Xây dựng Bến Lức trở thành đô thị cửa ngõ, phát triển nhanh và bền vững
(Xây dựng) – Ngày 25/4, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, tỉnh Long An đến năm 2045. Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị. |
Đô thị hạt nhân, kết nối vùng đô thị trung tâm
Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, tỉnh Long An đến năm 2045. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch chung là toàn bộ địa giới hành chính của huyện Bến Lức, 14 xã và 1 thị trấn. Diện tích tự nhiên khoảng 28.785ha.
Về ranh giới, phía Bắc giáp huyện Đức Hòa và huyện Đức Huệ; phía Nam giáp huyện Tân Trụ, Cần Giuộc; phía Đông giáp huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh; phía Tây giáp huyện Thủ Thừa.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng đô thị Bến Lức dựa trên cơ sở cụ thể hóa Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch chuyên ngành gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn quốc gia; Quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia… Phát triển đô thị Bến Lức đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.
Đồng thời, phát triển khu vực này trở thành đô thị thông minh – sinh thái – bản sắc, tiên phong, áp dụng tiến bộ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nâng cấp chất lượng đô thị; khai thác hài hòa, lợi thế sông Vàm Cỏ Đông, tạo lập không gian đô thị xanh, sinh thái gắn với đặc trưng của miền Tây sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bến Lức sẽ là đô thị cửa ngõ phát triển nhanh và bền vững, khai thác tối đa vị trí tiếp giáp trực tiếp với Thành phố Hồ Chí Minh, cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giảm áp lực tăng dân số của Thành phố Hồ Chí Minh; đóng vai trò là động lực quan trọng, lan tỏa, dẫn dắt sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Về tính chất, Bến Lức là đô thị cửa ngõ, trung tâm trung chuyển của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Là đô thị hạt nhân, kết nối vùng đô thị trung tâm theo trục hành lang, kinh tế đô thị và công nghiệp; vùng phát triên công nghiệp, trung tâm thương mại – dịch vụ, trung tâm công nghiệp – công nghệ cao, trung tâm văn hóa – đào tạo – y tế chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định. |
Đây cũng là đô thị thuộc vùng đô thị động lực của tỉnh Long An, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối, vận chuyển hàng hóa giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến năm 2030, dự báo quy mô dân số khoảng 350.000 người. Đến năm 2045 khoảng 650.000 người. Nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 8.000 – 9.000ha; đến năm 2045 khoảng 10.000 – 12.000ha.
Về định hướng phát triển không gian, mô hình và hướng phát triển đô thị phù hợp với quan điểm và mục tiêu phát triển; đề xuất cấu trúc không gian đô thị gắn kết chặt chẽ với tổ chức không gian phát triển công nghiệp, không gian bảo vệ sinh thái nông nghiệp, không gian bảo tồn di tích, không gian ven sông… Dự kiến phạm vi khu vực nội thị, ngoại thị.
Xác định phạm vi, quy mô, định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng khu vực chức năng của đô thị; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo; các khu chuyển đổi chức năng; khu phát triển mới; khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; khu vực có ý nghĩa quan trọng.
Xác định vị trí, quy mô, định hướng và nguyên tắc phát triển đối với hệ thống trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, thể dục thể thao, công viên, cây xanh và không gian mở; trung tâm chuyên ngành cấp đô thị…
Cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bến Lức
Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí cao với nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, tỉnh Long An đến năm 2045. Tuy nhiên, các thành viên cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện.
Địa phương cần làm rõ thêm sự cần thiết phải lập quy hoạch; làm rõ về phạm vi ranh giới toàn huyện; cập nhật các văn bản mới, quy hoạch hệ thống cảng cạn, rà soát về chỉ tiêu sử dụng đất; làm rõ về nhiệm vụ phân kỳ đầu tư; rà soát hiện trạng về đất đai; có giải pháp nông nghiệp đô thị; bổ sung quỹ đất phát triển các công trình văn hóa; làm rõ về mục tiêu quy hoạch; xem xét lại tính chất, vai trò, tổ chức không gian…
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Sơn cho biết: Các đơn vị của tỉnh và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Tỉnh Long An sẽ tích cực phối hợp với tư vấn để hoàn thiện nội dung của Nhiệm vụ quy hoạch.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng nhấn mạnh, hồ sơ Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, tỉnh Long An đến năm 2045 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Để hoàn thiện hồ sơ và dự thảo, tỉnh Long An cần tập trung làm rõ, bổ sung cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý; các căn cứ về quy hoạch ngành quốc gia, khung hạ tầng giao thông; quy hoạch mang tính chiến lược; làm rõ vai trò, đánh giá hiện trạng của khu vực Bến Lức.
Bên cạnh đó, dự báo dân số, đất đai cần phải phù hợp với thực tiễn, số liệu phải sát với định hướng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do đó, tỉnh Long An cần phải đưa ra dự báo phù hợp, xác định chỉ tiêu theo đô thị loại II. Phân tích nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính, mô hình cấu trúc không gian; các vấn đề về thích ứng biến đổi khí hậu, có chỉ tiêu để áp dụng các mô hình phát triển mới phù hợp…
Vụ trưởng Trần Thu Hằng đề nghị UBND tỉnh Long An tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, chỉ đạo đơn vị tư vấn và các đơn vị hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: Báo xây dựng