Hồn quê theo bước gió mưa
(Xây dựng) – Ngoài trời gió mưa đang vần vũ. Không biết trên những cung đường, còn những ai đang cố gắng gỏi vượt ngàn dặm trở về mảnh đất quê hương? Có hồn quê nào còn lạc bước gió mưa? Xin hãy bình tâm! Cầu mong Trời Đất bình an chở che cho tất cả!
Những ngày cuối thu này, lòng ai cũng trĩu buồn. Những cơn bão đang ầm ì phía khơi xa. Mây ảo não, sầm sì buông những dòng nước mắt tưởng chừng như bất tận. Mưa ngoài trời, mưa trong lòng người khi đại dịch cướp đi trên hai chục ngàn sinh mạng đồng bào Việt, khi những dòng người hồi hương già trẻ, lớn bé xuyên nắng, xuyên mưa, ngược Bắc, xuôi Nam thăm thẳm đường trường. Nỗi đau khiến lòng ta buốt nghẹn, ngôn từ bất lực, nhiều lúc không chịu nổi khi nhìn thấy những hình ảnh xót xa nối tiếp không ngừng ấy…
Không biết bao nhiêu người đã viết về nỗi đau những ngày này. Nước mắt đã đủ đầy để tạo nên những cơn mưa dầm dề, lạnh lẽo, thê thiết suốt mùa thu, mùa đông… Tôi không đủ sức để viết về những nỗi đau ấy. Cũng không muốn lý giải nguyên nhân vì sao hàng triệu người lao động từ bỏ tất cả trở về quê hương, dù có những phụ nữ bụng mang, dạ chửa, có cả các em bé đỏ hỏn mới mở mắt chào đời ít ngày cùng người mẹ bấy bớt cũng buông mình vào gió bụi đường trường… Tôi chỉ muốn nhìn vào dòng người dằng dặc nỗi sầu đau, gánh nặng áo cơm kia để hiểu điều gì ẩn chứa trong những tâm hồn giản dị, tang thương ấy? Sức mạnh nào ngoài đói khát, tiếng gọi quê hương, tiếng gọi bình yên… thúc đẩy họ lên đường? Vẻ đẹp tình người nào, niềm tin nào tiếp sức cho họ trong hành trình gian khổ, xót xa này? Và dường như tôi đã tìm thấy một phần những câu trả lời đầy xúc động.
Biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về tấm lòng của nhân dân các địa phương, của bộ đội, công an, của những nhà từ thiện dành cho bà con hồi hương… Niềm tin mình không bị bỏ rơi, sẽ được giúp đỡ dọc đường của người rời xa đô thành, khu công nghiệp là hiện thực. Không chỉ đồ ăn, thức uống, kinh phí, phương tiện đi dọc đường, mà là bao la tình dành cho người dân cơ nhỡ không quen biết. Bà con khắp các tỉnh từ Nam, Trung đến Bắc, khắp tuyến đường thiên lý, cùng các lực lượng chức năng đã làm hết sức để vơi đi nỗi thống khổ của những di dân trên đường. Đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho tất cả. Tôi càng hiểu vì sao, hai chàng trai Hà Giang, mùng 8 tháng 10 về đến miền núi rừng cực Bắc vẫn chưa hết ngỡ ngàng xúc động, gửi lời cảm ơn ấm áp, chân thành từ đáy lòng với đồng bào miền Nam: Cảm ơn các cô chú ở miền Nam. Cảm ơn cô chú nhiều lắm! Cháu sẽ giữ lại chiếc xe làm kỉ niệm, yêu các cô chú, yêu Đồng Nai, yêu miền Nam và yêu Việt Nam!
Hai anh em Giàng Mí Mua kiệt sức khi định đạp xe đạp cũ về quê nơi Cao nguyên Đá, dọc đường đêm đã được các cô chú địa phương Đồng Nai giúp đỡ, người chạy tìm trợ giúp, người cho chiếc xe máy, người sửa chữa lại kỹ càng, đổ đầy xăng, người chuẩn bị mọi thứ đi đường với lời dặn dò ân cần như với cháu con trong nhà… Tôi tin rằng, với hai chàng trai ấy, khi cuộc sống bình yên trở lại, họ sẽ sẵn sàng vượt hai ngàn cây số vào miền đất hào sảng đã cưu mang họ những ngày tháng khó khăn, để tiếp tục gắn bó, cống hiến với vùng đất thân thương này.
Đêm nay, lướt trên mạng, tôi lại bắt gặp hình ảnh một chàng trai H’Mong khác trên điểm dừng Thanh Liêm, Hà Nam. Một hình ảnh đẹp, đầy xúc động! Sau chặng đường dài hàng ngàn cây số, với dáng vẻ gầy gò, chàng thanh niên dân tộc ấy đã ôm khèn ngân lên những giai điệu của núi rừng quê hương. Cây khèn luôn ở bên anh những ngày tháng lam lũ xa nhà, những ngày dài dịch bệnh đe dọa. Có lẽ đó là tài sản vô giá, là vật bất ly thân trên suốt chặng đường đời anh đã và sẽ đi qua! Không biết mỗi lần dừng nghỉ, anh có lấy khèn ra thổi hồn mình vào đó để thêm sức mạnh cho mình và bạn đường không, hay về đến sát Hà Nội rồi, quê hương như gần thêm phía trước, anh muốn gửi tiếng lòng về với bản làng như để tạ ơn Trời Đất đã chở che, chào mẹ cha rằng con sắp về? Tiếng khèn H’Mông xao xuyến, lắng sâu như nói bao điều mà ngôn từ không nói nổi. Ôi! Những người con xa xứ có phút giây nào nguôi nhớ quê hương!
Ngắm chàng trai ngược Bắc múa khèn, tôi lại nhớ đến hình ảnh một người hồi hương xuôi phía Nam trên chiếc xe đạp cũ khiến tôi rưng lệ. Trên thân hình lam lũ, chiếc xe cà tàng, tài sản anh chẳng có gì ngoài chiếc túi nhỏ xẹp lép và một cây đàn ghi ta. Cây đàn chằng buộc cẩn thận đeo sau tấm lưng gày. Ai biết cây đàn ấy đã an ủi anh bao đêm trường thao thức, đã dìu anh qua bao cơn bĩ cực, đã sẻ chia bao kỉ niệm cuộc đời hay mang cả bóng dáng quê hương! Cây đàn ấy ai mua cho anh? Ba má hay người thương, bạn thân? Là chi chút tháng lương đầu tiên hân hoan hay là kết quả bao tháng ngày còm cõi nhặt nhạnh từng đồng để thực hiện niềm say mê bấy lâu mình ao ước?
Tôi ngắm bức hình mà rơi nước mắt, dù bức hình ấy không có những cặp mắt trong veo trẻ thơ giữa nghịch cảnh đau thương, không phải cảnh gia đình bìu díu con nhỏ trên một chiếc xe xuyên gió, xuyên mưa cùng những con đường nghẹt người di dân thê thiết… Nhìn những hình ảnh người dân lam lũ đói nghèo, bước đường cùng cực vẫn không rời xa cây đàn, vẫn nâng niu giữ gìn hồn cốt cha ông; mang cây khèn, tiếng núi rừng Tây Bắc, âm điệu quê hương vào vùng đất phương Nam, không rời xa nó suốt chặng đường thiên lý, ai dám nói họ là những người dân nông nổi, giản đơn, ngờ nghệch, nghèo dưới đáy! Họ nghèo hay chính chúng ta nghèo? Đất nước mình được sáng tạo, lớn lên từ những bàn tay lam lũ và tài hoa ấy. Cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa, truyền thống cha ông cũng được những tâm hồn dân dã, bình dị mà mạnh mẽ đó giữ gìn, truyền nối bao đời! Như những lá cỏ mảnh mai vẫn bật dậy sau nắng cháy, tuyết sương, những người dân lam lũ, hết thế hệ này đến thế hệ khác, từ cây lúa, hạt ngô, cung đàn đã tạo nên hình hài đất nước và bảo vệ mảnh đất thiêng liêng ấy bằng cả máu xương mình.
Hồn quê luôn trong họ, tiếp thêm sức mạnh cho họ ở mọi bước đường gian khó, luôn nâng bước họ trên khắp nẻo mưu sinh. Và cho dù họ ở nơi đâu, giàu sang hay thiếu thốn, hạnh phúc hay bất hạnh, thành công hay thất bại thì hồn quê ấy vẫn không dễ mất đi, nó thấm vào tận xương tủy, vào dáng đi, điệu nói, cách nhìn, cách nghĩ suốt cuộc đời!
Vậy nên, trên con đường thiên lý trở về quê hương, đói khát là thế mà ta vẫn bắt gặp hình ảnh vài chú thú nuôi làm bạn đường của người lao động cùng khổ. Có lẽ đó là tài sản mang giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất. Những chú chó tận tụy, trung thành quấn quýt bên chủ ngay cả lúc cô đơn, vô vọng nhất, hiểm nguy nhất. Hà cớ gì ta phải cật vấn và bình phẩm tại sao… tại sao… thân ốc với cọc rêu!
Trên hành trình dằng dặc đầy bi kịch này, những đốm sáng lóe lên như thắp thêm niềm tin cho ta vượt qua muôn vàn thử thách thời dịch bệnh. Những tấm lòng nhân hậu, những tâm hồn ấm áp, nghĩa tình, trong trẻo của cả người cho và người nhận, người ở và người về như xua tan bớt những giá băng của cái chêt, sự cô đơn, bất hạnh, lạnh lẽo của cuộc đời đầy bất trắc, vô thường.
Tháng Mười, những cơn bão ngoài kia vẫn đang về nhưng những cơn bão trong lòng người mới thật dữ dội! Mong mưa tạnh, gió tan để bà con bớt khổ, bắt đầu gây dựng lại cuộc sống mới trong trạng thái bình thường mới. Những chuyến tàu xe dọc dài đất nước cũng đã bắt đầu dần lăn bánh trở lại. Mong những cung đường, từ đây, chỉ nối những miền vui! Cầu cho bình yên đến với mọi mảnh đất quê hương Tổ quốc tôi, để tiếng đàn, điệu nhạc ngân lên dưới ánh trăng thanh bình, giữa những mùa vàng no ấm!
Nguồn: Báo xây dựng