Công nghệ mưa nhân tạo: Nguy cơ bất ổn ngoại giao và hậu quả khó lường
Công nghệ mưa nhân tạo: Nguy cơ bất ổn ngoại giao và hậu quả khó lường
Trong bối cảnh lũ lụt nghiêm trọng tại Dubai, một cảnh báo mới được đưa ra về nguy cơ bất ổn ngoại giao và những hậu quả khôn lường của công nghệ gieo mây, gây mưa nhân tạo.
Theo trang Daily Mail (Anh), nhà khí tượng học cấp cao Johan Jaques từ Công ty công nghệ môi trường KISTERS đã cảnh báo về những hậu quả không lường trước khi can thiệp vào các hình thái mưa tự nhiên. Ông Jaques lưu ý rằng việc thay đổi thời tiết không chỉ đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức mà còn có thể gây ra chuỗi sự kiện khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ “bất ổn ngoại giao”.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa phải hứng chịu lượng mưa lớn bất thường, lũ lụt khủng khiếp. Trận mưa lịch sử lớn nhất trong 75 năm qua hôm 16/4 khiến Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gần như bị tê liệt mọi hoạt động, bao gồm cả du lịch với hàng nghìn du khách quốc tế bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Dubai. Dubai chìm trong trận mưa với 142 mm trong 24 giờ, tương đương với lượng mưa trung bình của thành phố này trong một năm.
Sự thay đổi thời tiết bất thường đã làm dấy lên mối lo ngại về công nghệ gieo mây, gây mưa nhân tạo. Các chuyên gia đã đưa ra những quan điểm đáng chú ý về vấn đề này.
Ông Ahmed Habib, nhà khí tượng học tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia (NCM) của UAE, nói với Bloomberg rằng một số hoạt động gieo hạt mây đã được thực hiện vài ngày ở Dubai trước khi lượng mưa chưa từng có xảy ra.
Tuy nhiên, NCM phủ nhận hoạt động này được thực hiện vào ngày 16/4, vài giờ trước cơn bão lớn. Song cơ quan này cho biết hoạt động này được thực hiện hôm 14 và 15/4.
Trong khi đó, các chuyên gia về khí hậu cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Giáo sư Dim Coumou từ Đại học Vrije Amsterdam nói rằng lượng mưa lớn và thời tiết khắc nghiệt ở Dubai có thể liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong khi giáo sư Johan Jaques cảnh báo rằng công nghệ gieo mây có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước và đặt ra nguy cơ cho bất ổn ngoại giao.
“Lũ lụt ở Dubai đóng vai trò như một lời cảnh báo rõ ràng về những hậu quả không lường trước được mà chúng ta có thể gây ra khi sử dụng công nghệ này để thay đổi thời tiết. Ngoài ra, chúng ta có rất ít quyền kiểm soát hậu quả của công nghệ gieo hạt mây. Không rõ chính xác trời sẽ mưa ở đâu? Sử dụng các kỹ thuật như gieo hạt mây để tạo lượng mưa cần thiết cho một khu vực có thể gây ra lũ quét và hạn hán ở khu vực khác”, ông nói.
Các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và công nghệ can thiệp vào thời tiết đang thu hút sự quan tâm của dư luận toàn cầu, và sự kiện tại Dubai là một lời cảnh báo rõ ràng về những nguy cơ và hậu quả của việc thay đổi môi trường tự nhiên.
Công nghệ gieo mây là phương pháp can thiệp vào thời tiết được sử dụng từ những năm 1940. Khi đó, các máy bay được trang bị pháo sáng chuyên dụng sẽ phóng muối vào các đám mây để gây mưa. Được biết, UAE đã sử dụng phương pháp này kể từ những năm 1990. Tuy nhiên giới chức UAE đã phủ nhận việc tạo mưa nhân tạo liên quan đến trận lũ hôm 16/4 vừa qua.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị