Trung Quốc công bố bản đồ địa chất Mặt Trăng có độ phân giải cao
Trung Quốc công bố bản đồ địa chất Mặt Trăng có độ phân giải cao
Trung Quốc hôm qua (21/4) vừa công bố tập bản đồ địa chất Mặt Trăng có độ chính xác cao đầu tiên trên thế giới dựa trên các dữ liệu có được trong chương trình thám hiểm Hằng Nga.
Tập bản đồ địa chất có tỷ lệ 1:2,5 triệu, gồm bản đồ địa chất của toàn bộ Mặt Trăng, bản đồ phân bố các loại đá trên Mặt Trăng, bản đồ phác thảo kiến tạo Mặt Trăng và 30 bản đồ địa chất phụ tiêu chuẩn của Mặt Trăng.
Theo thông tin trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), tập bản đồ do Viện sĩ Âu Dương Tự Viễn và nhà nghiên cứu Lưu Kiến Trung của Viện Địa hóa học thuộc CAS dẫn dắt, phối hợp với nhiều nhà khoa học của các trường đại học và viện nghiên cứu biên soạn từ năm 2012.
Viện sĩ Âu Dương Tự Viễn cho biết, hiện nay, nghiên cứu địa chất Mặt Trăng vẫn sử dụng bản đồ được phát triển trong chương trình Apollo của Mỹ, tỷ lệ khoảng 1:5 triệu. Cùng với việc nghiên cứu ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là việc Trung Quốc triển khai Chương trình thám hiểm Mặt Trăng mang tên Hằng Nga, bản đồ địa chất cũ đã không còn đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học và khám phá Mặt Trăng trong tương lai. Do vậy, nhóm nghiên cứu do ông dẫn dắt đã cho ra đời tập bản đồ mới này.
Còn theo nhà nghiên cứu Lưu Kiến Trung, tập bản đồ được vẽ dựa trên sự hiểu biết tổng thể và mang tính quy luật về nguồn gốc và quá trình tiến hóa của Mặt Trăng, cùng các dữ liệu thám hiểm khoa học của chương trình Hằng Nga, đồng thời tham khảo dữ liệu và kết quả nghiên cứu hiện có của trong và ngoài nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố tập bản đồ, ông cũng tiết lộ thêm, cùng với việc thúc đẩy liên tục chương trình Hằng Nga và thu thập được ngày càng nhiều các dữ liệu Mặt Trăng, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch biên soạn bản đồ địa chất Mặt Trăng có độ chính xác cao hơn với tỷ lệ 1:1 triệu từ hai năm trước, đồng thời kết hợp với nhu cầu của chương trình thăm dò Mặt Trăng và nghiên cứu khoa học, đề xuất ý tưởng biên soạn các bản đồ có tỷ lệ 1:10.000 thậm chí 1:5000 đối với các khu vực mục tiêu như khu vực hạ cánh của các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng tiếp theo.
Bên cạnh đó, bản đồ địa chất Sao Hỏa cũng đã được đưa vào kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về quá trình tiến hóa địa chất của Sao Hỏa.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị