Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Nhiều dự án, nhà máy cấp nước đầu tư ngoài ngân sách góp phần cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp (Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều (bìa phải) khảo sát thực tế nhà máy nước tại huyện Cần Giuộc)
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) – Phan Văn Cường, nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan đến mọi hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh và sinh hoạt của người dân. Công tác quản lý nhà nước về TNN bảo đảm phù hợp theo Quy hoạch TNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg, ngày 27/12/2022 và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra được tích hợp vào trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 và Quyết định số 1419/QĐ-UBND, ngày 20/4/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục vùng cấm, hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh và các bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất.
Hiện nay, công tác quản lý TNN cơ bản đi vào nề nếp; trình tự, thủ tục cấp phép khai thác, sử dụng được rà soát, cập nhật, công bố công khai, kịp thời. Việc giải quyết hồ sơ cấp phép, hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác TTN phù hợp quy định của pháp luật về TNN hiện hành.
Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở, ngành tỉnh và địa phương liên quan trong việc thẩm định, xác định vùng bảo hộ vệ sinh, nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường,… đối với từng hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng TNN. Khi có giấy phép khai thác, địa phương sẽ cập nhật dữ liệu vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu TNN của Bộ TN&MT.
Mặt khác, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nguồn TNN. Tỉnh đầu tư, nâng cấp các hệ thống cấp nước trên địa bàn để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN); khuyến khích các tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng nguồn TNN mặt hiện có, phát huy tối đa hiệu quả để phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình đóng bít các giếng khoan tại địa bàn các huyện trọng điểm về công nghiệp, nơi có hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm được nguồn nước cả về chất lượng lẫn lưu lượng để duy trì, bảo vệ TNN dưới đất theo quy định.
Hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Thạnh Hóa được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu của người dân
Ông Trần Việt Hùng (ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) nói: “Hệ thống cấp nước tập trung được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nguồn nước sạch, chất lượng nên người dân an tâm sử dụng”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa – Phạm Tùng Chinh, hàng năm, huyện đều có kế hoạch và bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung. Huyện kêu gọi các nguồn lực, vận động người dân lắp đặt, đấu nối vào các tuyến ống cấp nước tập trung. Từ đó, cơ bản giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân cũng như DN. Trong kế hoạch sắp tới, huyện yêu cầu các địa phương chú trọng nâng cấp các hệ thống cấp nước từ hợp vệ sinh thành nước sạch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật nội dung cấp nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người và phát triển KT-XH. Huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước; kêu gọi mọi người sử dụng nước sạch tiết kiệm, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và suy kiệt nguồn nước;…
Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà máy nước ngoài ngân sách được đầu tư, đưa vào hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, DN, góp phần nâng cao công tác quản lý TNN trên địa bàn, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Nước Biwase – Long An, hiện nay, công ty vận hành Nhà máy Nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa), sử dụng 100% nguồn nước mặt, sau đó xử lý và cấp nước sạch với công suất 60.000m3/ngày, đêm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho một số địa phương thông qua các kênh phân phối.
Dự án cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, của tỉnh góp phần phát huy hiệu quả nguồn nước mặt, giữ gìn, bảo vệ nguồn TNN dưới đất trên địa bàn, giảm sụt lún đất, hạn chế xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn, nhất là mùa nắng nóng kéo dài, công ty phối hợp các sở, ngành tỉnh xin chủ trương nâng công suất lên 80.000m3/ngày, đêm để cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, bảo đảm hạ tầng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Văn Cường thông tin: Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, năm 2024, Sở tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật TNN năm 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước, DN và người dân trên địa bàn tỉnh.
Sở tham mưu UBND tỉnh xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất không đăng ký, không có giấy phép, hết hạn giấy phép. Sở phối hợp xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có sử dụng đất công, tiếp tục thực hiện xử lý trám lấp các giếng khoan hư hỏng hoặc không sử dụng.
Sở kiểm kê, đánh giá nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn và tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các DN khai thác TNN lắp đặt thiết bị, kết nối dữ liệu giám sát tự động, trực tuyến đối với công trình khai thác, sử dụng TNN;…/.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị