Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong thời gian ngắn nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ sở đào tạo, hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế tại Việt Nam.
Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển của mọi quốc gia và Việt Nam.
Trong số đó, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số; là nền tảng của 3 chuyển đổi mang tính cách mạng là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển tại một số quốc gia. Tuy nhiên do bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khiến xảy ra tình trạng khan hiếm chíp bán dẫn và xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bán dẫn, trong đó Việt Nam được xác định là một trong số ít quốc gia được chú ý.
Đây vừa là cơ hội, song cũng cũng là thách thức của Việt Nam. Bên cạnh các yếu tố lợi thế, Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện khác như về hạ tầng cứng và mềm, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng Chính phủ cho biết trước yêu cầu trên, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động triển khai các công việc để tận dụng xu hướng, trong đó có việc xây dựng Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu trên trong thời gian ngắn nhất.
Trong số đó có tính đến việc tận dụng nền tảng sẵn có của các cơ sở đào tạo; đội ngũ giảng viên; nhân lực công nghệ thông tin, điện tử… để đào tạo bổ sung về công nghệ bán dẫn; đồng thời, hình thành các khoa, viện, phòng nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ bán dẫn; xác định rõ nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp… để cùng nhau tạo đột phá thực hiện, đạt mục tiêu đề ra.
Nguồn: Báo xây dựng