử lý dứt điểm, kịp thời và nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về luật bảo vệ và phát triển rừng, đốt rừng làm nương rẫy.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng, Ban chỉ đạo PCCC rừng huyện Kỳ Anh đã đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng đi vào thực chất, hiệu quả; gắn việc thuyết phục đi đôi với tăng cường kỷ cương, trách nhiệm và xử lý vi phạm. Huyện Kỳ Anh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, các chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền PCCC; hướng dẫn đốt xử lý thực bì, phổ biến quy chế PCCC rừng.
Hạt Kiểm lâm phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, các xã nằm trên địa bàn quản lý tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, giao khoán và ký cam kết đến từng hộ gia đình, các nhà trường, các thôn, hộ dân sống ở ven rừng về công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Nhằm bảo vệ tài nguyên rừng, chính quyền và các ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án PCCC rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 20 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân về công tác bảo vệ rừng, tổ chức cho người dân ký cam kết thực hiện tốt các nội quy, quy chế PCCC rừng.
Kết quả đã có 4.880 học sinh của 15 trường học và trên 4 nghìn hộ dân của 120 thôn ký cam kết. Thành lập 26 tổ đội xung kích, có trang bị đầy đủ các phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra…
Huyện Hương Sơn hiện có trên 84.500ha rừng và đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ đạt hơn 73%. Để làm tốt công tác bảo vệ và PCCC rừng, đến nay, toàn huyện đã kiện toàn 32 Ban chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, thành lập 133 tổ trực cháy, tổ xung kích trong công tác bảo vệ và PCCC rừng. Đồng thời đầu tư, mua sắm bổ sung các công trình, các trang thiết bị PCCC rừng, chủ động phương án “4 tại chỗ”. Công tác triển khai các phương án PCCC rừng đã được Hạt Kiểm lâm Hương Sơn tham mưu thực hiện từ rất sớm. Trong đó, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực có rừng, bìa rừng nâng cao nhận thức về công tác PCCC rừng; kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, hộ gia đình xử lý thực bì, củng cố các tổ đội xung kích, tổ tự quản trong công tác bảo vệ và PCCC rừng…
Các hộ dân ký cam kết về nhiệm vụ bảo vệ và PCCC rừng. |
Ông Lê Ngọc Danh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho biết: “Năm nay Hạt Kiểm lâm Hương Sơn tập trung tăng cường lực lượng trực tiếp xuống tận thôn, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác bảo vệ và PCCC rừng, ký cam kết đến 100% hộ dân có rừng, sống ven rừng về nhiệm vụ bảo vệ và PCCC rừng. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát, điều tra các vụ vi phạm bảo vệ và PCCC rừng”.
Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm chỉ đạo các kiểm lâm viên phụ trách địa bàn chủ động bám, nắm địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng trong mùa hanh khô, thông tin cấp dự báo cháy rừng đến tận thôn, các chủ rừng chủ động PCCC rừng. Chủ động các biện pháp PCCC rừng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trong mùa nắng nóng 2024.
Nguồn: Báo xây dựng