Tạo thuận lợi để người dân tiếp cận nhà ở xã hội

Áp dụng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất

Để thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Bộ Xây dựng đang soạn thảo các nghị định hướng dẫn, trong đó có nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, với nhiều điểm mới quan trọng, liên quan trực tiếp đến người thuê, mua nhà ở xã hội cũng như doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

Tạo thuận lợi để người dân tiếp cận nhà ở xã hội
Ảnh minh họa: H.P

Trong đó, về hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội, Dự thảo nghị định quy định trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở thì chỉ được áp dụng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi thì chỉ áp dụng một chính sách vay vốn cho cả hộ gia đình.

Đồng thời, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội hằng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay.

VCCI cho rằng, quy định này là khó khả thi vì khách hàng thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội là những người thu nhập thấp, phải vay vốn ưu đãi mua nhà thì khó có điều kiện để gửi tiết kiệm. Vì vậy, cần cân nhắc bỏ quy định này.

Cũng liên quan đến người được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, Dự thảo Nghị định quy định các thông tin của các đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà xã hội sẽ được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng gồm các nội dung như “số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/số định danh cá nhân hoặc thẻ quân nhân”. Theo VCCI, đây là những thông tin cá nhân, việc công khai thông tin này cần được cân nhắc và nên bỏ quy định này.

Tạo thuận lợi hơn cho chủ đầu tư để tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Về đất để phát triển nhà ở xã hội, Mục 1 Chương II Dự thảo Nghị định quy định về các trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, nếu thuộc trường hợp phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư có quỹ đất khác đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đó trong cùng đô thị có dự án đó, thì chủ đầu tư có thể đề xuất bố trí quỹ đất này để thay thế quỹ đất 20% của dự án.

Nếu dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội, nhưng tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, thì chủ đầu tư được đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Để thuận lợi khi triển khai nội dung này, VCCI đề nghị quy định theo hướng chủ đầu tư có thể lựa chọn hoặc sử dụng quỹ đất thay thế, hoặc nộp tiền với giá trị tương đương với dự án thuộc trường hợp phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Về quy định đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, VCCI cho biết, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư nộp 100% tiền sử dụng đất của dự án theo pháp luật về đất đai là hoàn thành nghĩa vụ về nhà ở xã hội. Cơ quan Nhà nước sẽ trích 20% số tiền sử dụng đất của dự án dành để phát triển nhà ở xã hội (giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng cho quỹ đất khác làm nhà ở xã hội hoặc để đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn nhà nước để cho thuê).

Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo Nghị định đang chưa rõ việc nhà đầu tư đã nộp 100% tiền sử dụng đất theo dự án được xem là đã hoàn thành đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất quy định tại Điều 5 Dự thảo, hay là phải đóng thêm 20%? “Nếu hiểu theo nghĩa phải đóng thêm 20%, sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và sẽ ảnh hưởng đến giá thành của nhà ở thương mại”, VCCI cho biết.

Theo Dự thảo Nghị định, nội dung lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là “Phương án kinh doanh các sản phẩm nhà ở xã hội và các sản phẩm khác của dự án”. VCCI cho rằng, thẩm định nội dung này là chưa hợp lý, bởi vì việc bán các sản phẩm nhà ở xã hội phải theo quy định của Dự thảo mà không phải chủ đầu tư tự quyết định và các sản phẩm khác của dự án không thuộc phạm vi thẩm định về sản phẩm nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định, trường hợp dự án có đối tượng là người có công với cách mạng hoặc người khuyết tật thì được ưu tiên mua, thuê mua, thuê nhà nhà ở mà không phải bốc thăm với “tỷ lệ nhất định”. Điều này theo VCCI là chưa rõ tỷ lệ này do chủ thể nào quyết định, căn cứ vào tiêu chí nào, nên cần được quy định rõ để thuận lợi khi áp dụng.

Theo VCCI, Luật Nhà ở 2023 cho phép nhà đầu tư tự tạo lập quỹ đất để xin chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, toàn bộ Mục 1 Chương II Dự thảo Nghị định, quy định về đất để phát triển nhà ở xã hội chưa có quy định về việc nhà đầu tư tự tạo lập quỹ đất. Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung quy định để làm rõ về trường hợp trên, đặc biệt cần làm rõ cách hoàn trả/khấu trừ chi phí mà nhà đầu tư đã chi để tạo lập quỹ đất phục vụ phát triển dự án nhà ở xã hội.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích