Con đường hồi hương đã bớt gian nan
Con đường hồi hương đã bớt gian nan
Hành trình vượt hàng nghìn cây số hồi hương sau đại dịch của những người lao động nghèo đã ngắn lại và ấm áp, an toàn hơn nhờ những người dân Đà Nẵng tốt bụng và hào sảng.
Chuyến hồi hương thế kỷ
Hơn một tuần qua, ai ai cũng xót xa trước cảnh hàng nghìn người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam liên tục về quê sau khi các địa phương này thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Đa số họ là công nhân, thợ hồ, buôn bán tự do… thất nghiệp nhiều tháng do dịch Covid-19 phải vượt hàng nghìn cây số để hồi hương bằng xe máy.
Hàng nghìn người dân từ các tỉnh thành phía Nam về quê bằng xe máy đi qua địa phận Đà Nẵng
Thương cảm trước hành trình đầy gian nan ấy, tại Trạm trung chuyển Hải Vân (Đà Nẵng), suốt 1 tuần nay đã có rất nhiều đội nhóm tình nguyện, hội chữ thập đỏ và các nhà hảo tâm thường xuyên túc trực để hỗ trợ, tiếp sức cho họ.
Chứng kiến cảnh nhiều xe máy của người dân quá cũ kỹ và bị hư hỏng do vượt quãng đường xa, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Đà Nẵng) và nhiều mạnh thường quân cũng đã mua hàng chục xe máy mới để tặng lại cho một số người dân.
Xúc động khi vừa nhận được chiếc xe máy mới, anh Nguyễn Văn Vinh (SN 1984, quê Nghệ An) cho biết, vợ chồng anh lặn lội vào TP.HCM làm nghề lượm ve chai đã được 3 năm nay. Chiếc xe “cà tàng” mà cả gia đình anh làm phương tiện di chuyển từ huyện Bình Chánh (TP.HCM) ra đến Đà Nẵng được mua với giá 2 triệu đồng khi gia đình mới vào Sài Gòn mưu sinh. Sau khi dịch bệnh xảy ra, không thể trụ nổi nơi miền đất hứa nên sáng 7/10, vợ chồng anh cùng con gái 5 tuổi quyết định về lại quê sinh sống.
Anh Vinh rưng rưng nước mắt khi được các mạnh thường quân ở Đà Nẵng tặng chiếc xe máy mới để tiếp tục hành trình về quê
“Tôi không bao giờ nghĩ trong đời mình lại được tặng một chiếc xe máy mới như thế. Đó là gia tài lớn đối với vợ chồng chúng tôi. Không biết nói gì trong lúc này, xin cảm ơn những người dưng xa lạ đã dang tay giúp đỡ tôi trong lúc hoạn nạn này”, anh Vinh rưng rưng nước mắt nói.
Ngay tại Trạm trung chuyển Hải Vân (Đà Nẵng) có 1 phiên chợ 0 đồng do Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn tổ chức. Bà con trên đường về quê ngang qua đây có thể thoải mái lấy những món đồ mình cần thiết như đôi dép, khăn tay, áo ấm, áo mưa, bao tay, mũ bảo hiểm, khẩu trang,…
Chị Lương Thị Thu Trang cho biết, kinh phí thực hiện được chính các thành viên trong nhóm và những người bạn góp lại. Phiên chợ 0 đồng này sẽ mở xuyên suốt cho đến khi không còn người từ miền Nam về nữa.
Ngoài nhóm của chị Trang, còn có hơn 10 hội nhóm từ thiện khác cũng tham gia phục vụ nhiều loại nước uống, bánh kẹo và cơm, súp, mì,… miễn phí cho dòng người hồi hương. Liên đoàn lao động TP. Đà Nẵng cũng tổ chức chương trình “Ngàn lít xăng miễn phí” để phát cho công nhân.
Mỗi hộ gia đình khi dừng chân tại Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ tiền mặt khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng
Không chỉ vậy, trung bình mỗi gia đình dừng chân tại Đà Nẵng cũng được các CLB từ thiện thay nhau hỗ trợ tiền mặt khoảng từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Những sự giúp đỡ thiết thực ấy không chỉ giúp người dân thêm ấm lòng, tiếp thêm sức khỏe và động lực để họ về đến đích sau hành trình dài, mà còn viết nên những câu chuyện đẹp đẽ về sự nhân ái, về nghĩa tình đồng bào đậm sâu…
Con đường hồi hương đã bớt gian nan
Trước những hoàn cảnh đó, nhằm chia sẻ khó khăn với hàng nghìn người dân từ các tỉnh phía Nam hồi hương, chạy xe máy và cả đi bộ ngang qua Đà Nẵng trong khi thời tiết mưa gió, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã gửi văn bản đến các tỉnh, thành giới thiệu nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng và nhóm Bạn thương nhau chở miễn phí người dân rời miền Nam, từ hầm Hải Vân (Đà Nẵng) hồi hương về phía Bắc.
Ngay trong chiều 9/10, những chuyến xe đầu tiên chở người dân từ Trạm trung chuyển hầm Hải Vân (Đà Nẵng) về quê ở các tỉnh phía Bắc do 2 nhóm Bạn thương nhau và Tình nguyện trẻ Đà Nẵng tổ chức đã lăn bánh. Đây là những người dân hồi hương, chạy xe máy từ miền Nam, khi qua Đà Nẵng thì đã nhận được sự hỗ trợ miễn phí của người dân nơi đây.
Những chiếc xe khách chuẩn bị hành trình chở người dân về quê ở các tỉnh phía Bắc miễn phí
Anh Nguyễn Bình Nam, Trưởng nhóm Bạn thương nhau cho biết, không thể kìm lòng được trước cảnh bà con chạy xe máy hàng nghìn km để về quê, đặc biệt có những gia đình quê ở tận Lào Cai, Hà Giang,… mà lại mang theo con nhỏ. Do đó, anh đã nảy sinh ra ý tưởng tổ chức các chuyến xe 0 đồng nhằm giảm bớt gian nan, vất vả cho bà con trên hành trình về quê. Cùng đồng hành với anh Nam, còn có nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng.
“Sau khi huy động được nguồn lực từ các nhà hảo tâm, ban đầu chúng tôi đã thuê 10 xe loại 45 chỗ để chở phụ nữ có thai, trẻ em, người lớn tuổi, người bệnh về quê ở các tỉnh Bắc Trung Bộ”, anh Bình Nam chia sẻ.
Còn những người ở các địa phương từ Nghệ An trở ra sẽ do nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng đảm nhiệm. Theo anh Trần Đình Quốc Khương (40 tuổi, trưởng nhóm), mỗi ngày sẽ có 5 chuyến đưa tất cả bà con có nhu cầu về quê. Tuy nhiên, theo quy định thì xe không đi vào nội địa các tỉnh, do đó chỉ dừng ở điểm cuối là chốt tại Hà Nội để người dân xuống nhận lại tài sản, khai báo y tế và thực hiện cách ly theo quy định của địa phương.
Tại Hà Nội, nhóm cũng đã liên hệ được một hội tình nguyện khác ở ngoài đó để hỗ trợ người dân về các tỉnh khác của phía Bắc. Cùng với đó là xe tải vận chuyển xe máy và hành lý chạy phía sau.
Được biết, hiện 2 nhóm tình nguyện đã có kinh phí cho khoảng hơn 50 chuyến xe khách miễn phí, trong đó Công ty cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) tài trợ 35 chuyến.
Tại điểm đón nhận người dân lên xe khách, tất cả người dân đều được test nhanh miễn phí, những ai có kết quả âm tính với Covid-19 mới được lên xe. Ngoài ra, họ còn được phát đồ bảo hộ nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển.
Trước khi lên xe, mỗi người dân sẽ được test nhanh Covid-19 miễn phí, những người nào âm tính sẽ được lên xe
Trên đường chở vợ và con gái mới 1 tháng tuổi từ Bình Dương về quê ở Nghệ An, anh Lang Đình Dương (26 tuổi) và vợ Lang Thị Giang (21 tuổi), ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) may mắn là những người được mời lên xe về quê.
Anh Dương chia sẻ, anh làm thợ đóng cốt pha tại TP.HCM nhưng đã thất nghiệp hơn 3 tháng nay, còn chị Giang làm công nhân may nhưng nghỉ làm từ khi sinh đến nay. Cầm cự suốt mấy tháng dịch, đến khi trong người không còn đồng nào, hết cách anh Dương đành phải đèo vợ và đứa con mới sinh trên chiếc xe máy cà tàng để về quê.
“Hơn 2 ngày chạy xe máy thật vất vả do con tôi còn quá nhỏ nên vợ chồng tôi bị chậm lại hơn so với mọi người. Khi được biết có nhóm hỗ trợ xe khách về quê miễn phí, vợ chồng tôi vui mừng lắm. Đường về quê của chúng tôi sẽ gần và an toàn hơn nhiều”, anh Dương xúc động nói.
Người dân được mặc đồ bảo hộ ngồi trên xe khách suốt hành trình di chuyển về quê
Cùng chung cảnh ngộ, chị Lê Thị Linh (24 tuổi, quê Điện Biên) mang bầu đã 6 tháng đón lấy tô mì Quảng do Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng mời tại điểm đợi xe. Chị Linh và chồng vào Thủ Đức làm công nhân cho 1 công ty điện tử nhưng 3 tháng thất nghiệp vì dịch khiến số tiền dành dụm suốt 2 năm bám trụ nơi đất khách đã hết sạch, nên dù bầu vượt mặt chị vẫn quyết định về quê.
Chị Linh tâm sự, suốt 2 ngày chạy xe từ Thủ Đức về, trên đường gặp mưa gió, lại bầu bì nên chị mệt lả. Khi đến Đà Nẵng, nghe tin được ô tô đưa ra đến tận Hà Nội, chị mừng rơi nước mắt.
“Bầu bì mà ngồi xe máy suốt mấy trăm cây số khiến 2 chân tôi tê cứng hết, nhưng cũng đành cắn răng chịu chứ không có sự lựa chọn nào khác. Nghĩ lại đoạn đường vượt mưa gió đã qua mà tôi rợn người. Giờ được đi xe khách giường nằm về đến Hà Nội vợ chồng vui lắm, cảm ơn những con người Đà Nẵng tử tế”, chị Linh nói.
Đã trải qua chặng đường dài vất vả, giờ đây hành trình còn lại của họ trên chặng đường về quê sẽ bớt mệt nhọc hơn nhiều. Và có được điều đó chính là nhờ những người con Đà Nẵng tốt bụng và hào sảng.