Sở Xây dựng Hòa Bình: Cần làm rõ một số nội dung dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
(Xây dựng) – Theo Sở Xây dựng Hòa Bình, cần rà soát sự phù hợp, đồng bộ giữa dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các Luật chuyên ngành khác có liên quan, để khi áp dụng đảm bảo thực tiễn, dễ thực hiện, không chồng chéo giữa các Luật.
Một góc đô thị Hòa Bình ngày nay. |
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được bố cục 5 chương với 61 điều với nhiều điểm mới như: Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật) và mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch. Mục đích là tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.
Tham gia ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật, Sở Xây dựng Hòa Bình cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời đề xuất UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Bộ Xây dựng làm rõ một số nội dung sau:
Tại điểm g khoản 2 Điều 5 có nêu: “Khu chức năng có diện tích không vượt quá 500ha hoặc khu chức năng nằm trong phạm vi đã có quy hoạch chung được phê duyệt phải thực hiện lập các cấp độ quy hoạch phân khu cho toàn bộ diện tích của khu chức năng và quy hoạch chi tiết cho dự án đầu tư xây dựng hoặc cho từng khu vực trong khu chức năng theo yêu cầu phát triển, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
Trường hợp khu chức năng hoặc khu vực trong khu chức năng có diện tích không vượt quá 200ha, được dự kiến đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng thời với các công trình xây dựng trên mặt đất thì được lập quy hoạch chi tiết để làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng”.
Kiến nghị làm rõ đối với cụm từ “dự kiến đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng thời với các công trình xây dựng trên mặt đất” thì được lập quy hoạch chi tiết để làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng.
Tại điểm c, d khoản 2, Điều 5 và tại khoản 3, 4 Điều 16 có quy định phân cấp lập cũng như trách nhiệm lập quy hoạch của huyện và của xã, tuy nhiên để tránh chồng chéo cũng như khả năng quản lý và lập quy hoạch của địa phương, kiến nghị chỉ phân cấp: Huyện lập các cấp độ quy hoạch cho toàn bộ phạm vi địa giới hành chính huyện bao gồm quy hoạch đô thị (theo phân loại đô thị) và quy hoạch nông thôn (quy hoạch xã).
Tại khoản 1 Điều 16 có nêu: “Đối với đô thị và khu chức năng, theo yêu cầu và điều kiện thực tiễn, Bộ Xây dựng được thống nhất để UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức lập theo trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật này”.
Kiến nghị nêu cụ thể phân cấp (không quy định chung chung là theo yêu cầu và điều kiện thực tiễn) để đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện và không phát sinh thủ tục hành chính.
Tại khoản 5 Điều 16 cần làm rõ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (được hiểu là khu vực của 1 dự án hay có thể là khu vực của nhiều dự án) để đảm bảo tính đồng bộ và liên tục với Luật Đất đai và Luật Đầu tư khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tại Điều 17, 18, 19, 20 chưa nêu cụ thể về cơ sở xác định các khu vực đất ở nội thị và ngoại thị (có xác định là đất ở nông thôn hay không?) vì các liên quan đến Khoản 1, Khoản 5 Điều 144 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội.
Tại điểm c, khoản 1, Điều 22 có nêu: “xác định hình khối, màu sắc hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc; hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường”. Kiến nghị bổ sung và làm rõ việc xác định các thông số trên là định hướng và là nguyên tắc để thiết kế công trình, tuyến phố ở bước tiếp theo, chứ không bắt buộc phải thiết kế theo minh họa thiết kế đô thị ở giai đoạn này. Hiện nay, một số Kết luận Thanh tra cho rằng thiết kế xây dựng không đúng với thiết kế đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.
Tại khoản 5 Điều 33 có nêu: “Trường hợp trên 50% các ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan không đồng thuận thì cơ quan tổ chức lập quy hoạch cần rà soát, bổ sung nội dung quy hoạch và thực hiện lấy lại ý kiến cộng đồng dân cư; sau 2 lần lấy ý kiến mà tỷ lệ đồng thuận không vượt quá 50% thì cơ quan tổ chức lập quy hoạch báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xem xét quyết định phương án xử lý”. Kiến nghị phương án xử lý là như thế nào? Trường hợp cấp có thẩm quyền phê duyệt đã chủ trì việc xin ý kiến cộng đồng nhưng vẫn không vượt quá được 50% sự đồng thuận thì phải xử lý như thế nào? Xử lý đối với tình huống mời nhưng họ không đến?
Tại điểm b, khoản 2, Điều 36 có nêu: “Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định cùng cấp”. Kiến nghị điều chỉnh thành Giám đốc Sở chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện là Trưởng phòng chuyên môn cùng cấp.
Tại Điều 47 chưa nêu cụ thể về các loại hồ sơ cắm mốc (số lượng mốc cho từng cấp độ quy hoạch) đối với cấp độ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; việc tiến hành thực hiện chỉ đối chiếu theo quy định dẫn đến thất thoát nguồn kinh phí, không hiệu quả trong công tác quản lý hồ sơ cắm mốc và mốc ngoài thực địa.
Ngoài những nội dung kiến nghị nêu trên, Sở Xây dựng kính đề nghị UBND tỉnh đề xuất Bộ Xây dựng rà soát sự phù hợp, đồng bộ giữa Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các Luật chuyên ngành khác có liên quan, để khi áp dụng đảm bảo thực tiễn, dễ thực hiện, không chồng chéo giữa các Luật.
Nguồn: Báo xây dựng