Gia Lai: Hạn hán kéo dài nhiều diện tích cây trồng khô héo

Gia Lai: Hạn hán kéo dài nhiều diện tích cây trồng khô héo

Từ đầu năm 2024 đến ngày 10/4/2024, toàn tỉnh Gia Lai ước tính thiệt hại trên 9 tỷ đồng do hạn hán, thiếu nước.

Theo dự báo của đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, tình hình nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra trong hai tháng đến, cùng với đó mực nước trên các lưu vực sông Ba và sông Ayun tiếp tục biến đổi chậm theo xu thế giảm, khả năng xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương tỉnh Gia Lai như: Kbang, Đăk Đoa, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Phú Thiện…

Bên cạnh đó với việc nguồn nước ngầm đang cạn dần nhiều tỉnh Nam Trung Bộ – Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông…cũng sẽ đối diện với tình trạng khô hạn, thiếu nguồn nước tưới, sinh hoạt.

tm-img-alt
Hồ chứa nước tưới nhiều địa phương tỉnh Gia Lai cạn trơ đáy

Thống kê đến giữa tháng 4.2024, toàn tỉnh Gia Lai có tổng diện tích cây trồng của tỉnh bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 275,85 ha, ước giá trị thiệt hại gần 7,3 tỷ đồng. Với dự báo tình hình nắng nóng còn tiếp tục kéo dài tình trạng thiếu nước tưới và thiệt hại từ hạn hán sẽ còn rất lớn.

Để cứu cho những diện tích cây trồng còn lại, nhiều người dân trên các vùng bị khô hạn đang ra sức huy động nhân lực, thiết bị để khoan giếng, đào ao, mở rộng hồ chứa để tìm đủ nguồn nước tưới cứu hàng trăm hecta cây trồng các loại đang khô khát.

Nhằm hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các địa phương, công ty khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, công ty thủy điện An Khê Ka Nat, Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy Lợi 8 đã đưa ra các giải pháp điều tiết, cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán.

Theo số liệu thống kê, trên toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 850.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 410.000 ha đất trồng cây hàng năm và khoảng 440.000 ha đất trồng cây lâu năm. Với diễn biến thời tiết thất thường, nắng nóng kéo dài đã làm nguồn nước trên địa bàn khô cạn, có nơi trơ đáy khiến chính quyền và nhiều bà con nông dân lo lắng, ra sức tìm nguồn nước cứu cây.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích