Đưa sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Thuận đến gần người tiêu dùng

1
Nghi thức cắt băng khai mạc.

Ngày 22/4, tại Quận 1, TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) và Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã phối hợp tổ chức “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024”. Đây là một trong những hoạt động cụ thể hoá chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh với một số địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; trong đó, có tỉnh Bình Thuận.

Ông Trần Phú Lữ – Giám đốc ITPC cho biết, Bình Thuận là địa phương có vị trí “cầu nối” giữa các vùng Đông Nam Bộ – Tây Nguyên – Nam Trung Bộ; nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều thế mạnh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản chất lượng cao, gắn với định hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, có hệ sinh thái phát triển bền vững.

Trong khi TP.Hồ Chí Minh là một thị trường tiêu thụ lớn với trên 10 triệu dân, có hệ thống phân phối phát triển. TP.Hồ Chí Minh còn được biết đến là cửa ngõ kết nối giao thương với quốc tế, một trung tâm sản xuất và xuất khẩu với nhiều doanh nghiệp lớn.

Theo ông Trần Phú Lữ, TP.Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tiềm năng phát triển của tỉnh Bình Thuận và sẵn sàng hỗ trợ, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của địa phương, đặc biệt đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận.

2
Ông Trần Phú Lữ – Giám đốc ITPC, phát biểu tại lễ khai mạc.

Thông qua Chương trình “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” kéo dài từ 22 -28/4/2024, Ban tổ chức sẽ giới thiệu đến các đơn vị phân phối, doanh nghiệp đầu mối chế biến xuất khẩu, đặc biệt người dân TP.Hồ Chí Minh những sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP đặc sắc, tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận.

Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, thông tin: Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt là việc mở rộng thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng tại thị trường lớn như Tp. Hồ Chí Minh.

3
Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, phát biểu tại lễ khai mạc.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 128 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó, có 94 sản phẩm 3 sao, 32 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 60 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Tham gia “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” có 21 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với 188 sản phẩm rất phong phú và đa dạng, từ miền biển, hải đảo đến các vùng đồng bằng, miền núi gắn với lợi thế của tỉnh như: nước mắm, sản phẩm chế biến từ thủy sản, sản phẩm chế biến từ thanh long, sản phẩm từ yến và các sản phẩm chế biến từ nông sản khác.

“Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” là cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp đối tác tại Tp. Hồ Chí Minh nhằm phát triển mở rộng thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

4

Việc kết nối khu vực sản xuất với khu vực thương mại, tiêu thụ sẽ giúp tìm đầu ra ổn định cho nông sản và các sản phẩm chế biến của địa phương; từng bước hình thành chuỗi cung ứng bền vững giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh Bình Thuận với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác”, ông Biện Tấn Tài nhấn mạnh.

Bà Ngô Thị Đoan Phương – Giám đốc Chiến lược kinh doanh nội địa Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Hải Nam chia sẻ: TP.Hồ Chí Minh với quy mô dân số lớn, có sức mua cao đang là thị trường tiêu thụ chủ đạo ở nội địa đối với các sản phẩm của Hải Nam Foods.

Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước đối với quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền đang giúp nhiều sản phẩm địa phương tiếp cận tốt hơn khách hàng, người tiêu dùng ở khu vực thị trường lớn trong nước và cả xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp mong muốn sẽ tiếp tục được hỗ trợ tham gia nhiều hơn các hội chợ triển lãm, chương trình kết nối thương mại nhằm kết nối mạng lưới phân phối, mở rộng thị trường, đẩy mạnh doanh số bán hàng.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích