Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri huyện Yên Dũng
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri huyện Yên Dũng
Sáng 22/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri huyện Yên Dũng.
Chuẩn bị khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 22/4, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang gồm các đồng chí: Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn; Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri huyện Yên Dũng.
Cùng dự có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện Yên Dũng… và hơn 400 cử tri đại diện các xã, thị trấn và công nhân lao động tại doanh nghiệp (DN), HTX trên địa bàn huyện.
Tại đây, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thi thông báo dự kiến thời gian, nội dung kỳ họp thứ 7. Kỳ họp diễn ra trong 26 ngày và tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6/2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi cũng thông tin một số hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh từ sau kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 7; đồng thời thông báo kết quả trả lời kiến nghị của cử tri Bắc Giang của các bộ, ngành T.Ư, trong đó có nội dung về: Phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản; phòng, chống dịch…
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Lâm, Trưởng thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong cho biết: Nghĩa trang liệt sĩ của xã nhỏ hẹp cần được mở rộng hơn; đất dịch vụ đã hơn 18 năm chưa được giải quyết.
Cử tri các xã Tư Mại, Đồng Phúc, Đồng Việt phản ánh tình trạng khói bụi, mùn đen, ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ Nhà máy nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) xảy ra từ nhiều năm nay; khí, khói ngày càng đậm đặc. Đề nghị sớm có giải pháp khắc phục, trả lại không khí trong lành cho người dân nông thôn.
Mặc dù nhiều địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng rác thải còn xả bừa bãi ra môi trường nhất là bờ ao, ven hồ, bờ ruộng. Bãi chứa, Nhà máy xử lý rác thải, lò đốt trên địa bàn quá tải. Cử tri đề nghị xây dựng thêm nhà máy, bãi xử lý rác thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nhiều cử tri là công nhân phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) tại DN. Đơn cử như có chủ DN lách luật, chấm dứt hợp đồng với người lao động, nhất là người từ 35 tuổi trở lên để tuyển dụng người trẻ hơn, trả phụ cấp thâm niên ít hơn.
Đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động trong các DN; có chế tài với việc lao động lách luật để sa thải người lao động không đúng quy định; có chính sách đào tạo phù hợp với người lao động lớn tuổi để bảo đảm an sinh xã hội.
Nợ BHXH diễn ra phức tạp, người lao động làm trong các DN không được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH theo quy định.
Số trường mầm non công lập ít, công nhân ở tỉnh ngoài đến làm việc không có người trông giữ trẻ, phải gửi tư nhân trông nom, chăm sóc vừa tốn nhiều tiền mà không bảo đảm an toàn, phụ huynh không yên tâm làm việc.
Có cử tri đề nghị tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho người lao động; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đánh nhau, trộm cắp, cờ bạc trong các khu nhà trọ công nhân.
Tại đây, các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng đã trao đổi, làm rõ và tiếp thu các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, UBND huyện.
Cụ thể, về ý kiến của cử tri xã Tiền Phong liên quan đến giải quyết vấn đề đất dịch vụ đã hơn 18 năm chưa thực hiện xong, UBND huyện đã tổng hợp báo cáo và đề nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ có phương án giải quyết. Đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Tiền Phong tiếp tục tuyên truyền để bà con đồng thuận với chủ trương của tỉnh, của huyện, không nên vì chưa làm rõ nội dung đất dịch vụ mà làm ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình dân sinh khác. Nghĩa trang liệt sĩ của xã Tiền Phong nhỏ hẹp, chật chội, UBND huyện tiếp thu ý kiến và có giải pháp trong thời gian tới.
Cử tri có ý kiến về mức giá bồi thường đất thấp, theo ghi nhận thì mức giá bồi thường của tỉnh Bắc Giang chỉ thấp hơn tỉnh Bắc Ninh. Thời gian tới khi Luật Đất đai mới có hiệu lực thì việc điều chỉnh mức bồi thường hỗ trợ sẽ có sự thay đổi.
Về xây dựng khu, nhà máy xử lý rác thải, đồng chí Hoàng Văn Thanh cho biết thời gian này huyện sẽ không đầu tư. Trong khi chờ sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang, trước mắt sẽ bố trí hố chôn lấp rác tạm thời, có bạt đặt phía dưới để chống nước rỉ. Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, toàn bộ rác thải sẽ được đưa đến xử lý tại Nhà máy điện rác ở TP Bắc Giang.
UBND huyện tăng cường chỉ đạo giải quyết dứt điểm trường hợp lấn chiếm đường giao thông nông thôn ở xã Quỳnh Sơn.
Liên quan đến ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, đồng chí Mai Sơn tiếp thu, đề nghị Đoàn ĐBQH hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương phối hợp giám sát, mời báo chí vào cuộc để cùng có hướng giải quyết, bảo đảm môi trường trong lành cho người dân không chỉ phía tỉnh Bắc Giang mà cả tỉnh Hải Dương.
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả, áp lực, thu nhập thấp của giáo viên mầm non, đồng chí Mai Sơn cho biết Bắc Giang đã linh động tuyển cả giáo viên từ tỉnh khác, tiếp tục tham mưu ký hợp đồng với một số giáo viên vừa nghỉ hưu, đã làm việc với các trường đại học để đào tạo, tuyển người về giảng dạy song do nhu cầu lớn hiện vẫn chưa đủ số lượng. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách thu hút tư nhân đầu tư xây dựng trường lớp học mầm non.
Về vấn đề lao động, việc làm, UBND tỉnh thành lập nhiều đoàn công tác để xúc tiến, thu hút lao động từ các tỉnh ngoài đến làm việc tại Bắc Giang.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Tuấn ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị đầy tâm huyết, trách nhiệm của cử tri huyện Yên Dũng. Đồng chí nhấn mạnh: Những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm, trao đổi.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Tuấn cho biết về ô nhiễm môi trường vùng giáp ranh liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Đoàn ĐBQH đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường; sắp tới Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang sẽ đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cùng giám sát nội dung này.
Liên quan đến tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên, từ ngày 1/7 tới sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới, vì vậy sẽ có nhiều thay đổi về chế độ BHXH. Không chỉ là tiền lương mà còn tuổi về hưu đối với giáo viên cũng được Đoàn ĐBQH quan tâm phản ánh.
Kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận liên quan đến Luật Công đoàn, Luật BHXH… Tiếp thu ý kiến các cử tri Yên Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ, làm cơ sở để nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị