Dự thảo Thông tư quy định về Giải thưởng Môi trường Việt Nam

Dự thảo Thông tư quy định về Giải thưởng Môi trường Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Trong đó, Bộ đề xuất tiêu chí xét tặng giải thưởng này.

Dự thảo nêu rõ, trong một lần tổ chức xét tặng không quá 50 giải thưởng cho 03 nhóm đối tượng (tổ chức, cá nhân, cộng đồng) thuộc sáu 06 lĩnh vực tham gia xét tặng (1- Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; 2- Giáo dục, đào tạo, truyền thông; tham vấn, tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; 3- Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; 4- Phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường; khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; 5- Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; 6- Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu).

tm-img-alt
Tiêu chí xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam.

Trong mỗi lần tổ chức xét tặng Giải thưởng, cơ cấu Giải thưởng sẽ do Hội đồng xét chọn Giải thưởng đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.

Tiêu chí và khung thang điểm xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam

Tại dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tiêu chí và khung thang điểm xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam như sau:

Đối với tổ chức, tiêu chí và khung thang điểm xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam như sau:

1- Đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu: tối đa 40 điểm;

2- Tính hiệu quả về kinh tế, xã hội: tối đa 30 điểm;

3- Quy mô và phạm vi ảnh hưởng: tối đa 15 điểm;

4- Tính liên tục và thời gian tác động: tối đa 10 điểm;

5- Lập thành tích về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số: 05 điểm.

Đối với cá nhân và cộng đồng, tiêu chí và khung thang điểm xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam như sau:

1- Đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu: tối đa 40 điểm;

2- Tính hiệu quả về kinh tế, xã hội: tối đa 30 điểm;

3- Tính điển hình và ảnh hưởng đối với cộng đồng: tối đa 15 điểm;

4- Tính sáng tạo: tối đa 10 điểm;

5- Lập thành tích về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số: 05 điểm.

Dự thảo nêu rõ, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi hoặc cơ quan, tổ chức, nhóm cộng đồng hoạt động cộng đồng có tính đặc thù cao được cộng điểm ưu tiên, tối đa là 05 điểm.

Quy trình xét chọn Giải thưởng Môi trường Việt Nam

Theo dự thảo, hồ sơ xét chọn Giải thưởng Môi trường Việt Nam được lập thành 02 bộ, gửi về Cơ quan thường trực Giải thưởng (Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Cơ quan thường trực Giải thưởng có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường yêu cầu tổ chức, cá nhân và cộng đồng bổ sung, hoàn chỉnh trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận hồ sơ.

Cơ quan thường trực Giải thưởng phân loại hồ sơ theo từng lĩnh vực xét tặng Giải thưởng và chuyển tới các thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng chậm nhất là 10 ngày làm việc trước buổi họp đầu tiên của Hội đồng.

Dự thảo nêu rõ, việc xét chọn Giải thưởng được tổ chức qua 02 vòng:

Vòng 1: Hội đồng chia thành các Tiểu ban theo nhóm lĩnh vực xét tặng Giải thưởng; Chủ tịch Hội đồng quyết định việc thành lập các Tiểu ban và phân hồ sơ cho các Tiểu ban. Các thành viên trong Tiểu ban tiếp nhận hồ sơ, tiến hành đánh giá, thảo luận và chấm điểm từng hồ sơ theo tiêu chí quy định.

Sau khi xem xét, đánh giá tổng hợp và tính điểm trung bình đối với từng hồ sơ, các Tiểu ban tổng hợp, lập danh sách các tổ chức, cá nhân có số điểm trung bình đạt từ 70 điểm trở lên để xét tiếp ở vòng 2.

Vòng 2: Hội đồng làm việc tập thể để xem xét từng hồ sơ có số điểm từ 70 điểm trở lên do Ban Thư ký tổng hợp và trình Hội đồng. Các thành viên Hội đồng tiến hành đánh giá, thảo luận và chấm điểm từng hồ sơ theo tiêu chí quy định.

Mức chênh lệch số điểm giữa các thành viên Hội đồng cho cùng một hồ sơ không được quá 20 điểm; trường hợp mức chênh lệch số điểm cho cùng một hồ sơ lớn hơn 20 điểm, Hội đồng tổ chức thảo luận, đánh giá và thông qua phương án tính điểm trung bình bằng hình thức biểu quyết. Sau khi xem xét, đánh giá tổng hợp và tính điểm trung bình đối với từng hồ sơ, Hội đồng lập danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng theo thứ tự từ điểm số cao đến điểm số thấp.

Trên cơ sở danh sách do Hội đồng xét tặng đề xuất, Cơ quan thường trực Giải thưởng phối hợp với Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xác minh, thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định tặng Giải thưởng cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng.

Quyền lợi của tổ chức, cá nhân và cộng đồng được tặng Giải thưởng

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân và cộng đồng được tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam sẽ được trao tặng Giấy chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Biểu trưng của Giải thưởng, tiền thưởng theo quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân và cộng đồng được tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam được tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm đạt giải trên các phương tiện thông tin đại chúng; được khai thác, sử dụng Logo Giải thưởng cho sản phẩm đạt giải kể từ khi được trao Giải thưởng.

Tiền thưởng kèm theo Giải thưởng được áp dụng theo Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 31/2023/TT-BTC ngày 25/5/2023), cụ thể: Tổ chức, cộng đồng được thưởng 20 triệu đồng; cá nhân được thưởng 15 triệu đồng.

Giải thưởng Môi trường Việt Nam là Giải thưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, được tổ chức định kỳ 02 năm một lần nhằm ghi nhận và tôn vinh các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích