Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tài liệu liệt kê tên, hình ảnh và thông tin về mức độ bảo vệ của 264 loài chim hoang dã và di cư cần bảo vệ. Các loài chim trong tài liệu này là những loài có nguy cơ tuyệt chủng, bị nghiêm cấm hoặc hạn chế mua bán (chỉ được kinh doanh, lưu giữ nếu đảm bảo đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp).

Kể từ khi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành vào tháng 5/2022, ENV nhận thấy các cơ quan thực thi pháp luật trên cả nước đã tăng cường đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm về chim hoang dã. Từ tháng 5/2022 đến cuối năm 2023, ENV ghi nhận 179 vụ bắt giữ liên quan đến chim, thu giữ 8.123 cá thể. Theo cơ sở dữ liệu của ENV, nhiều hình phạt nghiêm khắc cũng được áp dụng với các đối tượng vi phạm. Tổng mức phạt hành chính đối với các vi phạm liên quan đến chim trên cả nước là 4.499.975.000 đồng.

tm-img-alt

Gần đây nhất, vào tháng 1/2024, hai thợ săn ở U Minh Thượng đã bị xử phạt lần lượt là 5 năm và 5 năm 6 tháng tù vì hành vi săn bắt trái phép 35 cá thể chim hoang dã tại tỉnh Kiên Giang.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Thật đáng mừng khi nhiều cơ quan thực thi pháp luật trên cả nước đang nỗ lực giải quyết vấn nạn săn bắt và buôn bán chim trái phép. Các vụ thu giữ chim từ chợ, gỡ bỏ bẫy và lưới cũng như bắt giữ và xử phạt đối tượng buôn bán chim trái phép trên mạng đều là những hoạt động thiết yếu trong hành trình vẫn đầy khó khăn phía trước để bảo vệ các loài chim bản địa và chim di cư. ENV kêu gọi các địa phương tích cực đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để chấm dứt hoạt động săn bắt, buôn bán chim trái phép trên địa bàn”.

Hành vi quảng cáo, mua bán các loài chim bản địa và di cư không có nguồn gốc hợp pháp hoặc các bộ phận, sản phẩm của chúng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 400 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.

(Tham khảo: Nghị định 35/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP và Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)

Tài liệu đã được chia sẻ đến các cơ quan thực thi pháp luật cũng như các cửa hàng, chủ cửa hàng chim cảnh với hi vọng đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng để xác định loài được bảo vệ. Bên cạnh đó, nhận thức và sự tham gia của cộng đồng cũng là yếu tố then chốt giúp bảo vệ các loài chim bản địa và di cư ở Việt Nam.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích