“Sứ giả” miền biên viễn
Lát gạch lối đi đậm tình hữu nghị
Dòng Nậm Phiệt như dải lụa xanh uốn lượn theo chân từng bản làng dọc Quốc lộ 48. Cuối thu, nước sông càng trong xanh như phả ánh lên ngôi nhà sàn nằm sát chân cầu Nậm Piệt. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ấy là một người đàn ông tuổi thất thập, dáng vóc mảnh khảnh với nụ cười hiền hậu. Mắt hướng về phía dãy núi trước mặt là biên giới giữa ta và bạn Lào, ông là Lương Minh Hồng.
Là người con của dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Nậm Piệt. Năm 1969, khi Lương Minh Hồng 17 tuổi, anh lên đường vào Nam chiến đấu. Đất nước thống nhất, anh phục vụ trong quân đội nhiều năm, sau đó, rời quân ngũ trở về lại bản xưa nơi sinh thành và dưỡng dục.
Ông Lương Minh Hồng tự hào về những ngày tháng làm công tác vận động quần chúng bảo về chủ quyền biên giới |
Những năm tháng chiến đấu trong chiến trường, đã rèn đúc cho ông bản lĩnh trước khó khăn vất vả cuộc sống quê hương. Ông bắt tay vào làm nương rẫy và tham gia công tác của bản. Năm 1986, ông làm Trưởng bản Mường Piệt.
Năm 1995, tỉnh Nghệ An có chủ trương giao cho người dân vùng biên phối hợp với lực lượng biên phòng để bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc. Bản Mường Piệt được giao hơn 10km đường biên và 4 cột mốc.
Mường Piệt chung đường biên với bản Tẩu, xã Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Trước đây, mặc dù đã qua lại trao đổi nông sản và thăm thân nhưng vẫn còn tồn tại một số mâu thuẫn phát sinh giữa bà con 2 bên.
Tình trạng xâm canh trong sản xuất nông nghiệp, trâu bò không may đi vào đất hoặc phá cây cối liền bị bắt nhốt, phải chuộc về,… Đặc biệt, không ít kẻ xấu lợi dụng địa hình biên giới vận chuyển ma túy, nhập cảnh trái phép,… Những hiện tượng trên diễn ra, khiến Trưởng bản Lương Minh Hồng thêm trăn trở.
Căn phòng “truyền thống” của ông Hồng nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương, giấy khen của Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chính quyền các cấp khen tặng |
Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông nhớ trước đây, lúc giao ban của chính quyền xã Thông Thụ và xã Viêng Phăn, ông đã làm quen với Bí thư kiêm Trưởng bản Tẩu là Thong Ly (người trước đó đã từng làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Viêng Phăn), Thong Ly là người có uy tín rất cao đối với bà con ở bên bạn. Với ông, Thong Ly chính là “chìa khóa” mở cánh cổng để giao lưu nhân dân giữa Mường Piệt và bản Tẩu tiến tới dẹp bỏ những tồn tại giữa 2 bản lâu nay.
Một ngày đầu năm 1996, ông xin phép Chính quyền xã và Bộ đội Biên phòng sang gặp Thong Ly để kết nối “bang giao”. Hành trình làm “sứ giả” của dân bản bắt đầu từ 7 giờ sáng đi bộ đến 5 giờ chiều mới sang đến bản Tẩu. Đến nơi, nghe tin Thong Ly bị đau đang nằm bệnh viện huyện Sầm Tớ, một lần nữa ông phải đi đò máy ngược dòng đến bệnh viện để “hội kiến” cùng Thong Ly.
Tại nơi điều trị, ông Thong Ly và ông sau một giờ “hội đàm” đã đồng thuận ý tưởng kết nghĩa bản Tẩu với bản Mường Piệt.
“Từ đó, quan hệ giữ 2 bản bước sang trang mới. Bà con 2 bản không còn cảnh xâm canh ruộng nương, trâu bò lỡ ăn cây cối bên bạn cũng chỉ bắt nhốt rồi nhắn người sang dắt về không còn phải chuộc tiền như trước”- ông Hồng vui vẻ kể.
Thành công chuyến “đi sứ” của Trưởng bản còn ngoài mong đợi của nhiều người. Mối quan hệ giữa bà con 2 bản trở nên gắn kết thắm thiết. Ông Hồng cho biết: Mỗi năm, vào dịp Tết của 2 dân tộc, bà con đều qua lại đón Tết, vui Xuân cùng nhau. Cứ 2 năm 1 lần, cán bộ, đoàn thể của các bản lại tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Nhờ vậy, quan hệ 2 bên càng thêm khăng khít, an ninh biên giới càng thêm đảm bảo. Bà con 2 bên cùng nắm bắt nhiều nguồn tin có giá trị giúp Bộ đội Biên phòng 2 nước bắt giữ nhiều đối tượng bất hợp pháp.
Từ đó đến nay, qua nhiều thế hệ cán bộ bản, mối quan hệ vẫn được duy trì. Hiện, trên địa bàn xã Thông Thụ đã có 3 bản kết nghĩa với 3 bản của nước bạn Lào.
Để bảo vệ cột mốc, đường biên, bản Mường Piệt còn thành lập Tổ tuần tra bảo vệ biên giới là thanh niên, dân quân tự vệ cùng phối hợp với Bộ đội Biên phòng hàng tháng đi tuần tra bảo vệ đường biên. Chính bản thân ông Hồng tuy đã lớn tuổi nhưng ông vẫn nhiều lần tham gia cùng lực lượng tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên, cột mốc.
Xây dựng bằng lòng tin của dân bản
Sau nhiều năm làm cán bộ bản, đến năm 2000, ông Lương Minh Hồng được bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Thông Thụ. Phát huy vai trò trong công tác vận động bà con, ông cùng Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận và các Đoàn thể bắt tay vào giúp đỡ bàn con phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa.
Trước đây, bà con ở đây có tập tục, khi cưới chồng, nhà gái thường thách cưới 3 nén bạc, trâu, lợn và tổ chức ăn uống nhiều ngày.
Khi có người mất, dân bản để nhiều ngày để chọn ngày tốt để chôn. Con trai phải góp trâu, bò; con gái phải góp lợn để mổ cùng ăn uống khiến cho tang quyến phiền hà tốn kém.
Đồng bào dân tộc Thái nơi đây, còn có tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới nhà sàn, biến cột nhà thành nơi buộc trâu bò gây mất vệ sinh không gian sống.
Ông Lương Minh Hồng (thứ 3 từ trái sang) nhận Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc |
Với quyết tâm phải sớm bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, Mặt trận Tổ quốc xã đã vận động người dân từng bước xóa bỏ những thói quen tồn tại nhiều đời nay. Ông Hồng kể: “Sau khi đưa người dân đi xem mô hình ở một số địa phương, bà con về thực hiện rất nhanh, không còn thách cưới, người mất chỉ để trong vòng 24 giờ là an táng, chuồng trâu, bò đã được làm cách xa nơi ở. Không nhưng thế, vệ sinh môi trường trong bản được phân công dọn dẹp hàng tuần. Tệ nạn xã hội từng đang từng bước dẹp bỏ, người nghiện ma túy đã đi cai nghiện”.
Kể về công việc vận động nhân dân và hòa giải của mình, ông Hồng còn nhớ, năm 2006, nhà anh Hà Văn Tuấn ở bản Lốc bị lửa thiêu trụi, đại diện Mặt trận xã, ông đã đi vận động bà con làm cho gia đình anh Tuấn ngôi nhà mới khang trang hơn cả nhà cũ. Ngoài ra, còn mua sắm đồ gia dụng để giúp anh Tuấn ổn định cuộc sống.
Nhiều cặp vợ chồng chỉ vì khúc mắc nhỏ, dẫn đến mâu thuẫn đòi li hôn nhưng được cán bộ Mặt trận hòa giải lại trở về cuộc sống êm ấm. Bà con trong xóm còn thành lập ra các Tổ đổi công trong sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế xóa nghèo.
Lực lượng do xã thành lập từ trước đến nay, vẫn đồng hành cùng cán bộ, chiến sỹ Biên phòng trong mỗi lần tuần tra, kiểm soát biên giới |
Căn phòng “truyền thống” của ông có đến 21 Bằng khen, Kỷ niệm chương, giấy khen của Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chính quyền các cấp khen tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận, đóng góp vào bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Được biết, ông còn nhiều lần là đại biểu điển hình đi dự hội do tỉnh Nghệ An, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức,…
Năm 2010, ông về nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia công tác vận động nhân dân bảo vệ chủ quyền biên giới. Ông vẫn là người dẫn đường tiên phong trong những lần đi tuần tra biên giới dù tuổi cao, địa hình hiểm trở.
Thượng tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ nói về ông, là người gương mẫu, uy tín trong đồng bào dân tộc nơi đây, có vai trò trong kết nối đoàn kết nhân dân 2 bên biên giới. Nhiều năm, ông trực tiếp tham gia hành quân để bảo vệ đường biên. Lực lượng do xã thành lập từ trước đến nay, vẫn đồng hành cùng cán bộ, chiến sỹ trong mỗi lần tuần tra, kiểm soát biên giới. Ngoài ra, người dân cũng đã cung cấp rất nhiều nguồn tin cho Biên phòng đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, những đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Từ đầu năm đến nay, qua nguồn tin của bà con, Bộ đội Biên phòng đã bắt 17 vụ với 18 đối tượng nhập cảnh trái phép, góp phần giữ gìn an ninh biên giới, phòng chống dịch Covid-19.
Nguồn: Báo lao động thủ đô