Đưa Nghị định phát triển và quản lý Cụm công nghiệp vào cuộc sống
(Xây dựng) – Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; đảm bảo quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, kỳ vọng sẽ tháo gỡ những chồng chéo, tạo sự thông thoáng cho công tác quản lý, phát triển.
Tổng diện tích Cụm công nghiệp sau khi mở rộng không vượt quá 75ha |
Cụm công nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa bền vững
Tính đến hết năm 2023 cả nước có 705 Cụm công nghiệp, tổng diện tích 23.400ha đã đi vào hoạt động, chiếm 66,4% số Cụm công nghiệp đã thành lập; thu hút gần 14.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Phần lớn trong Cụm công nghiệp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể.
Tại các Cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy bình quân 65,9%, tạo việc làm cho hơn 666.000 lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương; 216 Cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động (chiếm 30,6% số cụm hoạt động, tăng 37 cụm so với năm 2022). Nhiều Cụm công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong Cụm công nghiệp tự xử lý trước khi xả ra môi trường.
Sự phát triển nhanh chóng của Cụm công nghiệp được các địa phương ghi nhận tầm quan trọng và đóng góp lớn vào sức phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp nông thôn nói riêng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương công tác quản lý phát triển Cụm công nghiệp hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Trong báo cáo về Cụm công nghiệp năm 2023, Bộ Công Thương cũng chỉ ra, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý phát triển Cụm công nghiệp quy định chặt chẽ điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập, mở rộng Cụm công nghiệp cũng quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng Cụm công nghiệp, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt thì không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Việc thực hiện quy định này gặp vướng mắc vì Luật Đầu tư năm 2020 quy định dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp thuộc đối tượng UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đó, các Cụm công nghiệp do đơn vị Nhà nước làm chủ đầu tư đang không thể cho các dự án thứ cấp thuê đất đầu tư trong Cụm công nghiệp theo quy định của Luật Đất đai 2013 (khoản 2 Điều 149).
Hiện tại các địa phương đang gặp khó trong việc xử lý chuyển giao các Cụm công nghiệp do đơn vị Nhà nước làm chủ đầu tư, đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách Nhà nước sang doanh nghiệp làm chủ đầu tư do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Về phương án phát triển Cụm công nghiệp thuộc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030: Tiến độ xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tỉnh (trong đó có phương án phát triển Cụm công nghiệp) tại một số địa phương chậm. Một số địa phương có quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt nhưng danh mục Cụm công nghiệp chưa đầy đủ theo quy định Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68.
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống xử lý môi trường, thu hút đầu tư vào cụm tại một số địa phương chậm, nhất là các Cụm công nghiệp do Nhà nước làm chủ đầu tư và các Cụm công nghiệp thuộc tỉnh, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Cùng đó, tại một số địa phương, như: Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên… vẫn còn có bất cập, hạn chế như: Chưa tổ chức thực hiện đầy du các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phỏng cháy chữa cháy….. trong đầu tư phát triển các Cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tiếp tục tuyên truyền phổ biến Nghị định mới vào thực tiễn
Trước những bất cập trong hiện trạng phát triển Cụm công nghiệp, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý phát triển Cụm công nghiệp (Nghị định số 32) trong đó đưa ra nhiều điểm mới, tạo không gian thoáng hơn cho Cụm công nghiệp phát triển.
Nói về những điểm mới của Nghị định số 32, ông Ngô Quang Trung – Cục Trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cho hay: Để phù hợp với quy định của Luật Đất đai hiện hành (khoản 2 Điều 149) về cơ chế cho thuê đất đầu tư kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp và hiệu quả hoạt động của các Cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng thời gian qua, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp.
Đối với các đơn vị đã được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP tiếp tục hoạt động đến khi có quyết định sắp xếp, xử lý của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
Để phù hợp với Luật Đầu tư, Nghị định số 32 tiếp tục quy định thủ tục thành lập, mở rộng Cụm công nghiệp (trong đó có lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp) và đồng thời giao trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng Cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư.
Tại Nghị định số 32, Chính phủ phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh về tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích tăng không quá 5ha so với quy hoạch được phê duyệt và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch khác trên địa bàn; đồng thời cập nhật nội dung thay đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh tiếp theo.
Giao UBND cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung hoặc bãi bỏ Quyết định thành lập, mở rộng Cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương…
Ông Ngô Quang Trung cũng cho hay, Nghị định số 32 cũng quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của Bộ Công Thương. Trong đó, Bộ xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, các mẫu văn bản, chế độ báo cáo thống kê, cơ sở dữ liệu về quản lý, phát triển Cụm công nghiệp cả nước; có ý kiến đối với phương án phát triển Cụm công nghiệp của các địa phương theo quy định.
Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động phát triển Cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển Cụm công nghiệp.
Ngày mai 23/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển Cụm công nghiệp, đồng thời trình bày dự thảo Thông tư quy định, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 32 tới các Bộ, ban, ngành địa phương. |
Nguồn: Báo xây dựng