Người dân không đăng ký đất đai lần đầu sẽ bị phạt lên đến 10 triệu đồng
(Xây dựng) – Tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật Đất đai 2024 đã đưa ra đề xuất về việc sắp phạt nặng người không đăng ký đất đai lần đầu.
Sắp phạt nặng người không đăng ký đất đai lần đầu?
Theo quy định tại Điều 20 Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, người dân sử dụng đất từ trước 5/1/2020 (ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực) sẽ bị phạt từ 2-6 triệu đồng, còn đất từ sau 5/1/2020 sẽ bị phạt từ 3-10 triệu đồng nếu không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
Lưu ý: Đây là mức phạt đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện sẽ bị phạt mức tiền gấp 2 lần đối với cá nhân.
Bên cạnh mức phạt hành chính, dự thảo cũng nêu biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm việc sẽ bắt buộc các cá nhân sẽ phải làm thủ tục đăng ký đất đai lần đầu theo đúng quy định. Hiện nay, đất và tài sản gắn liền với đất bắt buộc phải thực hiện đăng ký lần đầu được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2024 số 31/2024/QH15 gồm: Đất đang sử dụng mà chưa đăng ký; Đất được Nhà nước giao và cho thuê để sử dụng; Đất được giao để quản lý mà chưa thực hiện đăng ký.
Đề xuất nâng mức phạt khi không đăng ký biến động đất đai
Hiện nay, theo quy định tại hoản 2 và 3 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cá nhân không thực hiện đăng ký biến động đất đai sẽ bị xử phạt như sau: Trường hợp 1: Không thực hiện đăng ký biến động trong thời gian dưới 24 tháng kể từ ngày quá hạn: Khu vực nông thôn: 1-3 triệu đồng; Khu vực đô thị: 2-6 triệu đồng.
Trường hợp 2: Không thực hiện đăng ký biến động trong thời gian hơn 24 tháng kể từ ngày quá hạn: Khu vực nông thôn: 2-5 triệu đồng; Khu vực đô thị: 4-10 triệu đồng.
Tuy nhiên sắp tới, khi Luật Đất đai 2024 được đưa vào thi hành, hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai sẽ bị xử phạt như sau:
Trường hợp 1: Không thực hiện đăng ký biến động trong thời gian dưới 24 tháng kể từ ngày quá hạn: Khu vực nông thôn: 2-3 triệu đồng; Khu vực đô thị: 4-6 triệu đồng.
Trường hợp 2: Không thực hiện đăng ký biến động trong thời gian hơn 24 tháng kể từ ngày quá hạn: Khu vực nông thôn: 3-5 triệu đồng; Khu vực đô thị: 6-10 triệu đồng.
Bên cạnh mức phạt hành chính, dự thảo cũng nêu biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm việc sẽ bắt buộc các cá nhân sẽ phải làm thủ tục đăng ký biến động đất đai theo đúng quy định.
Sắp tới, theo quy định tại điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024, việc đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây: Đất đã thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Đất đã qua cho thuê, cho thuê lại dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
Đất dự án đã chuyển nhượng, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức; Đất được thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND có thẩm quyền công nhận.
Đất được thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; Đất được thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; theo bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án.
Đất được thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quyết định/phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam về giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Đất được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề; Thay đổi những quyền bị hạn chế của người sử dụng đất; Bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Lưu ý khi làm đơn đăng ký biến động đất đai
Người dân cần phải kê khai đúng theo tên và địa chỉ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp thay đổi thông tin thì phải ghi thông tin trước và sau thay đổi vào đơn và nộp giấy tờ chứng minh sự thay đổi.
Trường hợp chuyển đổi đất nông nghiệp không thuộc diện “dồn điền đổi thửa” hay chuyển nhượng, cho tặng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, góp vốn; chuyển quyền sử dụng đất của riêng vợ chồng thành chung của vợ chồng; thay đổi thông tin pháp nhân, số Chứng minh nhân dân/thẻ Căn cước công dân thì sẽ không cần thực hiện kê khai, xác nhận thông tin trong đơn.
Trường hợp xác định lại diện tích đất ở đã được cấp Giấy chứng nhận cũng sẽ không thực hiện kê khai và xác nhận thông tin trong đơn.
Nguồn: Báo xây dựng