Thương hiệu quốc gia thúc đẩy phát triển ngoại thương, nâng cao năng lực cạnh tranh
Khẳng định thành công từ thương hiệu
Hướng tới chào mừng kỷ niệm 16 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 – 20/4/2024), sáng ngày 16/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Chương trình Lễ khai mạc Tuần lễ THQG Việt Nam và Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam năm 2024 theo hình thức hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) tại Hà Nội, cùng với hoạt động bên lề là Triển lãm ảnh thành tựu THQG Việt Nam.
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 diễn ra từ ngày 15-21/4/2024 với nhiều hoạt động thiết thực như (i) Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam gửi tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; (ii) Triển khai các kế hoạch tuyên truyền theo hình thức trực quan; (iii) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông; (iv) Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia năm 2024 và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024; (v) Triển lãm ảnh thành tựu Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam là sự kiện thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ THQG Việt Nam với mục tiêu là tạo ra đối thoại chuyên sâu, đa góc nhìn thu hút được sự tham gia đông đảo các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như doanh nghiệp liên quan tới xây dựng, phát triển thương hiệu. Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương.
Các hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức trong đại chúng và cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình THQG Việt Nam và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam, đồng thời giúp trang bị thêm kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu. Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả thì cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật. Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt.
Với chủ đề “Nâng tầm những giá trị cốt lõi”, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước, Đại học RMIT (Úc), và một số doanh nghiệp có sản phẩm THQG. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những thông tin về: Giá trị cốt lõi của THQG và giải pháp nâng tầm giá trị cốt lõi của THQG; Phát huy sức mạnh, gia tăng giá trị sản phẩm ‘Made in Vietnam’ thông qua các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển thương hiệu và đề xuất những định hướng, giải pháp cho Việt Nam.
Ông Lê Đức Nghĩa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gỗ An Cường cho biết năm nay thị trường hồi phục, xuất khẩu các sản phẩm gỗ cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện nhà máy của An Cường đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 11 còn trong nước cũng đến hết quý 3/2024.
Với hai thị trường chủ lực là Mỹ chiếm 85% và Nhật Bản chiếm 15% đơn hàng xuất khẩu, Công ty An Cường đang định hướng mở rộng sang Canada. Để có chỗ đứng và thành công trên thị trường, ông Nghĩa cho biết định hướng ngay từ đầu của An Cường là không làm gia công, do vậy doanh nghiệp rất tích cực tham gia các hội chợ tại nước ngoài, đồng thời tổ chức các đoàn doanh nghiệp từ Mỹ về thăm nhà máy của An Cường để kết nối trực tiếp các đơn hàng và phát triển thương hiệu.
Theo ông nghĩa, nếu xuất khẩu bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp thì lợi nhuận rất tốt, còn khi làm gia công lợi nhuận sẽ không bền vững. Cụ thể hơn nếu tự làm xuất khẩu, lợi nhuận sẽ dao động từ 8-10% còn khi làm gia công thì lợi nhuận chỉ từ 2-3% thậm chí là hòa vốn nếu quản lý không tốt. Để thành công, doanh nghiệp phải tập trung nhiều hơn cho vấn đề marketing, đẩy mạnh công tác phát triển thương hiệu.
Trong khi đó, đối với tập đoàn TH, chữ “thật” của TH cũng được khẳng định bằng mô hình kinh tế Xanh-kinh tế tuần hoàn mà doanh nghiệp này theo đuổi, áp dụng. Ông Arghya Mandal Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH (Tập đoàn TH) chia sẻ những dự án đầu tư của TH tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen, tạo ra những sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp với sản lượng và chất lượng đột phá, theo chiều hướng phát triển bền vững, có lợi cho sức khỏe.
Tính đến năm 2023, Tập đoàn TH đã bốn lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam với các tiêu chí: Chất lượng, Sáng tạo-Đổi mới, Năng lực tiên phong. Mới đây nhất, TH có 5 nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, gồm Sữa tươi tiệt trùng TH true MILK, Kem TH true ICE CREAM, Sữa hạt TH true NUT, Nước tinh khiết TH true WATER và Nước uống sữa trái cây TH true JUICE milk.
“Để có thể thực sự chắp cánh thương hiệu, các doanh nghiệp cần đồng hành cùng chương trình trong các hoạt động quảng bá, truyền thông, hướng tới một mục tiêu chung, đó là phát triển, nâng tầm thương hiệu Quốc gia Việt Nam, từ đó chính các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi. Đây cũng là cách truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng vào cuộc, gây dựng niềm tự hào, sức hấp dẫn cho đất nước, con người và các sản phẩm hàng hóa, thương hiệu của Việt Nam,” ông Arghya Mandal thông tin thêm.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SM) trên thế giới đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu bằng những giá trị cốt lõi, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu Quốc gia, gắn với hình ảnh sản phẩm chất lượng.
Tiến sỹ Abel D. Alonso, Đại học RMIT Việt Nam nhìn nhận các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 96% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% giá trị gia tăng Quốc gia… Vì vậy, với những doanh nghiệp này, khi xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, với từng ngành hàng cụ thể, có thể thông qua việc ‘kể chuyện’ liên tục và tiếp xúc trên mạng xã hội (nhấn mạnh vào tính hữu ích của sản phẩm và giá trị tinh thần của sản phẩm, cũng như tham dự các sự kiện và kết nối) sẽ là điểm nhấn để đổi mới sáng tạo, mở rộng việc tạo ra giá trị cho những định hướng đó.
Gia tăng những giá trị cốt lõi
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân – Phó Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã gửi lời chúc mừng tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực hành động để phát triển, góp phần thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ của THQG Việt Nam trước bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư trong nước.
Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở cao nhất thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ 04 của ASEAN và thứ 40 thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
“Giá trị THQG Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá.
Chương trình THQG Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Chương trình luôn đồng hành hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào, sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhận thức mối quan hệ mật thiết giữa Thương hiệu quốc gia với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cũng trong khuôn khổ “Tuần lễ THQG Việt Nam”, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm những giá trị cốt lõi”. Chủ đề này là một lời kêu gọi cho chúng ta với trách nhiệm lớn lao và đầy thử thách. Nâng tầm những giá trị cốt lõi không chỉ là việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, xây dựng xã hội công bằng và phát triển bền vững.
“Trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta và là nền tảng để chúng ta xây dựng và phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Còn theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Viện thương mại và kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, với giá trị Thương hiệu Quốc gia đạt gần 500 tỷ USD, điều này thể hiện năng lực cốt lõi của Việt Nam đang ngày càng được thế giới thừa nhận và doanh nghiệp biết cách để phát huy năng lực đó.
Nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, giá trị cốt lõi thể hiện ở việc “làm phải có thương hiệu, uy tín, chuyên nghiệp, lâu dài,” ông cho rằng vấn đề xây dựng thương hiệu phải làm thường xuyên, chuyên nghiệp, bài bản, do vậy các doanh nghiệp phải có sản phẩm, dịch vụ thể hiện được uy tín, đẳng cấp của mình, đồng thời phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, có sức lan tỏa mạnh và kỹ năng làm thương hiệu chuyên nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để xây dựng thương hiệu, ông cho rằng phải lựa chọn sản phẩm, mặt hàng và tự chọn cách thức để làm sao cho giá trị cốt lõi của doanh nghiệp khẳng định trên thị trường.
“Các bộ, ngành chức năng nên có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về quảng bá, định hướng tiêu dùng và có những chương trình xúc tiến, phát triển thương hiệu quốc gia từ những mặt hàng hầu như chưa biết đến và biến thành những mặt hàng nổi trội trên thị trường và cần phải có những cách thức hết sức khoa học,” phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.
Để phát huy giá trị cốt lõi, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu thời gian tới, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nâng cao nhận thức của các đơn vị về vai trò, ý nghĩa trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trong sản xuất-kinh doanh, để từ đó có sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư xứng đáng cho phát triển thương hiệu, đồng thời nâng cao nhận thức, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Đối với các hiệp hội và doanh nghiệp, ông Chiến đề nghị phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng đồng đều, ổn định mang tính bền vững, theo xu hướng kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn…
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và giao Bộ Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp các bộ, ngành triển khai.
Chương trình hướng tới mục đích xây dựng xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao.
Mục đích thứ hai là nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu, sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô. Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”.
Tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu