Thanh Oai (Hà Nội): Xã Cự Khê có “làm ngơ” cho hàng loạt nhà xưởng xây dựng không phép?
(Xây dựng) – Hàng loạt nhà xưởng được xây dựng quy mô lớn, nhưng không có giấy phép xây dựng tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Điều đáng nói, những sai phạm này không bị chính quyền địa phương xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Hàng loạt nhà xưởng không phép tại xã Cự Khê. |
Theo phản ánh của bạn đọc tới Báo điện tử Xây dựng, tại khu vực thôn Mỹ và thôn Cầu, xã Cự Khê thời gian qua đã mọc lên hàng loạt công trình nhà xưởng không phép. Các công trình này được xây dựng kiên cố, quy mô lớn, có những căn nhà có diện tích xây dựng lên tới vài trăm m2. Các công trình không phép này được xây dựng lên với mục đích cho thuê làm xưởng sản xuất, kho chứa hàng.
Phản ánh đến Báo điện tử Xây dựng, bạn đọc đặt ra câu hỏi, các nhà xưởng tại xã Cự Khê có được chính quyền địa phương cấp Giấy phép xây dựng hay không? Các nhà xưởng kể trên có đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không? Vì sao, hàng loạt nhà xưởng không phép này ngang nhiên xây dựng quy mô lớn, hoạt động rầm rộ nhưng vẫn không bị chính quyền địa phương xử lý theo đúng quy định của pháp luật? Có hay không việc, chính quyền địa phương “bật xèn xanh” cho các công trình này xây dựng, “làm ngơ” cho các nhà xưởng này tồn tại?
Có những công trình nhà xưởng vẫn đang được triển khai xây dựng.
Hoạt động của các nhà xưởng này liệu có đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy?
Để xác minh, làm rõ những phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Anh Phương – Chủ tịch UBND xã Cự Khê. Tại buổi làm việc, ông Phương khẳng định: Việc xây dựng nhà xưởng, nhà kho ở đấy không phải trên đất nông nghiệp mà là đất ao vườn, đất cha ông để lại.
Khi phóng viên đưa ra câu hỏi, vậy việc xây dựng nhà xưởng trên đất ao, vườn có đúng không? Ông Phương cho biết: Việc xây dựng của người ta là chưa đúng về quy định. Nhưng ở Cự Khê diện tích đất nông nghiệp của người dân bị thu hồi hết. Người dân về tư liệu sản xuất là không còn gì cả, điều kiện hết sức khó khăn. Vì vậy, người dân đã làm kho, xưởng để cho thuê, trang trải thêm cuộc sống. Với góc độ địa phương ở đây, có những gì tạo điều kiện cho bà con được thì mình phải tạo điều kiện.
Phóng viên tiếp tục đề cập đến việc, diện tích đất để xây dựng nhà xưởng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng hay chưa? Ông Phương chia sẻ: Có những gia đình đã chuyển đổi mục đích sử dụng, có những hộ gia đình chưa có điều kiện chuyển đổi. Đất vườn của người ta, cha ông để lại được cấp giấy rồi bây giờ bảo người ta đi chuyển mục đích người ta không chuyển đâu. Người ta không có tiền để người ta chuyển đổi, làm sao bắt người ta được.
Đối với vấn đề phòng cháy chữa cháy, ông Phương cho biết, một năm xã thành lập Đoàn đi kiểm tra 2 lần. Người ta cũng mua sắm một số thiết bị nhưng đơn giản thôi chứ đắt tiền người ta cũng không mua được (?).
Qua nội dung trả lời của lãnh đạo xã Cự Khê, có thể thấy những phản ánh của bạn đọc là có cơ sở. Việc “tạo điều kiện” của chính quyền địa phương phải chăng là một trong những nguyên nhân khiến cho những sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Trước thực trạng này, đề nghị UBND huyện Thanh Oai, UBND Thành phố Hà Nội có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm, tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo xây dựng