Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt

Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt

Đồng bằng sông Cửu Long khát khô giữa mùa hạn – Bài 1: Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang bước vào cao điểm mùa khô, năm nay, do ảnh hưởng của El Nino khiến cho tình hình hạn hán, sụt lún đất, thiếu nước sinh hoạt trở nên trầm trọng. Có nơi, mặc dù là vùng ngọt quanh năm nhưng lại… thiếu nước ngọt khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Nơi thừa, nơi thiếu

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau, mạch nước ngầm phân hóa không đồng nhất: nơi nhiều, nơi ít, thậm chí có những khu vực mặc dù là vùng ngọt nhưng mạch nước ngầm khai thác được chỉ toàn nước phèn mặn, không sử dụng được. Ngược lại, có những khu vực ven biển, nước mặn quanh năm nhưng lại chưa bao giờ thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt.

Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt
Để giải quyết vấn đề thiếu nước uống trong cao điểm mùa khô, UBND xã Khánh Thuận đã lắp đặt bồn chứa nước ngọt để cấp miễn phí cho người dân ấp 21. Ảnh: Trần Khải

Xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc là địa phương ven biển của huyện Ngọc Hiển. Khu vực này thuộc vùng mặn nhưng luôn có nước ngọt để sử dụng quanh năm, kể cả vào cao điểm mùa khô như hiện nay.

Anh Nguyễn Ngọc Hiển (ngụ ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân) cho biết: “Ở xã Tân Ân từ trước đến nay chưa bao giờ người dân thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước dồi dào nên bà con sử dụng rất thoải mái. Mặc dù địa phương là vùng ven biển, xung quanh toàn nước mặn nhưng mạch nước ngầm là nước ngọt. Tôi cũng không hiểu được phân tầng địa chất như thế nào”.

Nói về tình hình nguồn nước sinh hoạt tại địa phương, ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân, cho hay địa phương vẫn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân và không có tình trạng thiếu nước cục bộ do ảnh hưởng của hạn mặn.

Trong khi đó, tại các địa phương như ấp 21, xã Khánh Thuận (huyện U Minh); ấp 18, Thanh Tùng, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) và ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời) người dân lại thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống trầm trọng. Có nơi, người dân khoan giếng nhiều lần với độ sâu hàng trăm mét nhưng vẫn không tìm được mạch ngầm nước ngọt. Nguồn nước ngầm nơi đây hầu hết đã bị nhiễm phèn, mặn nên không sử dụng được.

Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt
Các tuyến kênh trên địa bàn huyện U Minh bị nhiễm phèn nặng. Ảnh: Trần Khải

Để có nước sinh hoạt, đối với những hộ dân có điều kiện đã mua lu, bồn để chứa nước vào mùa mưa để sử dụng dần trong mùa khô. Tuy nhiên, nguồn nước tích trữ có giới hạn nên không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, đặc biệt là vào cao điểm mùa khô như hiện nay. Riêng đối với những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn không có điều kiện mua dụng cụ chứa nước thì bà con đành “chịu trận” hoặc đào ao trữ nước theo cách truyền thống. Tuy nhiên, việc tích trữ này không tận dụng được lâu do nước bốc hơi nhanh vào mùa nắng nóng.

Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt

Toàn huyện U Minh hiện có 513 hộ thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Trong đó, xã Khánh Thuận tập trung nhiều nhất với 215 hộ, kế đó là xã Khánh Lâm với 165 hộ. Đáng chú ý, khu vực này thuộc lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, nước ngọt quanh năm nhưng lại thiếu nước ngọt vào mùa khô.

Ông Đỗ Hoàng Anh, ngụ ấp 21, xã Khánh Thuận chia sẻ: “Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt diễn ra vào mùa khô thường bắt đầu vào khoảng tháng 2. Trước đó, bà con còn sử dụng nước mưa dự trữ. Ở đây, mặc dù là vùng ngọt nhưng khoan giếng thì chỉ toàn nước mặn. Giếng nước nhà tôi khoan được là nước lợ, bị nhiễm phèn nên chỉ phục vụ cho tắm giặt. Còn ăn uống thì gia đình phải mua nước lọc từ nơi khác về sử dụng, khổ lắm, mong mùa mưa mau đến để người dân có nước ngọt sử dụng”.

Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt
Dù khoan được giếng nhưng nguồn nước chỉ lờ lợ, bị nhiễm phèn nên gia đình ông Đỗ Hoàng Anh chỉ phục vụ cho việc tắm giặt. Ảnh: Trần Khải

Tình trạng thiếu nước uống, nước sinh hoạt đối với gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (ngụ ấp 21, xã Khánh Thuận) càng “bi đát” hơn. Căn nhà của bà được dựng cất bằng cây lá địa phương trống trước, hở sau chẳng có thứ gì có giá trị. Theo chính quyền địa phương, bà Nhung thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện mua dụng cụ chứa nước để sử dụng. Để có nước sinh hoạt, bà Nhung phải “chia hơi” nguồn nước bị nhiễm phèn của hộ dân lân cận về sử dụng. Hoàn cảnh gia đình bà Nhung rất khó khăn nên không có điều kiện khoan giếng để lấy nước sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Tần – Bí thư chi bộ ấp 21, xã Khánh Thuận – cho hay, hiện nay, đang bước vào cao điểm mùa khô, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ diễn ra rải rác trên địa bàn ấp. Toàn ấp 21 có 30 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, bà con chủ yếu sống phân tán nên rất khó để đầu tư công trình cấp nước tập trung.

“Đây là vùng ngọt nhưng khoan giếng chỉ toàn nước nhiễm phèn mặn, không sử dụng được. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng đi khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân. Trước đây, tôi nghe cấp trên sẽ đầu tư công trình cấp nước tập trung cho người dân nơi đây sử dụng, nhưng đến giờ vẫn chưa được triển khai.

Vùng ngọt nhưng… thiếu nước ngọt
Do nguồn nước từ giếng khoan bị nhiễm phèn, để sử dụng được người dân phải chờ nước lắng lại. Ảnh: Trần Khải

Ông Phan Văn Nhạn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh, cho biết cái khó của địa phương hiện nay là hầu hết các khu vực thiếu nước sinh hoạt đều khoan giếng không được. Bà con sống phân tán rải rác ven rừng, thưa thớt nên khó khăn trong việc đầu tư công trình cấp nước tập trung.

“Tôi không rõ phân tầng địa chất như thế nào mà vùng ngọt thì khai thác nước ngầm chỉ toàn nước mặn, ngược lại ở vùng mặn thì khoan giếng có nước ngọt, thậm chí, nguồn nước ngọt rất dồi dào”, ông Nhạn nói thêm.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích